Nợ xấu chưa đáng lo

ANTĐ - Quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHHN) - ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, hiện nợ xấu trên thực tế rơi vào một số lĩnh vực về sản xuất, công nghiệp, xây dựng là các lĩnh vực chịu tác động lớn bởi thị trường bất động sản đóng băng. Xu hướng tăng nhanh của nợ xấu phản ánh sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng mạnh tới các doanh nghiệp.
Nợ xấu chưa đáng lo  ảnh 1
Thị trường bất động sản đóng băng cũng là một nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng

2 con số đáng suy nghĩ

Ông Nghĩa cho biết, bản chất của nợ xấu ngân hàng là do khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay không hiệu quả. Nợ xấu thường phát sinh sau một chu kỳ vay vốn, thậm chí sau một thời gian dài. Nợ xấu hiện nay của các tổ chức tín dụng (TCTD) được tích lũy từ trước  do môi trường kinh doanh xấu đi kể từ năm 2008. Khách hàng vay gặp nhiều khó khăn về tài chính và hoạt động. Vì vậy, nợ xấu của hệ thống các TCTD có chiều hướng gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh dư nợ tín dụng không tăng từ đầu năm tới nay cho thấy nợ xấu phát sinh mới chủ yếu là các khoản tín dụng đã được cấp trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh.

Theo báo cáo của các TCTD, tính tới cuối tháng 5, nợ xấu là hơn 117.000 tỷ đồng chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng. Còn theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tính tới cuối tháng 3 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Con số này cao gần gấp đôi so với báo cáo của các TCTD.

Lý giải về độ chênh lệch nợ xấu giữa các báo cáo, ông Nghĩa đặt câu hỏi: “Nói con số là bao nhiêu, phải đặt câu hỏi, chúng ta phân loại nợ theo hệ thống tiêu chuẩn nào?”. Tình trạng tồn tại nhiều con số về nợ xấu không phải vấn đề riêng tại Việt Nam. Trên thực tế không có chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ, việc sử dụng các hệ thống tiêu chí phân loại nợ khác nhau sẽ cho kết quả nợ xấu không giống nhau. 

“Sự vênh này xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, nếu theo tiêu chí về định tính, cùng một bảng cân đối, giữa các ngân hàng cũng có những đánh giá khác nhau. NHNN bám chắc quy định 18 - nếu như một khách hàng có nhiều khoản vay của nhiều ngân hàng khác nhau, các ngân hàng phải đưa vào dạng có rủi ro cao hơn. Do vậy, cơ quan giám sát ngân hàng đưa khách hàng có nhiều khoản nợ khác nhau vào nhóm có rủi ro cao nhất. Nguyên nhân thứ hai, các TCTD có một bộ phận không nhỏ cố ý vi phạm quy định trích lập dự phòng, giảm chi phí dự phòng, làm chênh lệch báo cáo tài chính lớn hơn”, ông Nghĩa phân tích.

Được bảo đảm bằng tài sản

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho biết, hiện nợ xấu trên thực tế rơi vào một số lĩnh vực về sản xuất, công nghiệp, xây dựng. Đây là những lĩnh vực chịu tác động lớn bởi thị trường bất động sản đóng băng. Cụ thể, dư nợ cho vay bất động sản đến cuối tháng 5-2012 vào khoảng 197.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 13% trong tổng số 2,6 triệu nghìn tỷ dư nợ các lĩnh vực của toàn hệ thống. Trong đó, nợ xấu của lĩnh vực bất động sản được xác định là 12.000 tỷ đồng, chiếm 6,5% dư nợ cho vay bất động sản.

Đối với cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, thị trường sụt giảm khiến xu hướng cho vay chứng khoán có cùng chiều hướng. Tính đến ngày 31-5, dư nợ cho vay chỉ còn khoảng gần 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu khoảng 485 tỷ đồng (chiếm 1%). 

Theo số liệu của Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN, trong tổng nợ xấu của các TCTD có hơn 84% được bảo đảm bằng tài sản. Tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng 134,8% tổng nợ xấu. Còn theo báo cáo của các TCTD với con số nợ xấu là 117.000 tỷ đồng (tính tới 31-5) có dự phòng rủi ro là hơn 67.000  tỷ đồng (tương đương 57,2%), đây là một tỷ lệ tương đối cao. Cũng theo ông Nghĩa, nợ xấu ở nhóm 5, nhóm có nguy cơ mất vốn (nhưng không có nghĩa là mất hoàn toàn vì vẫn có tài sản) hiện chiếm khoảng 40%.

Phần lớn nợ xấu được đảm bảo bằng tài sản nhờ đó TCTD có thể thu hồi được một phần hoặc toàn bộ nợ xấu từ việc xử lý tài sản đảm bảo. Do đó theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ nợ xấu như hiện nay vẫn chưa đến mức phải quá lo lắng.

Quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NHHN - ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định: “Việc thành lập công ty mua bán xử lý nợ xấu mới chỉ là đề án, hiện NHNN chưa trình lên Chính phủ và chắc chắn, sẽ không có chuyện cần đến 100.000 tỷ đồng tiền mặt để xử lý. Công ty này nếu có thành lập sẽ sử dụng nhiều dạng công cụ tài chính”.