Nỗi băn khoăn có lý

ANTĐ - Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 đề ra chỉ tiêu tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao mỗi năm hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động, số doanh nghiệp còn lại phải giảm quy mô ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội ngày càng giảm, vậy mà đều đặn hàng năm vẫn tạo ra việc làm cho từ 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 2,8% năm 2010 xuống 1,9% năm 2012?

Băn khoăn trên là hoàn toàn có lý. Các nước trên thế giới suy giảm kinh tế thì tất nhiên tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, thế mà ở Việt Nam ngược lại, kinh tế giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp không tăng mà lại giảm là trái với quy luật kinh tế. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ ý kiến của một số đại biểu lo ngại về tính xác thực của các con số và tính khả thi của chỉ tiêu việc làm và thất nghiệp khi mà mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 chỉ tăng khoảng 5,8%.

Trong bối cảnh thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng tạo việc làm, tỷ lệ thất nghiệp lại diễn ra theo chiều hướng “khả quan”, như vậy cần phải phân tích, đánh giá khách quan và thực chất hơn. Đặc biệt phải “mổ xẻ” mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, tình trạng khó khăn của doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm và thất nghiệp. Bảo đảm việc làm là một đòi hỏi lớn, quan trọng đối với nền kinh tế, có ý nghĩa quyết định đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.

Vì vậy giữ hai chỉ tiêu này làm cơ sở để Chính phủ phấn đấu ở mức cao nhất, từ đó gây dựng lại niềm tin cho doanh nghiệp và người lao động. Vấn đề lớn nhất trong năm tới không phải là tăng trưởng GDP trên 5% hay 6% mà quan trọng nhất là tạo ổn định công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động. Việc làm được coi là một chỉ tiêu quan trọng hàng đầu về sức khỏe của nền kinh tế. Biến động việc làm luôn là một trong những lý do hàng đầu dùng để giải thích cho chỉ số giá tiêu dùng và sức mua của người dân. Việc làm có thể coi là thước đo trực tiếp và xác thực tình trạng hiện tại và triển vọng của nền kinh tế. Tuy vậy, ở nước ta thông tin về việc làm chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan điều hành vĩ mô. Dự thảo Luật Việc làm chuẩn bị trình Quốc hội thông qua cũng không được dư luận thật sự chú ý. Theo dự thảo Luật, người lao động có ký hợp đồng lao động, hợp đồng việc làm có thời hạn, không thời hạn hoặc theo thời vụ từ 3 đến 12 tháng đều bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tương tự, các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động đều phải đóng bảo hiểm này dù muốn hay không.

Về phía người lao động, bảo hiểm là một công cụ chia sẻ rủi ro về lâu dài, song trong ngắn hạn, khi các nhu cầu cơ bản chưa được đáp ứng thì bảo hiểm chỉ là một món hàng “xa xỉ”. Điều này càng đúng với những người trình độ thấp, lao động chân tay chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn. Bởi vậy, dự luật cần tư duy thực tế hơn để cải thiện tình trạng thất nghiệp, cải thiện lợi ích kinh tế của người lao động.

Tin cùng chuyên mục