Nỗ lực tối đa để có vaccine phòng Covid-19 nhiều nhất, sớm nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam đang cố gắng bằng mọi cách để làm sao có nhiều nhất, nhanh nhất vaccine phòng Covid-19 nhằm thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng cho khoảng 79 triệu dân vào cuối năm nay và đầu năm tới. Các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước trong bất kỳ cuộc trao đổi, hội đàm nào với lãnh đạo các quốc gia hay tổ chức quốc tế đều đề cập tới việc cung ứng vaccine nhiều nhất, sớm nhất cho Việt Nam.
Chúng ta nỗ lực tối đa để có vaccine phòng Covid-19 nhiều nhất - nhanh nhất - sớm nhất có thể

Chúng ta nỗ lực tối đa để có vaccine phòng Covid-19 nhiều nhất - nhanh nhất - sớm nhất có thể

Đã khan hiếm nay lại càng khan hiếm

Vaccine phòng Covid-19 hiện đang là mặt hàng khan hiếm bậc nhất trên thế giới hiện nay bởi đây là thứ “vũ khí” hiệu quả và quan trọng để chống lại đại dịch hoành hành khắp toàn cầu. Vaccine vốn đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn khi xuất hiện những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 như Alpha, Beta, Gamma, Delta, Delta+… khiến những biện pháp như cách ly, truy vết, khoanh vùng, dập dịch vốn khá hiệu quả với những chủng virus cũ thì nay phải đứng trước thách thức rất lớn.

Cũng chính vì xuất hiện của các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới mà thế giới lại đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới nguy hiểm hơn. Nhiều quốc gia phát triển, sau khi tiêm vaccine cho tỷ lệ lớn người dân đã tính tới việc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch, đưa đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, nhưng nay đều đã cân nhắc, tính toán lại. Không ít quốc gia giàu có còn lên kế hoạch tiêm thêm mũi vaccine phòng Covid-19 thứ ba (gọi là mũi tăng cường) để gia tăng sự bảo vệ trước các biến chủng mới nguy hiểm như Delta hay Delta+. Thậm chí có quốc gia đã phê duyệt kế hoạch tiêm mũi thứ ba cho người dân. Điều đó cũng có nghĩa là, hàng trăm triệu liều vaccine lẽ ra có thể được cung cấp cho các quốc gia khác - nơi mà đa số người dân còn chưa được tiêm mũi thứ nhất - đã bị giữ lại hay bị các quốc gia giàu hơn mua với giá cao.

Không phải ngẫu nhiên mà Giám đốc tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan ngày 18-8 đã lên tiếng chỉ trích nặng nề việc các nước giàu tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 thứ ba. Ông Mike Ryan nói: “Chúng ta đang định phát thêm áo phao cho người đã có áo phao, trong khi để mặc những người khác chết đuối mà không có chiếc áo phao nào. Thực tế cơ bản là chúng ta đang phát những chiếc áo phao thứ hai, trong khi khiến hàng triệu triệu người không có bất cứ thứ gì để bảo vệ”. Trong khi đó, theo WHO, hiện vẫn không đủ bằng chứng khoa học cho thấy cần tiêm liều vaccine phòng Covid-19 tăng cường. Chính vì thế, tổ chức này đã kêu gọi tạm dừng tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ ba để giúp giảm bớt sự bất bình đẳng gay gắt trong việc phân bổ liều lượng giữa các quốc gia giàu và nghèo.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cũng đã mong muốn các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vaccine phòng Covid-19 toàn cầu thay đổi kế hoạch tiêm liều tăng cường để đảm bảo nguồn cung vaccine cho những quốc gia nghèo hơn. Tuy nhiên, lời kêu gọi của WHO chưa nhận được sự chia sẻ hay hưởng ứng của các quốc gia giàu có. Theo các số liệu, tới nay đã có ít nhất 4,27 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm chủng trên thế giới.

Tuy nhiên, việc tiêm chủng lại rất bất bình đẳng khi ở nhóm nước có thu nhập cao (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới - WB) thì tỷ lệ tiêm chủng bình quân là 101 liều vaccine/100 người, trong khi ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, con số này chỉ vẻn vẹn 1,7 liều vaccine/100 người. Không chỉ giữ lại hàng triệu liều vaccine, các quốc gia giàu có còn tính mua thêm hàng trăm triệu liều mới với giá cao hơn thị trường. Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đồng ý trả Pfizer-BioNTech 19,5 euro (23,1 USD) cho mỗi liều vaccine Covid-19 trong khi giá theo hợp đồng mua 1,8 tỷ liều hồi tháng 5 chỉ là 15,5 euro (18,4 USD); giá mua mỗi liều vaccine của Moderna cũng tăng từ lên 22,6 USD lên 25,5 USD trong hợp đồng mua 300 triệu liều.

Nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể

Với chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, Việt Nam từ sớm đã triển khai Chiến lược vaccine phòng Covid-19, trong đó đặc biệt coi trọng ngoại giao vaccine. Có thể nói, một trong những chủ đề nổi bật và xuyên suốt của lãnh đạo nước ta trong cuộc hội đàm, trao đổi, làm việc với lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn liên quan thời gian qua là phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là về vaccine phòng Covid-19.

Mới đây nhất, ngày 18-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư cho lãnh đạo EU mong muốn Liên minh xem xét hỗ trợ vaccine phòng Covid-19, có tiếng nói đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vaccine cho Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nước ta đề nghị EU hỗ trợ tối đa cho Việt Nam thông qua các hoạt động viện trợ, nhượng lại vaccine phòng Covid-19, chia sẻ công nghệ, cung cấp trang thiết bị y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với đại dịch.

Hiện nước ta chưa sản xuất được vaccine phòng Covid-19 trong khi yêu cầu phòng chống dịch rất cấp bách và nguồn vaccine trên thế giới rất khan hiếm, ngoại giao vaccine vì thế là một “mặt trận” rất quan trọng. Đây là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine mà chúng ta đã đề ra. Thông qua ngoại giao vaccine, đến nay, nước ta đã tiếp nhận được khoảng 21 triệu liều vaccine từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Nhằm khẳng định quyết tâm và sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện chiến lược vaccine để mở rộng tiêm chủng toàn dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine với thành viên là đại diện của nhiều bộ, ngành do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn là Tổ trưởng. Đây là cơ chế để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa công tác ngoại giao vaccine.

Tổ công tác với sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ tham mưu triển khai vận động quyết liệt, đồng bộ ở các cấp, các kênh song phương và đa phương trong nước và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dưới mọi hình thức, cả trực tiếp, trực tuyến, thư từ để tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội để tiếp cận vaccine nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể. Chúng ta cũng nỗ lực tối đa để thúc đẩy đàm phán với các công ty cung ứng, nhà sản xuất vaccine phòng Covid-19 hàng đầu thế giới. Mới đây, ngày 15-8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech. Trước đó, chúng ta cũng đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm này.

Cùng với việc tìm kiếm các nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19, chúng ta cũng khẩn trương nhất có thể để sớm có vaccine sản xuất trong nước, trong đó loại vaccine đầu tiên có thể được phê duyệt trong tháng 9 tới. Với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, tin rằng chúng ta sẽ thành công trong chiến lược vaccine, góp phần quan trọng đẩy lùi đại dịch Covid-19, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.