Nới đăng kiểm xe cá nhân, siết kinh doanh vận tải

ANTĐ - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sẽ sớm hoàn tất việc sửa đổi hướng tới kéo dài thời gian đăng kiểm cho các loại xe con dưới 12 năm. Tuy nhiên, sẽ siết chặt một số đối tượng được xem là thủ phạm gây hư hại đường sá.

Xe con từ 7-12 năm tuổi sẽ được nới rộng chu kỳ kiểm định

Bổ sung thêm nội dung kiểm soát

Theo Thông tư số 10/2009/TT của Bộ GTVT, các loại phương tiện cơ giới đường bộ như xe tải, xe con, xe khách trên 9 chỗ có chu kỳ kiểm định lần đầu từ 18-30 tháng. Các chu kỳ kế tiếp từ 6-18 tháng, tùy thuộc có kinh doanh vận tải hay không. Đối với tất cả các loại xe cơ giới sản xuất từ 7 năm trở lên, chu kỳ kiểm định bắt buộc là 6 tháng/lần. 

Hiện Việt Nam có 1,6 triệu xe ôtô đang lưu hành, trong đó có khoảng 800.000 ôtô cá nhân. Với chu kỳ đăng kiểm này, nhiều người đang sử dụng ô tô cá nhân trên 7 năm cho rằng rất bất cập cho người sử dụng. Anh Nguyễn Văn Trọng ở Cổ Nhuế, Từ Liêm cho hay: “Với xe cá nhân, người sử dụng luôn có ý thức giữ gìn xe. Vì vậy, chu kỳ kiểm định 6 tháng/lần đối với xe cá nhân từ 7 năm trở lên là không phù hợp, nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm định vẫn chưa thực sự minh bạch. Xe khách, xe tải không đảm bảo vẫn “lọt” cửa đăng kiểm. Theo tôi, nên siết chặt đối với những loại xe vận tải như xe khách, container, xe tải”.

Số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đối với loại xe từ 7 năm tuổi trở xuống, tỷ lệ không đạt yêu cầu kỹ thuật so với lần đầu là 3,82%. Đối với xe từ 7 - 12 năm tuổi không đạt so với lần đầu là 11,32% và trên 12 năm là 29,26%. Số lượng xe con ở nước ta dưới 12 năm chiếm đa số, số lượng xe trên 12 năm chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng tỷ lệ không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật khá cao (khoảng 30%).

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu việc nới thời hạn đăng kiểm định kỳ lên 1 năm đối với loại xe từ 7-12 năm tuổi thay vì 6 tháng như hiện nay. “Để kiểm soát an toàn kỹ thuật đối với loại xe này, dự kiến chúng tôi cũng sẽ bổ sung thêm nội dung kiểm soát đối với loại xe con này vào Thông tư quy định về việc bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới vốn trước đây chỉ quy định đối với xe tải và xe khách”, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay.

Hậu kiểm đột xuất để nâng cao chất lượng

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Trí, việc kéo dài chu kỳ kiểm định sẽ ảnh hưởng tới việc kiểm soát an toàn kỹ thuật nếu chủ xe, lái xe không tuân thủ yêu cầu về bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm sẽ nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này trước khi trình Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét. Hơn nữa, hướng thay đổi của Cục sẽ tập trung vào mục tiêu, kiểm soát chặt đối với xe vận tải hành khách công cộng, xe chạy đường dài từ 10 chỗ ngồi trở lên sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định theo hướng, xe kinh doanh vận tải rút ngắn chu kỳ kiểm định. “Kể cả xe cá nhân, xe hộ gia đình, xe doanh nghiệp từ 10 chỗ trở lên nhưng sử dụng kinh doanh vận tải sẽ gộp vào một đối tượng, xe kinh doanh vận tải. Chu kỳ kiểm định với các loại xe này sẽ là 6 tháng/lần”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết. 

Hiện, chu kỳ kiểm định của nước ta đối với xe khách có kinh doanh vận tải quy định chu kỳ đầu là 18 tháng, các chu kỳ tiếp theo đến khi xe có tuổi đời 14 năm là 6 tháng và từ 15 năm trở đi là 3 tháng. Đối với xe tải, xe chuyên dùng, chu kỳ đầu là 24 tháng, các chu kỳ tiếp theo đến 7 năm là 12 tháng, từ 7 năm đến dưới 20 năm là 6 tháng và từ 20 - 25 năm là 3 tháng.

 Một số nước trên thế giới và trong khu vực, chu kỳ kiểm định quy định đối với xe chở khách, xe tải quy định khá ngắn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu giải pháp này cần thận trọng để phù hợp với tình hình. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình cho biết, sắp tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thành lập một tổ công tác đặc biệt để thanh tra, hậu kiểm đột xuất từ các phòng, đến các Trung tâm đăng kiểm, Chi cục đăng kiểm tại các địa phương. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra chéo, so sánh dây chuyền của đơn vị này với đơn vị kia để tự đánh giá nâng cao chất lượng.