Nỗi đau của người ở lại

ANTĐ - Đến tổ Văn Trì 2, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội giữa trưa tháng 7 oi ả, chúng tôi cảm nhận được không khí ngột ngạt, đau buồn ở nơi đây. Ai cũng nhắc đến cô bé Nguyễn Thị Ngân - sinh viên trường ĐH Ngoại thương vừa ngoan, vừa học giỏi với niềm xót thương vô hạn…

Phóng viên ANTĐ trò chuyện, chia sẻ với bà Đặng Thị Huệ - mẹ của sinh viên Nguyễn Thị Ngân

Vẫn còn đó lời hứa…

Thắp nén hương lên bàn thờ có di ảnh cô gái trong độ tuổi đôi mươi với khuôn mặt thông minh, trong sáng, chúng tôi và những người có mặt không kìm nổi xúc động. Nói về cô con gái, bà Đặng Thị Huệ nghẹn ngào kể, ngay từ khi mới vào tiểu học, Nguyễn Thị Ngân luôn có ý thức học tập tốt, rất chăm chỉ và kiên trì. Do nhà neo người, kinh tế eo hẹp nên hầu hết Ngân phải tự học tại nhà, khi có bài khó thì đến trường hỏi thầy, hỏi bạn.

Khi chuẩn bị tốt nghiệp THPT, Ngân tự mày mò, ôn luyện, đăng ký, tham gia dự thi và đã đạt học bổng du học 70% tại Hàn Quốc và 50% tại Nhật Bản. Lúc nhận được tin trúng tuyển, Ngân rất vui và háo hức muốn được đi du học nhưng thấy điều kiện gia đình khó khăn, bố thường xuyên ốm đau, mẹ công nhân mất sức hàng ngày phải đi quét vôi, sơn tường để có thêm thu nhập nên Ngân đành phải gác giấc mơ du học lại, dồn sức cho kỳ thi đại học trong nước. Khi được tin Ngân đỗ vào ĐH Ngoại thương với số điểm khá cao, bà Huệ mừng phát khóc, nhưng cũng không khỏi lo lắng vì nhà xa trường hơn chục cây số mà con chưa có phương tiện đi lại.

Bà Huệ tâm sự: Nhiều lần cháu đề nghị tôi mua xe máy để đi học cho tiện nhưng vì chưa đủ tiền nên tôi cứ khất lần. Cho đến bây giờ, tôi day dứt lắm vì vẫn nợ con lời hứa đó.Vì chưa có xe nên ngày nắng cũng như mưa, hôm nào Ngân cũng phải dậy từ sáng sớm, đi bộ gần 2km ra điểm đón xe buýt, đến trạm trung chuyển ở trường ĐH Giao thông Vận tải thì lại đi bộ từ đó đến trường ĐH Ngoại thương học. Vào những hôm trời mưa rét, nhìn con cặm cụi dậy sớm đến trường, tôi thương con vô cùng. Không chỉ học, Ngân còn tranh thủ đi làm gia sư, kiếm thêm tiền để chi tiêu cho việc học, sẵn sàng bố trí thời gian kèm cặp các em trong họ hàng, thôn xóm học hành và tích cực tham gia các câu lạc bộ trong nhà trường!

Giữa tháng 6 vừa qua, Ngân thông báo với mẹ về chuyến đi tình nguyện tại Quảng Ninh do Đoàn trường ĐH Ngoại thương tổ chức. Mục đích của chuyến đi này là nhằm giúp đỡ bà con ở các địa bàn xa xôi, hẻo lánh sửa sang nhà cửa và dạy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn học tập. Chuyến đi kéo dài khoảng 10 ngày (từ 29-6 đến 8-7). Do đây là lần đầu tiên con gái lớn xa nhà, lại đến vùng sâu, vùng xa nên bà Huệ rất lo lắng. Ngân đã tìm mọi cách để trấn an, động viên mẹ. Nhìn con gái hào hứng với chuyến tình nguyện đầu tiên trong cuộc đời, bà Huệ cũng không nỡ cản.

Chuyến đi định mệnh

“Tôi không thể ngờ chuyến đi định mệnh ấy khiến tôi mất con mãi mãi. Nhận được tin báo con bị nước cuốn trôi trên đường đi tình nguyện về, tôi có cảm giác đất dưới chân mình như đang sụp xuống. Sinh con và nuôi con đến ngày hôm nay, Ngân là niềm hy vọng, là lẽ sống của cả gia đình tôi. Vậy mà trong phút chốc, tất cả đã kết thúc. Tôi không biết sẽ phải tiếp tục sống như thế nào khi con không còn nữa” - bà Huệ nức nở.

Là em gái duy nhất của Ngân, từ hôm chị mất, Nguyễn Thu Ngọc như người mất hồn. Sợ chị buồn, Ngọc luôn quanh quẩn, túc trực bên bàn thờ thầm trò chuyện với chị. Từ trước đến nay, hầu như chuyện gì hai chị em cũng rủ rỉ tâm tình, đi đâu cũng có nhau.

Ngọc cho biết: “Chị Ngân là một người giàu năng lượng và sôi nổi. Chị ấy luôn hào hứng tham gia các hoạt động xã hội với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong học tập, chị cực kỳ nghiêm túc và chăm chỉ. Dù luôn đạt kết quả học tập tốt nhưng chị rất khiêm tốn. Em đã từng chứng kiến vào kỳ thi, có những đêm chị chỉ chợp mắt khoảng nửa tiếng rồi lại dậy học bài. Ngay trước đợt chị đi tình nguyện, hai chị em đã cùng nhau đi mua giày vải, găng tay, vì chị nói đến đó sẽ phải lao động chân tay nhiều. Chị còn hứa khi về sẽ cùng em thực hiện nốt một số kế hoạch riêng của hai chị em. Vậy mà”…

Sự ra đi của Nguyễn Thị Ngân - cô sinh viên vừa kết thúc năm học thứ nhất trường ĐH Ngoại thương không chỉ là mất mát của riêng gia đình các em mà còn khiến không ít thầy cô, bạn bè, hàng xóm láng giềng cảm thấy xót xa. Bà Phạm Thị Luyện  - một người dân sống tại khu vực chia sẻ, Ngân là tấm gương cho các em nhỏ về tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập, về lối sống giản dị, luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh, là niềm tự hào của tổ dân phố Văn Trì 2.

Việc cháu ra đi trong độ tuổi đẹp nhất của đời người khiến ai ai cũng bàng hoàng, thương cảm. “Công tác tình nguyện của các bạn trẻ là hoạt động đầy ý nghĩa, giúp ích không nhỏ cho cộng đồng. Tuy vậy, qua sự việc đáng tiếc này, chúng tôi rất mong các ban, ngành, đoàn thể, các nhà trường cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho sinh viên, học sinh khi tham gia tình nguyện, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc, để hoạt động này đạt hiệu quả như mong muốn” - bà Luyện đề xuất.