Những ngôi làng ven đô khó viết tiếp huyền thoại, nếu... (1)

Nơi địa linh lưu giữ thuần phong

ANTD.VN - Đã từ rất lâu, chữ “Làng” luôn được mặc định là biểu trưng của hồn Việt, kể cả đấy là cách nhìn quan phương hay dân dã. Ca dao tục ngữ khuyết danh, rồi văn rồi thơ rồi nhạc rồi họa hữu danh, đều chan chứa đẫm đầy chữ “làng”. Nó thực sự xứng đáng tự hào là một di sản văn hóa phi vật thể.

Lời Tòa soạn: Quá trình đô thị hóa với tốc độ “chóng mặt” đã khiến cho nội thành Hà Nội ngày càng phình to ra, một vùng không gian văn hóa vốn được cho là bền vững - các làng cổ ven đô bị thu hẹp lại, có nơi không còn lại bất cứ dấu tích nào cho thấy, nơi đấy chỉ 20 năm trước còn hiện hữu một ngôi làng. Việc mở rộng đô thị, thu hồi đất nông nghiệp một mặt tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Thế nhưng, việc chuyển đổi này cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vốn xưa nay chỉ quen với ruộng vườn. Thay đổi sinh kế còn làm phai nhạt bản sắc văn hóa, nghề truyền thống biến mất, những đặc sản nổi danh một thời mất dần đi, không cách nào níu giữ được. Những phong tục tập quán, những hội hè đình đám… đang trên đà trở thành ký ức, hoài niệm. Và nếu không có cách gìn giữ ngay từ bây giờ khi còn chưa quá muộn, thì biết đâu chỉ 20 năm nữa thôi, chúng ta sẽ ngồi nghe người già trong phố “kể sử thi” về những ngôi làng ven đô huyền thoại.

36 phố phường bắt nguồn từ đâu?

Nơi địa linh lưu giữ thuần phong ảnh 1Làng ven đô đang chao đảo bởi những cơn sốt đất do quá trình đô thị hóa gây ra. Ảnh: Khiếu Minh

Có một điều khá lạ về mặt hành chính, làng chưa từng là một đơn vị cụ thể được kỹ lưỡng đo đếm, thậm chí trên các bản đồ địa bạ chính thức cả xưa lẫn nay, tuyệt chưa bao giờ nó được vẽ. Theo cuốn “Đất lề quê thói” thì nguồn gốc của làng Việt có từ thời truyền kỳ Hùng Vương, lúc đó gọi là Trang. Tới triều Lý - Trần thì chính thức gọi là Xã. “Trong sổ sách công văn triều Lê, làng được gọi là xã, thôn, trang, động, sách, trại, sở, phường và vạn. Trang, động, sách, trại là xóm làng mạn rừng núi. Vạn là làng ven sông ven biển. Phường là làng của các nhà cùng làm một nghề”. (Sách đã dẫn-NXB Văn học 2016, trang 392). Ở một xuất xứ như vậy, câu chuyện trường thiên “từ làng lên phố” sẽ là một niềm vui hay nỗi buồn? 

Hà Nội ngày nay cũng như vài đô thị lớn khác ở ta, là một kiểu điển hình cho việc “làng hóa phố”. Ngay từ thượng bán thế kỷ XX, thời gió Âu mưa Á, chính quyền thực dân Pháp đã sáp nhập hàng trăm làng ven đô, hình thành nên một vành đai xanh với đặc trưng hoạt động sản xuất thủ công rồi buôn bán, nhằm cung cấp mọi sinh hoạt của Thủ đô. Và cùng thời gian, Hà Nội phần lớn được thành hình trên nền tảng những làng xã mà nó cứ “nuốt” dần dần vào trong quá trình phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà từ thuở manh nha cho tới cuối thế kỷ XIX, các công trình xây dựng dân dụng ở hầu khắp Thăng Long thành đều là những ngôi nhà được dựng bằng gỗ, tre, vách đất trộn rơm theo đúng mô hình nhà ở nông thôn.

Khu phố cổ kể từ thế kỷ XVII, chính là khu phố được tạo nên quy tụ những cư dân có cùng quê cùng nghề sống dọc theo từng đoạn phố. Theo thống kê mới đây của các chuyên gia kiến trúc người Pháp, thì mật độ đình thờ tổ nghề ở mỗi phố Hà Nội, nhiều hơn hẳn chùa và đền. Có phải vậy chăng mà sau khi làm ăn dư dật trở thành “đại gia phố”, thì sâu xa ở họ vẫn níu giữ một dấu vết nguyên gốc.

Những giai thoại về cai Ba Thục người làng Nhân Mục hay cai Mơ người làng Tương Mai, là ví dụ cho việc làm nên cơ nghiệp từ lao động nghèo tay trắng. Họ là chủ sở hữu hàng chục ngôi nhà ở Hàng Đẫy, Cửa Nam và Hàng Đũa. Những thương hiệu lừng danh của các nhà tư sản thời thuộc Pháp ở Hà Nội mà có chữ “Trạch” thường làm nghề may, có chữ “Cự” là làm tương, còn chữ “Vạn” thì xuất xứ làm nước mắm. Nhạc sĩ khét tiếng Hà Nội là Đoàn Chuẩn, vốn là công tử con nhà Vạn Vân. Có lẽ nhờ thế mà âm nhạc lãng mạn ở ông, luôn phảng phất một vị “mặn” độc đáo rất riêng.

