Nỗ lực vì địa bàn không cháy nổ

ANTD.VN -Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 phụ trách 2 địa bàn quận Đống Đa, Ba Đình, Hà Nội đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp, trong đó tăng cường tuyên truyền, tập huấn với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để bà con thấy được trách nhiệm của mình.

“Mưa dầm thấm lâu”

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho biết: “Để người dân nâng cao ý thức, có đầy đủ kỹ năng để tự cứu mình trước hết họ phải nắm bắt được những kiến thức cơ bản về an toàn PCCC. Chúng tôi chọn cách thức tuyên truyền thiết thực như giả định cháy bếp gas, cửa gỗ.... để người dân trực tiếp nhìn thấy lực lượng chữa cháy thực hành ra sao. Sau đó cán bộ hướng dẫn từng người, lần lượt thực hành, nhờ đó sẽ có kinh nghiệm và không bị lúng túng khi gặp hỏa hoạn. Cứ thế làm đi, làm lại ở từng khu dân cư, từng phường, chỉ có cách thức 'mưa dầm thấm lâu' mới hiệu quả được”.

Hội thao nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho do Phòng Cảnh sát PCCC số 2 tổ chức

Với địa bàn rộng, dân cư đông đúc có nhiều chợ, trung tâm thương mại và khu nhà tập thể cũ, vào mùa hanh khô, hoặc nắng nóng nguy cơ xảy cháy là rất cao, trong khi đó, ý thức người dân còn hạn chế do nếp sống và suy nghĩ chủ quan. Để hạn chế tối đa xảy cháy, nổ, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đa dạng các biện pháp tuyên truyền, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống nâng cao nhận thức phát huy hiệu quả công tác tự phòng, phát hiện sớm, tự chữa cháy.

Anh Hoàng Bách Tuân, trú tại khu tập thể Đường sắt, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình cho biết: “Chúng tôi nghe tuyên truyền nhiều lần đã nhận thức được rõ sự nguy hiểm của hỏa hoạn. Qua tập huấn chúng tôi biết cách thức chữa cháy khi mới phát sinh và tự tin hơn khi sử dụng bình cứu hỏa xách tay, cũng như kỹ năng thoát khỏi đám cháy”.

Chị Bùi Thúy Nga, trú tại làng Kim Mã Thượng, quận Ba Đình cho biết: “Nhà tôi kinh doanh quần áo chủ yếu chất liệu dễ cháy, lại thường nấu nướng gần khu vực hàng hóa nên rất lo lắng. Từ khi tập huấn an toàn PCCC, tôi luôn tự nhủ mình phải cẩn thận hơn trong việc sử dụng gas và điện. Nhiều khi đi ra khỏi nhà rồi không nhớ đã cắt điện cầu dao chưa, những lúc đó mình phải quay về kiểm tra lại ngay cho chắc chắn. Với những lần được thực tập chữa cháy tại khu dân cư, tôi rút được nhiều kinh nghiệm cho mình về cách phòng ngừa cháy, qua đó luôn suy nghĩ cẩn trọng là trên hết, vì hỏa hoạn không từ một ai”.

Đội chữa cháy cơ sở thực hành cưa cây đổ giả định, tại hội thao nghiệp vụ chữa cháy do PCCC quận Ba Đình tổ chức

Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Cho đến thời điểm cuối tháng 12-2016, lực lượng Cảnh sát PCCC số 2 đã tuyên truyền cho tất cả lãnh đạo, các tổ dân phố, người đứng đầu cơ sở và bà con trên địa bàn 35 phường thuộc 2 quận Ba Đình và Đống Đa”. Cũng theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, qua công tác tuyên truyền, đồng thời để nắm bắt, lắng nghe người dân phản ánh những nơi có nguy cơ xảy cháy để kịp thời xử lý.

Mỗi người dân là chiến sỹ cứu hỏa

Trước diễn biến phức tạp về tình hình cháy nổ trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC số 2 đã  tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền hai quận Đống Đa và Ba Đình thành lập các đội thanh niên xung kích, đội chữa cháy cơ sở để kịp thời ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Cùng với đó chủ động phối hợp với chính quyền các phường, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, ký cam kết với từng hộ dân, các chủ nhà hàng, khách sạn thực hiện nội quy, quy chế an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Ông Nguyễn Hoàng Khương, Phó Giám đốc Công ty điện lực Ba Đình cho biết: “Để giảm thiểu và hạn chế chập cháy, sự cố điện xảy ra trên địa bàn quận Ba Đình, công ty đã thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC ký kết, tuyên truyền tập huấn nâng cao kỹ năng an toàn cháy, nổ. Đồng thời chỉ đạo các tổ đội có liên quan thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiện điện bằng cách tắt khi không sử dụng, thay thế thiết bị đảm bảo chất lượng tránh để xảy cháy xảy ra”.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Mặc dù còn gặp những khó khăn nhất định trong công tác phòng, chống cháy bởi hạ tầng và sư phát triển của đô thị. Tuy nhiên, với việc chủ động phòng ngừa thông qua tuyên truyền và quyết tâm triển khai có hiệu quả công tác này, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra trên địa bàn trong mùa hanh khô năm nay”.

Phòng Cảnh sát PCCC số 2 tập huấn, tuyên truyền PCCC cho người dân

Cũng theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, để mỗi người dân trở thành một người lính cứu hỏa, thì nhiệm vụ quan trọng là phải tập huấn thường xuyên, nâng cao kỹ năng, và đặc biệt phải cho bà con thấy được sự cần thiết cấp bách đối với trang thiết bị chữa cháy tại gia đình thì mới thấm được.

“Trong những lần tập huấn PCCC với bà con tại khu dân cư tôi thường nói các bác có thể bỏ ra cả hàng chục triệu đồng mua sắm như ti vi, tủ lạnh… nhưng bình chữa cháy xách tay có 200.000 nghìn đồng thì lại quên, trong khi đó đây là vật dụng hữu hiệu mỗi rất cần khi đám cháy mới là đốm nhỏ phát hiện được. Vậy đặt ra tình huống nếu không may xảy ra cháy thì những thứ đồ đạc trong gia đình có còn nguyên vẹn được không nếu thiếu vật dụng này”- Đại tá Nguyễn Trường Sơn nói.

Tin cùng chuyên mục