Nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát

ANTĐ - Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định việc nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ 2 tháng đầu năm 2015 không nằm ngoài dự tính, song theo các chuyên gia, việc xử lý nợ xấu sau khi mua cần tích cực hơn để tránh tình trạng tín dụng bị ách tắc. 

Nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát ảnh 1Việc nợ xấu tăng được đánh giá vẫn trong khả năng kiểm soát
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Nợ xấu tăng do đâu?

Theo NHNN, sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311.100 tỷ đồng. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, nhờ sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của ngành ngân hàng, nợ xấu đã được kiềm chế và xử lý một khối lượng đáng kể. 

Còn theo thông tin từ Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tính đến ngày 17-4-2015, VAMC đã mua 13.708 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 13.408 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thành lập và hoạt động, đến nay VAMC đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2015, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ (tỷ lệ nợ xấu là 3,59%). Số liệu của NHNN chi nhánh TP Hà Nội cho biết, nợ quá hạn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quý I chiếm 5,01% trong tổng dư nợ tín dụng, tăng 0,65% so với 31-12-2014.  Trong khi đó, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, 4 tháng đầu năm nợ xấu là 60.883 tỷ đồng, đưa mức tăng từ 5,31% vào cuối năm 2014 lên 5,53%. 

Liên quan tới việc nợ xấu vẫn tiếp tục tăng, Thống đốc NHNN cho rằng, diễn biến này mang tính quy luật bởi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào tháng cuối năm, tuy nhiên, việc nợ xấu tăng vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của NHNN.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, đến ngày 30-6-2015 phải đảm bảo xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu theo kế hoạch năm 2015. Trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, việc nợ xấu tăng trong những tháng đầu năm có nguyên nhân từ việc áp dụng Thông tư 02 về xử lý nợ xấu, Thông tư 09 quy định về trích lập dự phòng rủi ro và quy định phải tham chiếu thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng. Bên cạnh đó, việc một số ngân hàng hoạt động yếu kém, bị sáp nhập, cộng với các khoản cho vay ra trong thời gian qua cũng vẫn tạo ra các khoản nợ xấu mới. TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) cho rằng: “Việc áp dụng Thông tư 02 đảm bảo tính chặt chẽ, bám sát thông lệ quốc tế, việc phân loại nợ theo chuẩn mới chặt hơn thì tất nhiên nợ xấu sẽ tăng lên”.

Doanh nghiệp có khó vay vốn?

Báo cáo tài chính quý I của các tổ chức tín dụng công bố trong thời gian qua cho thấy phần nào những cố gắng trong việc xử lý nợ xấu. Thực tế, các ngân hàng đã nỗ lực giảm nợ xấu bằng nhiều cách, như thu hồi tiền mặt, phát mãi tài sản và bán nợ cho VAMC. Biện pháp mạnh cũng được các ngân hàng áp dụng là hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, đưa nợ xấu về mức an toàn. 

Tuy nhiên, nợ xấu trong những tháng đầu năm vẫn tăng. Các chuyên gia cho rằng, việc nợ xấu tăng không chỉ tác động mạnh tới lợi nhuận của các ngân hàng mà còn tạo ra tác động bất lợi đối với việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. Việc đốc thúc các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC sẽ góp phần đưa nợ xấu về một mối, giúp làm sạch bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Sau khi mua được nợ, việc xử lý cần được triển khai tích cực để tránh tình trạng ùn ứ gây nghẽn dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế. 

TS Cấn Văn Lực – Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng BIDV đánh giá: “Việc đưa nợ xấu về mức dưới 3% như mục tiêu là khả thi vì các ngân hàng đã tự xử lý một phần nợ xấu của mình thông qua trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC. Vấn đề là sau khi VAMC mua nợ thì việc xử lý nợ xấu cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa”. 

Ghi nhận từ phía doanh nghiệp cho thấy việc áp dụng Chỉ thị 02 của NHNN, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phân loại nợ khiến việc tiếp cận vốn có phần khó khăn hơn. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho biết, mặc dù có quan hệ với 3 tổ chức tín dụng và thường xuyên vay vốn, tuy nhiên, khi áp dụng Thông tư 02, do có 1 khoản nợ quá hạn tại một ngân hàng nhưng khi tham chiếu thông tin tín dụng, các ngân hàng còn lại cũng cho biết sẽ “cân nhắc” đối  với khoản vay mới.

Về vấn đề tiếp cận vốn, TS Cấn Văn Lực cho rằng: “Áp dụng các quy định theo chuẩn mới sẽ có một số doanh nghiệp sẽ bị chuyển nhóm khiến khả năng vay vốn bị hạn chế nhưng số lượng không nhiều. Các ngân hàng sẽ phải cân nhắc việc chuyển nhóm đối với doanh nghiệp và những doanh nghiệp có khả năng sẽ được các ngân hàng hỗ trợ”.