Nỗi buồn “đại gia”

ANTĐ -Với doanh thu mà các nhà hát khác có mơ cũng không bao giờ chạm tới như 43 tỷ đồng một năm của Nhà hát Múa rối Thăng Long, xấp xỉ 13 tỷ đồng một năm của Nhà hát Múa rối Việt Nam, có thể khẳng định, múa rối là loại hình nghệ thuật vương giả nhất của sân khấu. Thế nhưng, bên ngoài vỏ bọc hào nhoáng bởi mức doanh thu cao và kỷ lục thì các “đại gia” ấy  lại có nỗi buồn khác. 

Với doanh thu hiện nay, rối nước được xem như loại hình nghệ thuật “vương giả” 

Dồn sức lực cho công tác biểu diễn

Nỗi buồn của các “đại gia” múa rối đến từ câu chuyện bảo tồn và phát triển các trò rối cổ. Câu chuyện tưởng chừng không có gì đáng nói khi nguồn lực về tài chính không thiếu nhưng nan giải ở chỗ làm thế nào tìm được người có đủ tâm huyết, đam mê với nghệ thuật rối nước.

 Nhà hát Múa rối Thăng Long là một đơn vị nghệ thuật hùng hậu của sân khấu Thủ đô nhưng duy nhất có nghệ sỹ Chu Lượng, Phó Giám đốc nhà hát là người chịu khó lặn lội đến các phường rối nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn của cha ông. Còn các nghệ sỹ của nhà hát đều phải dồn sức lực với mật độ dày đặc các suất diễn trong ngày. Do đó, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á chứng nhận là nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm. 

Chưa nói tới múa rối là loại hình nghệ thuật “ăn mày dĩ vãng” nhiều nhất. 16 tích trò cổ được diễn trong suốt nhiều năm qua. Cứ nhắc đến múa rối nước là nhiều người nhớ ngay đến tích Tễu, Lân, Rồng… Vốn cổ thì hầu như rất ít được đưa vào biểu diễn. Thậm chí, có nghiên cứu và tìm tòi sau một thời gian ra mắt, các tiết mục mới lại đành xếp xó vì đi kèm còn có cách thức biểu diễn phức tạp hơn.

Cùng với đó, một phần do sức ép từ doanh thu khi loại hình nghệ thuật này mỗi năm đang cắt giảm nguồn kinh phí Nhà nước, phần khác do sức ép từ các công ty du lịch khiến cho 16 tích trò cổ vẫn cứ là suất diễn chủ đạo của các nhà hát múa rối.

Theo bà Ngô Thanh Thủy - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, 16 tích trò cổ này không chỉ hay mà còn dễ chuyển tải bằng ngôn ngữ nước ngoài tới du khách. Có một số tích trò mà khi chuyển ngữ rất khó để du khách nước ngoài hiểu được đúng nguyên mẫu như “Con rồng cháu tiên”. Vì thế, khi diễn cho người nước ngoài, vẫn cứ phải chọn lối mòn đã đi cho… an toàn.

“Đãi cát tìm vàng”

Công tác bảo tồn nghệ thuật múa rối nước còn gặp khó khăn ở việc người nắm giữ bí quyết điều khiển con rối đều đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Khi các nghệ nhân “khuất núi”, thì trò đó cũng thất truyền. Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, không chỉ có các nhà hát mà các phường rối tại các làng, các xã cũng đưa các trò rối vào kinh doanh, nên họ cũng quyết giữ bí quyết nhà nghề. Điều này khiến công tác bảo tồn muôn vàn khó khăn, và “đãi cát tìm vàng” để có được người tâm huyết chuyên nghiên cứu và bảo tồn các tích trò rối nước cổ cũng là việc “mò kim đáy biển”.

 Đề cao vai trò của công tác bảo tồn và phát triển rối nước, PGS.TS Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Rối nước muốn phát triển thì cần phải cải tiến, đổi mới tiết mục cho phù hợp với đối tượng khán giả. Việc nâng cao chất lượng nghệ thuật, cải tiến nội dung cũng như hình thức thể hiện là điều phải làm. Nhưng cải tiến, đổi mới mà vẫn giữ được cốt cách Việt Nam, cái tinh túy của truyền thống là điều không dễ. Trọng trách này đặt lên vai các nghệ sĩ ngành nghệ thuật rối.  

Nỗi buồn của nghệ thuật múa rối nước là nỗi buồn của “đại gia” khi có tiền cũng khó xoay chuyển được tình thế. Nhân lực làm công tác bảo tồn và giữ gìn vốn cổ rất hiếm người theo đuổi. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long khẳng định, hiện nay không có ai chuyên tâm cho công tác nghiên cứu.

Hơn chục năm trước, Nhà hát Múa rối Thăng Long thực hiện đề tài về nghệ thuật múa rối và được hội đồng nghệ thuật đánh giá rất cao nhưng khi đem ứng dụng trong thực tế thì không ổn. Suốt từ thời gian đó đến nay, nhà hát mới chỉ làm tốt công tác biểu diễn, quảng bá nghệ thuật, còn chức năng bảo tồn, gìn giữ các trò rối cổ vẫn chưa đến nơi đến chốn. Hàng năm, Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn trích kinh phí từ doanh thu để làm công tác bảo tồn nhưng số tiền đó chưa bao giờ… dùng hết.

Vẫn biết rằng, công tác sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn rối nước truyền thống là vô cùng quan trọng. Dù không thiếu tiền để thực hiện thì nghệ thuật múa rối nước truyền thống từ lâu nay vẫn tồn tại nỗi buồn dai dẳng - nỗi buồn của việc bao năm quẩn quanh chỉ với 16 tích trò cổ.