Nở rộ mô hình mua bán trong cộng đồng: Chất lượng, nguồn gốc hàng hóa ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mô hình mua bán trong cộng đồng xuất hiện nhiều nhất tại các khu chung cư mới, khu có mật độ dân số cao… nhằm phục vụ nhanh nhu cầu của nhóm dân cư này về hàng hóa thiết yếu.
Mua sắm trong cộng đồng nở rộ tại các khu dân cư, hàng hóa phong phú

Mua sắm trong cộng đồng nở rộ tại các khu dân cư, hàng hóa phong phú

Thu Lan (khu đô thị Linh Đàm- Hoàng Mai- Hà Nội) cho biết, chị bán hàng tại nhóm (group) của khu chung cư này HH Linh Đàm đã được 3 năm. Mặt hàng chủ yếu là trái cây tươi. “Ban đầu nhóm cư dân được thành lập chỉ để trao đổi thông tin, sau thành “chợ mạng”, ngày càng thêm nhiều người bán, người mua”- chị Thu Lan cho biết.

Tương tự, chị Ngọc Lâm (chung cư Vinaconex Trung Văn) cho biết: “Mua bán trong group dân cư rất tiện. Gần về khoảng cách nên đỡ tiền ship, người bán người mua đa số quen biết nên hàng có vấn đề gì có thể được trả lại. Thời gian mua bán cũng linh động”.

Tuy nhiên, nhiều người mua cho biết, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa vẫn là vấn đề cần quan tâm vì đây là hoạt động mua bán tự phát, dường như không có ai kiểm chứng, kiểm soát hoạt động.

“Rất nhiều người bán thường nói “sản phẩm cây nhà lá vườn, tươi- ngon- sạch, giá cả rất cạnh tranh nhưng không có gì để kiểm chứng. Một số lần tôi đã mua phải sản phẩm không chất lượng, không đảm bảo an toàn”- chị Ngọc Lâm nói.

Thường xuyên mua hàng trong nhóm kín của khu dân cư, chị Thu Huyền (Tập thể Thành Công) cho biết, một số món hàng không nên mua ở group như các món ăn đã chế biến hoặc sơ chế. Một số mặt hàng tiêu dùng như: giấy ăn, giấy vệ sinh, nước giặt... "Nhiều người bán hàng không có tên tuổi, như hàng gia công, chất lượng rất kém"- chị Thu Huyền nói.

Theo chị Thu Huyền, ngày càng nhiều người bán người mua trên nhóm thì chất lượng, xuất xứ hàng càng khó kiểm soát. Nhiều người chỉ ham bán rẻ, bán được nhiều nên nhập hàng trôi nổi, kém chất lượng.

Mô hình mua bán trong cộng đồng (Social Commerce) trở thành một xu hướng kinh doanh mới hấp dẫn, mang lại lợi ích rõ ràng cho các doanh nghiệp lẫn đông đảo cá nhân có thời gian, ít vốn và không nắm vững công nghệ nhưng mong muốn tăng thêm thu nhập. Mô hình này cũng mang lại cả lợi ích cho người mua.

Mua bán trong cộng đồng thường xuất hiện tại các khu vực có mật độ dân cư cao, điển hình như các chung cư.

Các cư dân này thường là phụ nữ nội trợ hoặc những người có thời gian rảnh và muốn tăng thu nhập ngoài công việc chính của họ. Những mặt hàng được mua sắm phổ biến nhất theo mô hình này là thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, đồ dùng gia đình.

Theo báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam do Hiệp hội TMĐT Việt Nam mới phát hành, thực tế cho thấy, một tỷ lệ nhất định những cư dân này đã trở thành thương nhân và sau đợt dịch thứ tư họ vẫn tiếp tục kinh doanh thành công. “Việc mua bán giữa các cư dân trong một chung cư diễn ra trôi chảy và hiệu quả vì người mua và người bán tin tưởng lẫn nhau trong một cộng đồng tương đối hẹp.

Thông thường họ đã là thành viên cùng một nhóm trên một mạng xã hội, thường xuyên trao đổi, chia sẻ về nhiều chủ đề liên quan tới cuộc sống trong chung cư. Hoạt động mua bán trong cộng đồng diễn ra sôi động trên những cộng đồng lớn và đa dạng hơn rất nhiều so với cộng đồng cư dân của một chung cư”- báo cáo cho biết.

Nghiên cứu của Accenture năm 2021 cho hay, gần 2/3 thành viên các mạng xã hội được khảo sát đã tiến hành mua bán trong cộng đồng. Con số tương ứng là gần hai tỷ người trên phạm vi toàn cầu đã trải nghiệm hình thức mua bán trong cộng đồng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người hơn dựa vào các mạng xã hội để kết nối với nhau, từ thu thập tin tức, giải trí, học tập và làm việc cũng như mua bán.

Từ mức doanh số toàn cầu của mô hình mua bán này năm 2021 khoảng 492 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm lên tới 26%, doanh số năm 2025 có thể vượt 1.200 tỷ USD. Điểm nổi bật là mua bán trong cộng đồng sẽ tạo ra sức mạnh lớn cho các thương hiệu nhỏ và các cá nhân.

Xu hướng phát triển của mô hình mua bán trong cộng đồng ở Việt Nam cũng tương đồng với các nước đang phát triển tiên phong về TMĐT. Qua khảo sát nhiều thương nhân, nền tảng quản lý bán hàng đa kênh Sapo đã đánh giá trong năm 2021 mạng xã hội Facebook tiếp tục là kênh hỗ trợ bán hàng trực tuyến hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Zalo cũng được nhiều người sử dụng.

Các chuyên gia đánh giá, mua sắm trong cộng đồng còn nhiều dư địa để phát triển và góp phần tích cực thúc đẩy TMĐT phát triển. Tuy nhiên, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, sự chuyên nghiệp cũng cần được quan tâm để lấy được lòng tin của người tiêu dùng.