Nói được, làm được

ANTĐ - Gần hai tuần sau khi chính thức giữ những trọng trách mới trong bộ máy Chính phủ, các tân bộ trưởng, những “tư lệnh” mới, không chỉ phát đi những cam kết chắc chắn mà đã bắt tay ngay vào việc. Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính làm việc ngay với Cục Quản lý giá và cam kết trước công luận: “Kiểm soát giá là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là đối với các mặt hàng nhạy cảm như xăng, dầu, điện”. Ông còn khẳng định sẽ điều hành để chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ đưa nền kinh tế sớm ổn định. Còn tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì nhấn mạnh từ tháng 9, lãi suất có thể giảm về 17-19%.

Tài khóa và tài chính có thể ví như “dòng máu” nuôi sống toàn bộ “cơ thể” nền kinh tế. Tài khóa giống như chiếc van điều tiết dòng tiền - dòng máu lưu thông. Có những lúc, chính sách tài khóa mở ra trong khi chính sách tiền tệ lại thắt chặt khiến cho nền kinh tế “thiếu máu”.

Thế nhưng, khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, vừa lạm phát, vừa suy giảm, biện pháp đầu tiên là chính sách tiền tệ. Còn chính sách tài khóa khi đó, theo cách ví von của tân Bộ trưởng Tài chính, giống như “viên kẹo ngọt” có tác dụng làm giảm “vị đắng” của liều thuốc chính sách tiền tệ, giúp nền kinh tế không suy giảm và nhanh chóng thoát khỏi “đáy” của suy thoái. Như vậy là chính sách tài khóa được sử dụng linh hoạt và phối hợp với chính sách tiền tệ.

Ví dụ, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội thông qua gói miễn giảm thuế, đó chính là “viên kẹo ngọt” của chính sách tài khóa, chứ không phải là biểu hiện của 2 chính sách không đồng bộ. Nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của ngành tài chính là phối hợp với ngành ngân hàng và các bộ, ngành thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát, cân đối kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Song, mục tiêu của ngành tài chính trong thời gian tới có đạt được hay không, phụ thuộc vào sự kết hợp chính sách tài khóa, tiền tệ có chặt chẽ hay không.

Trước mắt, cuộc “thử sức” của các chính sách là 4 tháng cuối năm có cắt được “cơn sốt” lạm phát hay không? Tháng 9 liệu có hạ được lãi suất hay không? Giá cả những mặt hàng nhạy cảm như xăng, dầu, điện, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm sẽ được điều hành ra sao? Đặc biệt là giá vàng, làm cách nào để giá trong nước bằng hoặc thấp hơn chứ không thể cao hơn giá vàng thế giới? Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nghị định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng sẽ được ban hành trong thời gian tới, chắc chắn sẽ tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân cũng như người sản xuất, kinh doanh. Còn về giá xăng, dầu, trước sức ép của dư luận về việc giảm giá, chuyện lỗ, lãi của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, tân Thống đốc Ngân hàng cam kết sẽ tập trung làm rõ. Mặt khác, hàng năm sẽ kiểm soát kỹ lưỡng chi phí giá thành của các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng nhạy cảm trên. Chắc chắn tới đây, ông Thống đốc cam kết chuyện giá cả, lỗ lãi sẽ đảm bảo minh bạch hơn.

Quả thật, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, dù có cố gắng thì việc quản lý, điều hành ngày càng khó khăn hơn trước. Nói lời cam kết, hứa hẹn và làm tốt, đến nơi đến chốn đều khó hơn rất nhiều. Nói được, làm được. Lòng tin và kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp đã được thử thách quá đủ.

Tin cùng chuyên mục