Nội các giàu nhất trong lịch sử

ANTD.VN - Việc ông Rex Tillerson, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí ExxonMobil, nhiều khả năng trở thành Ngoại trưởng Mỹ là bằng chứng tiếp theo khẳng định đa số nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ là những tỷ phú và triệu phú.

Nội các giàu nhất trong lịch sử ảnh 1Ông R. Tillerson - bên phải - nhiều khả năng sẽ là Ngoại trưởng Mỹ

Theo giới truyền thông Mỹ, ông R. Tillerson, 64 tuổi, là người có nhiều kinh nghiệm về đàm phán quốc tế và có mối quan hệ kinh doanh với Tổng thống Nga V. Putin. Với tư cách là Tổng Giám đốc của ExxonMobil, ông đã điều hành hoạt động của tập đoàn này tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. ExxonMobil đã ký nhiều thỏa thuận lớn với Nga, trong đó có thỏa thuận với Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn nhất nước này. 

Có vẻ như lời nhận xét của bình luận viên E. Conesa thuộc tờ báo tài chính Les Echos “Phong cách lựa chọn nhân sự cho nội các mới của Tổng thống đắc cử Mỹ dường như được lấy cảm hứng từ bảng danh sách xếp hạng những người giàu nhất nước Mỹ của tạp chí Forbes” đang là sự thật. Quả vậy, bên cạnh những cái tên được đánh giá theo trường phái bảo thủ và cứng rắn trong bộ máy an ninh đối ngoại, ông D. Trump đã lựa chọn không ít những doanh nhân giàu có, với tài sản lên đến hàng tỷ USD vào vị trí đứng đầu các bộ trong chính phủ Mỹ sắp tới, theo Les Echos.

Nhìn vào danh sách những người đã được ông D. Trump đề cử, có thể thấy nhà đầu tư danh tiếng W. Ross ở vị trí Bộ trưởng Thương mại, trong khi tỷ phú B. DeVos giữ cương vị Bộ trưởng Giáo dục, còn chuyên gia về Phố Wall S. Mnuchin làm Bộ trưởng Tài chính. Bà E. Chao,  người sẽ đảm nhận cương vị Bộ trưởng Vận tải, là vợ của M. McConnell, lãnh đạo đa số tại Thượng viện và là con gái của một ông trùm vận tải đường thủy. B. Carson, gương mặt sáng giá cho chức Bộ trưởng Nhà ở, và Tom Price, người sẽ đứng đầu các dịch vụ y tế và con người, đều là triệu phú.

Theo trang web Politico, nếu những cái tên nêu trên được chính thức phê chuẩn vào nội các của ông D. Trump thì tài sản của họ ít nhất cũng lên tới 35 tỷ USD. Trang Quartz làm một phép so sánh nhỏ về “cân nặng” của nội các này với tổng thu nhập quốc dân của các quốc gia thì thấy nó được xếp vào hạng 99, nằm giữa CHDC Congo (hạng 98 với GDP được 35,2 tỷ USD) và Bolivia (hạng 100 với 33,2 tỷ USD). Nói một cách khác thì tài sản của “nội các tỷ phú” còn lớn hơn GDP của cả trăm quốc gia trên thế giới hiện nay!

Đối với Đảng Dân chủ thất cử, sự lựa chọn trên của ông D. Trump được coi là trái với chủ trương dân túy mà ông từng nêu khi tranh cử. Thượng nghị sĩ bang Ohio S. Brown tuyên bố: “Tôi không bất ngờ vì chuyện này. Đó là một tổng thống tỷ phú bao quanh bởi một nội các toàn tỷ phú và triệu phú, cùng một chương trình nghị sự sẽ không ưu tiên tầng lớp trung lưu. Việc bổ nhiệm của ông D. Trump cho thấy ông ta sắp phá vỡ những lời hứa của mình”.

Phản bác những công kích của các đối thủ, ông D. Trump khẳng định rằng những lựa chọn của ông nhằm phục vụ người dân Mỹ. Ông tuyên bố: “Những người này đã từ bỏ các khoản thu nhập từ khối tài sản lớn của họ để nhận mức lương viên chức song họ tự hào về điều đó. Tôi đang tìm kiếm những người hiểu đầy đủ thế nào là khái niệm phục vụ người dân và những người cam kết thúc đẩy lợi ích chung”.

Bản thân những nhà tỷ phú, triệu phú được ông D. Trump đề cử vào nội các cũng tự đứng ra phủ nhận những lời chí trích của phe Dân chủ. Chẳng hạn, hai nhà tài phiệt S. Mnuchin và W. Ross tin rằng chính kinh nghiệm kinh doanh sẽ là lợi thế để họ thúc đẩy niềm tin của người lao động. “Chúng tôi đã làm việc trong ngành ngân hàng, và chúng tôi hiểu việc đi vay là thế nào”, ông S. Mnuchin nói. Chưa biết Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn thế nào nhưng chắc chắn nước Mỹ sẽ có một nội các giàu nhất trong lịch sử.