Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình:

Nợ xấu do bất động sản đông cứng

ANTĐ - Trợ giúp cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 13-11 còn có Phó thống đốc Nguyễn Minh Tú và Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối Nguyễn Quang Huy. Các câu hỏi chất vấn của ĐBQH xoay quanh thị trường vàng, tiền tệ, tình hình nợ xấu và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Để xảy ra nợ xấu trước hết do trách nhiệm của các tổ chức tín dụng

5 tháng mua lại của dân 60 tấn vàng

Một loạt câu hỏi mở đầu của các ĐBQH đều liên quan đến thị trường vàng. ĐBQH Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) đặt câu hỏi: Vì sao giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng quốc tế?; giải pháp nào để huy động lượng vàng tồn trong dân? ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) tiếp tục: Vì sao không quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu? Liệu có độc quyền và lợi ích nhóm chỗ này? 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay: “Đó là những khiếm khuyết trong hoạt động quản lý thị trường vàng. Trước khi Nghị định 24 được ban hành, có thể nói rằng thị trường vàng hoàn toàn bỏ ngỏ, không ai quản lý thị trường vàng miếng… Cả nước có tới 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng miếng, chỉ cần trong đăng ký kinh doanh có dòng phê duyệt của Sở KH&ĐT là thoải mái buôn bán”- ông Nguyễn Văn Bình nói. Theo Thống đốc NHNN, sau những bất cập, thị trường vàng được chấn chỉnh bằng Nghị định 24 (có hiệu lực từ 25-5-2012). Nghị định có những nội dung hết sức quan trọng như: nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và kể từ ngày 25-5 tất cả các đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng trước đây chấm dứt hoạt động sản xuất vàng miếng của mình. Trước đó, cuối năm 2011, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 95, có một nội dung “ngoài việc xử phạt hành chính ở mức độ cao thì cho phép áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, đó là tịch thu sung công quỹ toàn bộ tang vật thu được”. Hai nghị định hợp lực đã đem lại kết quả bước đầu: Từ tháng 4 trở lại đây, tỷ giá thị trường ngoại tệ khá ổn định, không còn hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới. 

Về lượng vàng tồn đọng trong dân, Thống đốc NHNN ước tính có chừng 250-300 tấn vàng (tương đương 15 tỷ USD), thực sự là một nguồn lực rất lớn bị lãng phí. Trong 5 tháng qua, hệ thống các tổ chức tín dụng đã mua lại của người dân chừng 60 tấn vàng, tương đương 3 tỷ USD được chuyển hóa thành tiền đồng Việt Nam. Về việc không quản lý chất lượng mà đặt vấn đề thương hiệu vàng - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng đã là hàng hóa thông thường thì chất lượng của vàng sẽ được quản lý bằng Luật về chất lượng hàng hóa và nhiều nghị định khác của Chính phủ. Có một lượng vàng rất lớn đã được dập thành vàng miếng dưới rất nhiều nhãn hiệu khác nhau (khoảng 8 nhãn hiệu vàng). NHNN chọn nhãn hiệu SJC vì thương hiệu này đã có mặt hơn 10 năm qua, lượng vàng cũng chiếm tới 90% thị trường, đây là việc từng bước chuẩn hóa về một loại vàng. 

