Nỗ lực vì địa bàn không cháy nổ

ANTD.VN - “Biện pháp giảm thiểu các vụ cháy, nổ và hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra là cách chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn PCCC, tăng cường kiểm tra, rà soát nhanh chóng đưa ra giải pháp khắc phục, đồng thời đa dạng cách thức tuyên truyền, tập huấn đến từng khu dân cư với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để từng người dân nhận thấy được trách nhiệm của mình cũng như hiểm họa từ cháy, nổ” - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc CATP Hà Nội chia sẻ.

Nỗ lực vì địa bàn không cháy nổ ảnh 1

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Chương Mỹ diễn tập phương án chữa cháy, CNCH nhiều lực lượng tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện

Chú trọng phương châm phòng hỏa hơn cứu hỏa

Đánh giá thiệt hại từ các vụ cháy xảy ra hàng năm là rất lớn, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng và nhiều người tử vong. Chính vì thế, nhiệm vụ quan trọng số 1 đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là bằng mọi cách để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản và từng bước tiến tới lực lượng cứa hỏa luôn trong tình trạng “thất nghiệp”.

Từ thực tiễn tại khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã đồng bộ đa dạng biện pháp phòng ngừa. Với phương châm phòng hỏa hơn cứu hỏa được nhân rộng tại các khu dân cư, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra.

Đa dạng và đổi mới phương pháp tuyên truyền PCCC tới người dân. Rà soát kỹ, đánh giá và xác định đúng thực trạng từng địa bàn Hà Nội, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã có kế hoạch cụ thể cho đặc thù dân cư sinh hoạt và hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Đó là nhiệm vụ quan trọng số 1. Bởi xác định đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn, trong đó nguyên nhân chủ yếu, cốt lõi là do ý thức của người dân. “Toàn bộ khu dân cư ý thức cao về an toàn PCCC nhưng chỉ có một người ý thức kém thì nguy cơ cháy tất cả, chứ không riêng gì hộ dân có ý thức kém. Vì thế, phòng cháy phải xuất phát từ ý thức, trách nhiệm chung của mỗi người dân” - Đại tá Nguyễn Trường Sơn, phụ trách lĩnh vực PCCC và CNCH, Phó Trưởng CAQ Cầu Giấy chia sẻ tại buổi tuyên truyền tập huấn nâng cao ý thức tại địa bàn dân cư phường Dịch Vọng.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Đống Đa tuyên truyền an toàn PCCC và cách sử dụng bình chữa cháy xách tay cho người dân

Tại buổi tuyên truyền ở phường Phương Mai,  quận Đống Đa, cán bộ Cảnh sát PCCC đưa ra thực trạng cụ thể nơi đây với hàng trăm nhà chung cư xây dựng từ những năm 1970 - 1980 của thế kỷ trước, địa bàn phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội  luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Đến tận nơi mời bà con các hộ dân tập trung tại nhà văn hóa phường, UBND phường, cán bộ Cảnh sát PCCC đã nêu rõ những nguy cơ có thể gây cháy trong nhà tập thể cũ, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, đồng thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Cụ thể, đối với việc lắp đặt "chuồng cọp" tăng không gian sử dụng tại các nhà tập thể  cần phải tạo thêm ô cửa mở ra, mở vào để làm nơi thoát nạn khi cần thiết. Bà con nên trang bị mỗi gia đình ít nhất 1 bình cứu hỏa  và để chỗ dễ lấy, dễ nhìn nhất. Mọi người trong gia đình nên biết cách sử dụng bình cứu hỏa để khi không may gặp hỏa hoạn từ đốm lửa nhỏ trong bếp hay nguyên nhân khác trong nhà còn dập tắt ngay lập tức.

