Nỗi đau chưa nguôi trong lòng mẹ liệt sĩ Gạc Ma

ANTĐ - 28 năm trôi qua, những người mẹ của các liệt sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma vẫn đau đáu nhớ con.

Ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa lực lượng tàu chiến hùng hậu đến tấn công, xâm chiếm đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa), 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân đã anh dũng hy sinh, trong đó có 7 chiến sĩ quê ở phường Hòa Cường, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Họ đã ra đi khi tuổi đời mới chỉ 18-20, cái tuổi đẹp nhất của đời người và chưa ai trong số này có vợ. 28 năm trôi qua, những người mẹ của các liệt sĩ vẫn đau đáu nhớ con.

Nỗi đau chưa nguôi trong lòng mẹ liệt sĩ Gạc Ma ảnh 1

Hàng ngày, mẹ Lê Thị Muộn vẫn ra cửa ngồi chờ tin con trai

Ngôi nhà nhỏ của mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn nằm sâu trong một con hẻm ở tổ 47, phường Hòa Cường Nam, thành phố Đà Nẵng. Bà Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sĩ Đoàn nay đã ngoài tuổi 80, khuôn mặt dày những nếp nhăn.

Mẹ Kế kể rằng, người con trai của mẹ, nhập ngũ khi tuổi vừa đôi mươi. Nhà chỉ có 2 chị em, Đoàn là con út, cả nhà không ai muốn con đi xa, nhưng anh đã lén ra phường đăng ký xung phong vào Hải quân.

Sau mấy tháng huấn luyện, anh được ra Trường Sa giữ đảo, chưa một lần về thăm mẹ. Đến đầu năm 1988, tin dữ báo về nhưng chính quyền địa phương chỉ dám nói anh Đoàn bị mất tích. Mãi 3 năm sau, mẹ mới nhận được thông báo chính thức con trai Nguyễn Phú Đoàn đã anh dũng hy sinh.

“Khi con mẹ nhập ngũ thì mẹ an ủi động viên con. Nếu mai này con có hy sinh thì cũng là điều vinh dự vì đất nước. Mặc dù mẹ chỉ có một đứa con trai nhưng mẹ cũng động viên con ra đi giữ bờ biển”- mẹ Kế bày tỏ.

Còn mẹ Lê Thị Muộn, ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, người mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự nay đã bước sang tuổi 84 vẫn nhớ như in ngày con trai vào Cam Ranh để chuyển vật liệu ra xây dựng Trường Sa. Sự được phân công ở lại đơn vị giữ kho nhưng anh xin ra Trường Sa cùng đồng đội.

Ngày 14-3-1988, cha anh đau nặng đang nằm bệnh viện, nghe tin trên Đài Phát thanh, con trai mình hy sinh đã không qua khỏi cơn bạo bệnh. Ngày đó trở thành ngày giỗ chung của 2 cha con. Bây giờ cứ mỗi lần nhớ con, bà Lê Thị Muộn lại lấy chiếc áo Hải quân màu trắng của con trai ra mặc.

Mẹ Lê Thị Muộn chia sẻ: “Kỷ vật của cháu chẳng có gì, đồ ở nhà đem đi hết. Chỉ mỗi cái áo nó bỏ quên, tôi sửa lại để may thành cái áo cụt, khi đi đâu tôi cũng mặc. Nắng cũng mặc, lạnh cũng mặc, đi đâu cũng cầm theo mặc cho đỡ nhớ con”.

Nỗi đau chưa nguôi trong lòng mẹ liệt sĩ Gạc Ma ảnh 2

Mẹ Hồ Thị Lai bên di ảnh liệt sĩ Trương Quốc Hùng

28 năm qua, bà Hồ Thị Lai, mẹ của liệt sĩ Trương Quốc Hùng vẫn nghẹn ngào khi nhắc đến người con của mình. Mẹ kể, những ngày ở Cam Ranh, Hùng viết thư gửi về nhắc mẹ giữ gìn sức khỏe, đừng lo lắng nhiều.

Buổi sáng 14-3-1988, mẹ cứ bồn chồn không yên, dự cảm có chuyện chẳng lành. Mẹ Lai tìm đến những gia đình cũng có con đi xây dựng đảo để hỏi han tin tức, rồi ngất lịm khi nghe tin báo con mình cùng đồng đội đã hy sinh nơi đảo xa. Những ngày sau, mái tóc của mẹ cứ rụng dần. Bây giờ, nỗi đau đã lặn sâu vào lòng nhưng người mẹ già vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con.

“Khi con tôi ra đi, có cầm theo cái màn để ở ba lô đem xuống tàu. Nó thương mẹ lắm, để lại màn mới cho tôi, chỉ đem cái màn rách đi theo. Con trai tôi để lại cái áo rằn rằn, dài tay, mặc 3 bữa Tết. Đối với tôi, đến nay, mùi mồ hôi của con trai vẫn còn nguyên xi”- bà Hồ Thị Lai xúc động nói.

28 năm qua, những người mẹ liệt sĩ Gạc Ma đang sống ở thành phố Đà Nẵng chưa nguôi nỗi nhớ con mình. Cứ đến ngày lễ, Tết là cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83, Bộ Tư lệnh Vùng C Hải quân, nơi 7 liệt sĩ ở phường Hòa Cường, thành phố Đà Nẵng từng công tác đều đến thăm hỏi, động viên. Sự kiện Gạc Ma như một vết sẹo chưa bao giờ ngưng rỉ máu. Tháng Ba luôn khắc khoải, nhắc nhở thân phận những mẹ Liệt sĩ và các cựu binh Gạc Ma.