Lỗi do các tổ chức tín dụng

Trả lời chất vấn của một số ĐBQH về xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, một trong những giải pháp là phải phá băng được thị trường bất động sản. Con số được đưa ra là đến ngày 30-9, nợ xấu vào khoảng 8,82%; tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng (73% số dư nợ này có tài sản đảm bảo, hơn 66% được đảm bảo bằng bất động sản). ĐBQH Đàm Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) hỏi, tại sao nợ xấu lại quá lớn như vậy? Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhìn nhận để xảy ra nợ xấu, trước hết do trách nhiệm của các tổ chức tín dụng: Bình thường các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu tối đa chỉ từ 1-3%, nhưng khi thanh tra kiểm tra thì phát hiện nợ xấu lên tới vài chục phần trăm, thậm chí các cổ đông phải chấp nhận bán tài sản để xử lý nợ xấu. 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tăng trưởng huy động của hệ thống ngân hàng khoảng 14%, trong khi tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 10 là 3,36%. Ông lý giải: “Tăng trưởng huy động 14% của chúng ta quy ra tiền cỡ khoảng trên dưới 400.000 tỷ đồng, số tiền này hiện nay nằm ở đâu? Tăng trưởng tín dụng khoảng 3,3%, ứng với khoảng hơn 80.000 tỷ đồng. Ngân hàng đã mua 183.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, cộng với khoảng trên 80.000 tỷ đồng tăng trưởng tín dụng như thế được là hơn 270.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHNN đang hút tiền từ các ngân hàng thương mại về thêm 30.000 tỷ đồng. Đồng thời các ngân hàng thương mại hiện phải dự trữ, tổng số tiền gửi xấp xỉ 100.000 tỷ đồng. Cộng tất cả các khoản này lại vào khoảng 360.000 tỷ đồng, còn khoảng 40.000 tỷ đồng là tiền đảm bảo thanh toán ở quỹ của các ngân hàng thương mại”.

ĐBQH Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn TP.HCM): Tôi thấy không thỏa mãn

Tại nghị trường tôi đã đặt câu hỏi 2 lần để chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vì câu trả lời tôi thấy không thỏa mãn. Về điều hành giá và kiềm chế lạm phát, tôi cho rằng Thống đốc nên thừa nhận một cách sòng phẳng rằng, giữa việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về kiềm chế lạm phát và ổn định giá bằng cách siết chặt tín dụng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, suy giảm kinh tế, dẫn đến các doanh nghiệp phá sản. Cần phải nhận thức sâu sắc như vậy và đặt vấn đề này trên bàn cân xem cái được, cái mất như thế nào, thì mới có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.

Tôi biết trước đây Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nhiều lần nói sẽ điều tiết thị trường vàng, không để giá vàng trong nước cách biệt với giá vàng thế giới quá 400.000 đồng/ lượng nhưng giờ mức chênh đã lên đến 3 triệu đồng/ lượng thì Thống đốc lại trả lời chất vấn  ĐBQH là… không sao, không cần phải liên thông với giá vàng thế giới. Tôi rất không hài lòng vì cách trả lời thiếu nhất quán như vậy.

ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên): Thống đốc trả lời không “trúng” vấn đề

Nói chung tôi chưa hài lòng với phần trả lời của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, nhất là nhiều chỗ Thống đốc vẫn chưa trả lời trọn vẹn câu hỏi của tôi cũng như của một số ĐBQH khác. Thống đốc chỉ trả lời một cách đại cương, nhất là trong các giải pháp giải quyết nợ xấu, thành lập công ty mua bán nợ. Các ĐBQH muốn biết mô hình hoạt động của công ty này ra sao nhưng Thống đốc chỉ nói là chờ Chính phủ phê duyệt đề án rồi mới trình Quốc hội.
Nợ xấu nghiêm trọng, ai cũng hiểu một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là hiện tượng tiêu cực và vi phạm pháp luật trong cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng. Nhưng khi trả lời câu hỏi của tôi, Thống đốc không đề cập vấn đề này. 

Chủ tịch Quốc hội  chấm điểm Bộ trưởng

Về phần chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Thống đốc đã trả lời chi tiết đầy đủ câu hỏi của 17 đại biểu và tranh luận nhiều vấn đề. Còn 23 đại biểu đăng ký hỏi nhưng vì thời gian có hạn nên đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi và Thống đốc sẽ có trách nhiệm trả lời trước Quốc hội. Các vấn đề mà đại biểu nêu ra cho Thống đốc đều quan trọng, đề nghị trong thời gian tới thực hiện 6 nhiệm vụ là tái cơ cấu ngân hàng, đảm bảo thanh khoản nền kinh tế, giải quyết nợ xấu, quản lý thị trường vàng, lợi ích nhóm, tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện sai phạm. Tiếp tục phát huy những việc đã làm được vì thị trường trong thời gian qua có chuyển biến tích cực, lạm phát được giữ vững.