Tại các buổi tuyên truyền PCCC đến khu dân cư, cán bộ tuyên truyền luôn nhấn mạnh vai trò người chữa cháy hiệu quả nhất không phải là lính cứu hỏa mà chính là người phát hiện ra đám cháy đầu tiên. Nếu như khi phát hiện đám cháy sớm nhất, lại biết sử dụng bình chữa cháy xách tay thì chỉ cần xịt bình vào đốm lửa là tắt, như vậy lửa không có cơ hội cháy lan, cháy lớn. Còn việc phát hiện đám cháy mà lại không có bình chữa cháy, phải chạy đi hàng xóm kêu cứu thì đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho lửa cháy lan, cháy lớn.

“Nhiều gia đình bỏ hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua ti vi, tủ lạnh đồ xịn về dùng nhưng lại quên mất trang bị bình chữa cháy để bảo vệ nó. Chỉ vài trăm nghìn một bình để góc nhà khi không may xuất hiện đốm lửa nhỏ dùng xịt vào là tắt ngay. Tôi khuyên bà con đừng để xảy ra việc khi phát hiện có lửa cháy trong nhà mà chạy loanh quanh mãi không tìm được cái gì để dập tắt, lúc đó lấy chăn, màn, quần áo làm ướt đi rồi dập lửa. Còn bây giờ thì cách tốt nhất là mua bình và học cách sử dụng nó để bảo vệ gia đình mình tốt nhất”- Đại tá Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Người dân khu dân cư phường Ô Chợ Dừa tham gia tập huấn, nâng cao kỹ nẵng chữa cháy thoát nạn

Về những kỹ năng thoát nạn, giải đáp các tình huống bà con đưa ra, các chuyên gia PCCC đã hướng dẫn cách thức sử dụng điện, bếp gas và các thiết bị điện sinh hoạt an toàn. Đặc biệt, vào mùa hè đối với những thiết bị điện như máy lạnh, quạt điện, từng hộ dân cần phải bảo dưỡng, kiểm tra thay thế tránh hoạt động trong thời gian dài gây quá tải chập cháy. Đối với bình nóng lạnh, không nên sử dụng quá 2 năm mà không bảo dưỡng, việc này gây nên chập cháy khi sử dụng do các cặn nước bám chặt vào thanh đốt nóng gây chập cháy...

Phát huy hiệu quả phương châm “nước xa không cứu được lửa gần”

“Để người dân nâng cao ý thức, có đầy đủ kỹ năng để tự cứu mình, trước hết họ phải nắm bắt được những kiến thức cơ bản về an toàn PCCC. Chúng tôi chọn cách thức tuyên truyền thiết thực như giả định cháy bếp gas, cửa gỗ... để người dân trực tiếp nhìn thấy lực lượng chữa cháy thực hành ra sao. Sau đó cán bộ hướng dẫn từng người, lần lượt thực hành, nhờ đó sẽ có kinh nghiệm và không bị lúng túng khi gặp hỏa hoạn. Cứ thế làm đi, làm lại ở từng khu dân cư, từng phường, chỉ có cách thức 'mưa dầm thấm lâu' mới hiệu quả giảm thiệt hại về người và tài sản và giảm các vụ cháy trong nhà dân” -  một cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho biết.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình hướng dẫn cách sử dụng mặt nạ trong khi cứu nạn cho tổ trưởng tổ dân phố

Anh Hoàng Bách Tuân, trú tại khu tập thể Đường sắt, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình cho biết: “Chúng tôi nghe tuyên truyền nhiều lần đã nhận thức được rõ sự nguy hiểm của hỏa hoạn. Qua tập huấn chúng tôi biết cách thức chữa cháy khi mới phát sinh và tự tin hơn khi sử dụng bình cứu hỏa xách tay, cũng như kỹ năng thoát khỏi đám cháy”.