Nơi địa linh lưu giữ thuần phong ảnh 2Các làng thuần nông đang dần thay đổi sang mô hình kinh doanh dịch vụ 

Khái niệm “mở” ngày càng “mờ” 

Khái niệm “làng ven đô” là một khái niệm mở, càng ngày càng mờ. Làng Láng đã thành đường Láng. Làng Hòa Mục đã thành trung tâm khu Trung Hòa - Nhân Chính sặc sỡ xanh đỏ, một khu ăn chơi sành điệu mới của đất Kinh kỳ. Làng Phú Thượng lô nhô cao ốc dở ta dở Tây, mà giá nhà đắt đến nỗi mỗi mét vuông chung cư ở đây đã ngất ngưởng tới ngót trăm triệu đồng. Những làng ven đô với các nghề độc đáo gia truyền vang danh một thời chỉ còn thấp thoáng ẩn hiện phảng phất màu cổ tích. Đâu rồi tiếng chày đập lụa hay giã giấy dó dưới đêm trăng của hồ Tây - Trúc Bạch. Đâu rồi đúc đồng Ngũ Xã. Đâu rồi những ruộng rau muống “tiến vua” Kim Liên. Ngay cả làng đồng nát Triều Khúc cũng thành khu trung tâm tái chế vật liệu cũ sặc mùi rác phố.

Trong rất nhiều khảo cứu nghiêm túc đương đại đã xuất hiện khái niệm hài hước, “làng nội đô”. Liệu những cư dân mới tinh người ngoại tỉnh dư tiền mua biệt thự ở Ciputra có biết cách đây chưa lâu, cái nền nhà sang chảnh lát gỗ pơ mu mà mình đang ở, chính là nền ruộng của ngôi làng đầy tự hào về trồng đào Tết. Một nhà thơ dân gian gốc người làng ven đô cảm khái: “Mái bằng mái bằng lại mái bằng. Tôi đi như cá lạc vào đăng. Ba mươi năm lẻ về làng cũ. Cả làng đã hóa cục xi măng”. 

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là những làng ven Thăng Long, của Kẻ Chợ, của Hà Nội đã hoàn toàn biến mất. Đơn cử có thể kể, Cổ Loa chẳng hạn, Cự Đà chẳng hạn, hay như làng Cựu, rồi Ước Lễ rồi Đông Ngạc… Vẫn cây đa cổ thụ che rợp mái đình. Vẫn loang lổ rêu phong cổng làng nghẹn ngào không tuổi. Vẫn những hội hè cổ kính nghi lễ đặc sắc, với một bề dày văn hóa ẩm thực ngon tới tầm đặc sản quốc gia. Tất cả đều sống động trong một không gian kiến trúc trĩu nặng hồn dân tộc, cho dù đấy là một ngôi chùa cổ tuổi đếm bằng thế kỷ hay một nóc nhà thờ xây mới trăm năm. Nhưng cao hơn hết, bao trùm hơn hết vẫn là những cư dân của làng. Đa phần là những người chân chất bình dị, được lung linh điểm xuyết bằng vô số tinh hoa. Họ có thể là một nghệ nhân giữ lửa nghề truyền thống đang mong manh thất truyền. Lại có thể là một ẩn sĩ trí thức khoa bảng khiêm cung. Bởi tinh thần hiếu học của nhiều làng ven đô đã thành một thuần phong. Ví như vùng Kẻ Mọc, tên nôm gọi một số làng trải dài bên phải dọc bờ sông Tô Lịch. Sách “Phương Đình loại chí” của danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu chép: “Khoa danh ở đây tiếng nổi, 7 nhà mà có 11 người đỗ đại khoa”.

Nơi địa linh lưu giữ thuần phong ảnh 3Làng Cự Đà với nghề làm miến 

Học giả Nguyễn Văn Uẩn rưng rưng thú vị khi thuật lời các cụ xưa: “Thôn Chính Kinh phía Nam có nhiều hồ ao là cái nghiên mực. Thôn Quan Nhân kề bên là cái ngòi bút. Phong thủy như thế nên có nhiều người học vấn đỗ đạt cao”. Không biết rồi đây khi làng hóa phố, những làng ven đô liệu mãi mãi sẽ vẫn còn là linh địa. 

Để giữ nguyên được những cao cả hồn cốt của các làng ven đô trong cơn sóng thần đô thị hóa thì không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội, mà ngay cả ở những quốc gia có nền kinh tế lẫn văn hóa phát triển cao cũng thành một thách thức nan giải. Loạt bài tiếp sau của chuyên đề này sẽ cố gắng đưa ra cái nhìn khách quan tích cực của các làng ven đô về kiến trúc, về phong tục tập quán…, chỉ cốt khẳng định một điều: Việc cộng đồng dân cư nông thôn ở đây không di chuyển đi nơi khác, đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình đô thị hóa tự thân Hà Nội.

(Còn tiếp)