Nợ xấu phải tự trả

ANTĐ - Từ khi mới rục rịch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, một số chuyên gia đã cảnh báo tình trạng nợ xấu của các ngân hàng. Mặc dù chưa công bố chính thức con số nợ xấu của doanh nghiệp trong hệ thống ngân hàng, nhưng một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã giả định khoảng 10% GDP. Xử lý nợ xấu cần những khoảng tiền không nhỏ, ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng, song tiền không phải là tất cả.

Nợ xấu đang gây tắc nghẽn dòng vốn, khiến cho lãi suất huy động dù chỉ còn 9%/năm gần như bị vô hiệu, đặc biệt có thể tác động làm phá sản các doanh nghiệp lớn. Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Tài chính chỉ ra, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang nợ ngân hàng khoảng 415.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước có thể đánh giá tương đối chính xác về nợ và nợ xấu.

Thế nhưng tỷ lệ nợ xấu được ngân hàng công bố khiến nhiều chuyên gia hoài nghi: 3,2 - 3,6% tổng dư nợ chênh quá xa mức 13% mà Tổ chức định mức tín nhiệm Fitch công bố năm 2011 và thấp hơn 3 lần so với mức 10% mà một chuyên gia nhận định. Giả sử tỷ lệ nợ xấu 10%, tương đương 250.000 tỷ đồng (khoảng 12 tỷ USD). Số nợ xấu này vẫn đang “nằm im” chỉ “cựa quậy” trong một vài trường hợp mua bán nợ thành công. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam, xử lý nợ xấu không chỉ cứu ngân hàng mà còn cứu cả doanh nghiệp và rộng sâu hơn là cứu cả nền kinh tế.

Muốn xử lý triệt để nợ xấu phải “cắt phần ngọn” tại các ngân hàng thương mại chủ nợ và “nhổ bật gốc” nợ xấu tại các doanh nghiệp nặng nợ. Việc xử lý nợ xấu phải đạt được đồng thời cả 2 mục tiêu là giúp ngân hàng tăng thanh khoản và ổn định hoạt động, cùng lúc hỗ trợ các doanh nghiệp mắc nợ phục hồi kinh doanh và tăng khả năng trả nợ. Nếu chỉ quan tâm cứu ngân hàng thì mới chỉ “làm sạch” nợ xấu trên sổ sách, mà chưa thực sự giải quyết tận gốc vấn đề là tăng năng lực hoạt động và khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Mới đây, Công ty Mua bán nợ Việt Nam kiến nghị thành lập Quỹ xử lý nợ xấu và thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp lập quỹ được coi là thông điệp khẳng định sự can thiệp của Nhà nước vào việc xử lý nợ xấu, để lấy lại lòng tin công chúng cũng như các nhà đầu tư tư nhân, vừa tạo lập nguồn kinh phí để xử lý nợ xấu ở quy mô lớn. Theo thống kê sơ bộ, có tới 70% nợ xấu đang nằm tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, mà chủ nợ chủ yếu là các ngân hàng thương mại Nhà nước. Nếu biết cách làm và làm tốt nợ xấu, tức là một mũi tên cùng lúc trúng 2 đích: vừa giúp tái cơ cấu ngân hàng, vừa giúp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Một vấn đề “nóng” mà nhiều chuyên gia cho rằng, việc dùng tiền thuế của dân để mua nợ xấu của các ngân hàng là không đảm bảo nguyên tắc, thị trường, cũng không đảm bảo đồng tiền sử dụng có khả năng mang lại hiệu quả.

Trên diễn đàn Quốc hội, trả lời câu hỏi: Căn cứ vào đâu đưa ra quy định ngân sách Nhà nước phải gánh chịu một phần nợ xấu của ngân hàng thương mại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định không lấy ngân sách Nhà nước ra trả gánh nợ xấu của ngân hàng. Ai gây ra nợ xấu thì phải tự trả. Mỗi đồng tiền được chi tiêu phải trực tiếp đến được các dự án sinh lời cao.