Chị Bùi Thúy Nga, trú tại làng Kim Mã Thượng, quận Ba Đình cho biết: “Nhà tôi kinh doanh quần áo chủ yếu chất liệu dễ cháy, lại thường nấu nướng gần khu vực hàng hóa nên rất lo lắng. Từ khi tập huấn an toàn PCCC, tôi luôn tự nhủ mình phải cẩn thận hơn trong việc sử dụng gas và điện. Nhiều khi đi ra khỏi nhà rồi không nhớ đã cắt điện cầu dao chưa, những lúc đó mình phải quay về kiểm tra lại ngay cho chắc chắn. Với những lần được thực tập chữa cháy tại khu dân cư, tôi rút được nhiều kinh nghiệm cho mình về cách phòng ngừa cháy, qua đó luôn suy nghĩ cẩn trọng là trên hết, vì hỏa hoạn không từ một ai”.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội “Mặc dù còn gặp những khó khăn nhất định trong công tác phòng, chống cháy bởi hạ tầng và sư phát triển của đô thị chưa đồng bộ. Tuy nhiên, với việc chủ động phòng ngừa thông qua tuyên truyền và quyết tâm triển khai có hiệu quả công tác này, là biện pháp hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra trên địa bàn”. Song, để công tác PCCC là thường trực và trách nhiệm của mỗi người dân thì nhiệm vụ tập huấn thường xuyên, nâng cao kỹ năng, và đặc biệt phải cho bà con thấy được sự cần thiết cấp bách đối với trang thiết bị chữa cháy tại gia đình thì mới thấm được.

Xác định rõ nhiệm vụ quan trọng này, ngoài việc bám sát Chỉ thị, Kế hoạch của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội về nhiệm vụ an toàn PCCC, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP đã chủ động triển khai thực tập hàng nghìn phương án PCCC và CNCH, cùng với đó thường xuyên tổ chức diễn tập tại các cơ sở, nhà cao tầng, kho hàng, bến bãi và khu dân cư để qua đó nâng cao ý thức người dân cũng như biện pháp kiểm tra sự phối hợp giữa các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và chữa cháy cơ sở để ứng phó kịp thời khi sự cố cháy nổ xảy ra.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Đống Đa hướng dẫn người dân sử dụng bình gas an toàn và cách chữa cháy khí gas hiệu quả

Cùng với công tác tuyên truyền đến tận khu dân cư về ý thức PCCC thì một trong những sáng kiến đổi mới trong công tác PCCC tại địa bàn ô tô chữa cháy không vào được là sử dụng xe máy chở máy bơm nhỏ cơ động khi nhận tin báo cháy. Cùng với đó là đội chữa cháy cơ động bằng xe đạp với trang thiết bị đầy đủ để dạp tắt đám cháy nhỏ, chập điện mới phát sinh. Lực lượng này được hình thành trên cơ sở tự nguyện của Đoàn viên thanh niên và bảo vệ thuộc một số UBND phường trên địa bàn Hà Nội.

Xác định phương châm tại chỗ để kịp thời khống chế đám cháy ban đầu đầu, lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp đã mở nhiều đợt tập huấn nâng cao kỹ năng cho lực lượng dân phòng, cơ quan doanh nghiệp, người đứng đầu cơ sở… Điển hình trong thời gian qua, địa bàn quận Long Biên thực tập phương án phá lồng sắt, cứu người mắc kẹt trong đám cháy tại khu nhà tập thể cũ phường Ngọc Lâm.

Lực lượng dân phòng tham gia diễn tập PCCC và CNCH tại khu dân cư ngõ hẹp xe chữa cháy không tiếp cận được tại phường Bồ Đề, Long Biên

Diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn tại điểm dân cư có nhiều ngõ nhỏ xe chữa cháy không tiếp cận được. Theo chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, cuộc tập huấn là cách thức kiểm tra phương tiện, thiết bị, sự phối hợp giữa các lực lượng chữa cháy, CNCH.

Đây cũng là biện pháp tuyên truyền trực quan hiệu quả, để người dân thấy được sự nguy hiểm của hỏa họa và biết được cách phòng ngừa. Đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, việc thực hành kỹ năng chữa cháy, CNCH nhuần nhuyễn sẽ có hiệu quả hơn trong công tác PCCC tại cơ sở, qua đó sẽ phát huy phương châm “4 tại chỗ” khi có sự cố cháy xảy ra.