Nỗi đau từ khủng hoảng giá trị gia đình

ANTĐ - Gia đình thường được coi là nền tảng, giá trị vững chắc của xã hội, là nơi để bảo vệ mỗi con người trước những bất ổn và mối hiểm họa của đời sống. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều những vụ trọng án mà nạn nhân và hung thủ là những người có mối quan hệ ruột thịt với nhau. Cái ác giờ đây không còn là chuyện ngoài đường, ngoài xã hội mà nó đã xuất hiện, đã len lỏi vào trong mỗi gia đình…

(Minh họa: Internet)

Khi tình yêu thương cạn kiệt

Mặc dù chưa có một con số thống kê cụ thể, tuy nhiên nhìn vào các vụ trọng án giết người xảy ra trong năm 2012, có thể thấy chiếm số lượng không nhỏ là các vụ án xảy ra trong chính các gia đình. Được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là vụ án Lưu Văn Thắng (SN 1986, P. Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) đã ra tay sát hại đấng sinh thành của  mình bằng hàng chục nhát dao chí mạng. Sau khi gây án, hắn chạy lên tầng 2 rồi bỏ trốn. Tuy nhiên cho đến rạng sáng ngày hôm đó, Thắng đã bị lực lượng công an bắt giữ. Một vụ án khác cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Ngày 11-9, Lương Văn Trọng (Châu Phú - An Giang) trong lúc đi làm tăng ca trở về nhà thuê trọ thuộc xã Hòa Lợi (Bến Cát, Bình Dương) yêu cầu vợ được cho “quan hệ”. Tuy nhiên do mới sinh con đầu lòng được 18 ngày nên vợ Trọng đã từ chối. Tức giận vì vợ không “chiều”, Trọng đã chửi bới và hành hung khiến vợ bất tỉnh. Chưa hả giận, hắn còn bế đứa con nhỏ ném vào tường khiến cháu bé vỡ sọ chết ngay tại chỗ. 

Trong trường hợp của Trần Văn Cường (53 tuổi, P.Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội), hành vi giết con đẻ của thủ phạm rất đáng lên án nhưng cũng rất đáng thương. Cường có con trai là Trần Văn Nhẫn. Vì là con út nên Nhẫn từ nhỏ đã được bố mẹ cưng chiều. Tuy nhiên, do bản tính ngỗ nghịch, thường bỏ đi theo đám bạn xấu ăn chơi đua đòi nên Nhẫn từng bị đưa vào trường giáo dục trẻ em hư ở Ninh Bình. Không những không sửa đổi mà Nhẫn còn tỏ ra lưu manh, hỗn láo hơn. Nhẫn đã từng đánh bố gẫy răng và chém đứt gân tay của bố.

Đêm 25-2, Nhẫn gây sự và xông vào phòng đánh cả chị dâu bất chấp sự can ngăn của mẹ. Uất ức dồn nén nhiều ngày, ông Cường đã quyết định ra tay sát hại chính đứa con ruột của mình. Cũng giống như trường hợp của ông Cường, ông Võ Tuấn Dũng (63 tuổi ở P. Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) cũng đã ra tay sát hại con đẻ của mình vì bất lực khi không thể dạy được con. Con trai lớn của ông là Võ Tuấn Cường (SN 1978) nghiện ma túy nặng từ hơn 10 năm. Dù nhiều lần đưa Cường đi cai nghiện nhưng đều không thành. Cường đã từng có 1 tiền sự tội trộm cắp tài sản và 1 tiền án tội mua bán trái phép chất ma túy. Để có tiền mua ma túy sử dụng, Cường đã nhiều lần về nhà chửi bới thậm chí đánh đập bố mẹ. Đêm ngày 31-5, vì yêu cầu xin tiền không được đáp ứng, hắn đã cầm khóa cửa đập liên tiếp vào đầu và tay bố. Trong lúc xô xát, ông Dũng đã bóp cổ con trai mình xiết mạnh khiến Cường tử vong. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ông Dũng đã đến cơ quan công an để tự thú. 

Đâu là nguyên nhân?

Theo Tiến sĩ, giảng viên Trần Đức Thìn - Trường Đại học Luật Hà Nội, qua những vụ trọng án đã xảy ra trong gia đình, không khó để giải mã động cơ phạm tội trong từng vụ án cụ thể. Tuy nhiên tổng quát lại, có một nguyên nhân nổi bật, đó là những xung đột về mặt lợi ích trong việc tranh chấp tiền bạc, đất đai, tài sản… Bên cạnh đó, những mâu thuẫn xuất phát từ việc ghen tuông hay do bạo hành cũng là nhân tố châm ngòi cho những vụ án mạng bi thương này. Đặc biệt trong thời gian qua, xuất hiện rất nhiều vụ án cha giết con vì bất lực trong việc dạy dỗ con cái. Nguyên là do trong cuộc sống đời thường gặp phải rất nhiều những va chạm, mâu thuẫn, hoặc lối sống, quan niệm sống của hai thế hệ khác biệt nhau. Khi sự ức chế, những uẩn ức, những mâu thuẫn tích tụ lâu ngày lên đến đỉnh điểm thì bùng phát thành hành vi và sẽ dẫn tới những hành động khó lường. 

Nhìn nhận từ khía cạnh nghiên cứu xã hội, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện xã hội học) lý giải: Một trong các nguyên nhân của những cơn cuồng sát là do các thiết chế gia đình hiện nay đang bị xuống cấp. Nổi bật là những chức năng cơ bản trong gia đình như chức năng chăm sóc lẫn nhau, chức năng xã hội hóa, giáo dục, chức năng tình cảm… đang bị rạn nứt. Trong nhiều gia đình hiện đang dần mất đi những nền nếp, truyền thống đạo lý, nhân văn, văn hóa… Và đó chính là môi trường để tội ác nảy sinh và phát triển. Đã xảy ra rất nhiều những vụ việc mà những thành viên trong gia đình bị tha hóa, sinh hoạt không lành mạnh thậm chí còn du nhập những lối sống độc hại làm ảnh hưởng đến sự phát triển gia đình. Trong bối cảnh điều kiện nền tảng gia đình đã bị rạn nứt, từ những mâu thuẫn nhỏ, nếu không sử dụng tình nghĩa, những đạo lý, đạo đức để kiểm soát trật tự gia đình, sẽ dẫn tới việc không kiểm soát được thái độ, hành vi và để bùng phát sự việc “giận quá mất khôn” như cách nói của dân gian. 

Chỉ vì phút nông nổi, những con người này đã cướp đi mạng sống của người thân trong gia đình mình

Phải duy trì nền tảng, thiết chế của gia đình

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, khi một vụ án mà những người thân trong gia đình sát hại lẫn nhau xảy ra, hậu quả của nó để lại sẽ là không lường. Bởi nó sẽ phản bác lại phương châm sống gia đình là bình yên, là tổ ấm. Và điều nguy hại nhất là sẽ khiến cho con người ta cảm thấy không còn niềm tin ở cuộc sống. Khi số lượng những vụ việc như vậy tăng lên, và gia đình không còn là tổ ấm nữa, người ta sẽ xã hội đầy rẫy sự nhiễu nhương và cảm thấy sự bất ổn ở bất cứ chỗ nào. Đáng nhẽ khi trở về khuôn viên của gia đình, trong phạm vi sinh hoạt nhỏ nhắn của mình, lẽ ra phải là nơi tràn ngập tình yêu thương, sự giúp đỡ lẫn nhau thì nay đã liên tiếp xảy ra những bất ổn. Còn đối với người nhà nạn nhân, khi mà vụ việc xảy ra họ mất đi một người thân, một người phải chịu sự trừng phạt của pháp luật thì những người còn lại sẽ không bao giờ có thể thanh thản trong tâm hồn, trong ý nghĩ, mỗi khi có bất cứ một kỷ niệm, một sự kiện gì gợi nhớ đến sự không toàn vẹn trong gia đình. 

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, một bộ phận không nhỏ trong xã hội chúng ta hiện nay đang bị khủng hoảng về niềm tin, khủng hoảng về giá trị sống. Điều này tất yếu sẽ dẫn tới việc có nhiều người không tìm được giá trị sống đích thực cho mình. Và không khó hiểu khi trong một giây phút không kiểm soát được bản thân, không kiểm soát được hành vi họ đã ra tay sát hại chính những người thân yêu trong gia đình mình. Có thể thấy, gia đình là môi trường đầu tiên mà một đứa trẻ ra đời được tiếp xúc và bị ảnh hưởng. Cha mẹ là tấm gương của con cái. Khi con cái mất niềm tin vào cha mẹ, mất niềm tin vào sự giáo dục của gia đình thì nhân cách cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, mặc dù có những môi trường gia đình tốt, nhưng khi gặp những tác động xấu của xã hội như bị bàn bè lôi kéo, rủ rê tiếp xúc với những tệ nạn xã hội, với game online bạo lực, với những yếu tố phản văn hóa trên mạng internet… thì cũng có thể khiến thế hệ trẻ đi sai đường, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh, trước đây, gia đình sống với nhau có nhiều thế hệ, tình cảm ông bà, con cháu gắn kết nhiều hơn. Ngày nay, sự khủng hoảng của gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo, không vững chắc, gia đình không còn kiểm soát nhau nhiều như trước. Mọi người đều bị cuốn vào các mối quan hệ xã hội, tìm kiếm các giá trị khác mà quên đi giá trị gia đình. Do vậy, nếu gia đình quan tâm đến nhau hơn thì sẽ ít có cơ hội để cái ác nảy sinh. Nếu củng cố lại thiết chế gia đình, hàn gắn được các chức năng của nó thì có thể sẽ ngăn chặn được những nguy cơ tội ác có thể xảy ra.