Nỗ lực toàn cầu phân bổ vaccine Covid-19 đến người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hiện các tổ chức quốc tế đang thúc đẩy những nỗ lực phân bổ rộng rãi vaccine với chi phí vừa phải dành cho mọi người dân trên thế giới. Đặc biệt, hy vọng sẽ bảo đảm 230 triệu liều vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đầu tiên cho châu Phi.

Mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận “vũ khí” phòng bệnh

Giám đốc phụ trách chương trình vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Phi Richard Mihigo cho biết, lô hàng vaccine đầu tiên sẽ cung cấp cho 20% dân số châu Phi, với ưu tiên dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch, các nhân viên y tế, sau đó mở rộng tới những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Ông Richard Mihigo nhấn mạnh, bất cứ loại vaccine nào đang phát triển cũng cần phải được thử nghiệm tại châu lục này.

Ở một khía cạnh khác, Giám đốc Điều hành Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) Richard Hatchett cho biết, hiện mới chỉ có 2 trong số các loại vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm tại châu Phi. Ông Richard Hatchett khẳng định, việc thử nghiệm vaccine tại châu Phi cần đảm bảo rằng các dữ liệu đầy đủ được thu thập dựa trên sự an toàn và mức độ hiệu quả của vaccine tiềm năng đối với cư dân ở châu lục này.

CEPI - Tổ chức phối hợp với WHO đồng chỉ đạo dự án phân bổ vaccine và thuốc điều trị Covid-19 mang tên COVAX. Dự án này được coi là một nỗ lực toàn cầu nhằm phân bổ rộng rãi vaccine với chi phí vừa phải để mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận “vũ khí” phòng bệnh. Mặc dù vậy, việc thực hiện kế hoạch có thể gặp khó khăn nếu không có sự cam kết từ các quốc gia hùng mạnh có nền kinh tế vượt trội trên thế giới. WHO cho biết đã có 76 quốc gia giàu có trên thế giới cam kết tham gia kế hoạch COVAX.

Tuy nhiên, một trong những cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ đã gây lo ngại với thông báo không tham gia kế hoạch COVAX, do chính quyền của Tổng thống Donald Trump luôn kịch liệt phản đối WHO. Mới đây, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) John Nkengasong đã kêu gọi tất cả các nước tham gia kế hoạch COVAX.

Theo ông John Nkengasong, tất cả các quốc gia đều phải đương đầu với cuộc chiến chống Covid-19 và nhấn mạnh sẽ không có quốc gia nào được an toàn nếu vẫn còn những ca bệnh ở quốc gia khác. Trong khi đó, một quan chức thuộc Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ nhận được lô hàng 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 vào cuối năm nay trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được với Hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh).

Với 1 liều cho mỗi người, lô vaccine đầu tiên có thể đáp ứng 6-7% dân số EU. Lô hàng đầu tiên này sẽ được phân phối theo tỷ lệ phù hợp giữa các nước thành viên cho tới khi khối này tiếp nhận toàn bộ 300 triệu liều theo thỏa thuận. Hợp đồng ký kết giữa Tập đoàn AstraZeneca và EC cho phép EU được đảm bảo ít nhất 300 triệu liều vaccine trị giá 336 triệu Euro (397,8 triệu USD) cho tất cả các quốc gia thành viên, cũng như tài trợ cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp ở châu Âu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Các tổ chức quốc tế đang thúc đẩy những nỗ lực phân bổ rộng rãi vaccine với chi phí vừa phải dành cho mọi người dân trên thế giới”

Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Các tổ chức quốc tế đang thúc đẩy những nỗ lực phân bổ rộng rãi vaccine với chi phí vừa phải dành cho mọi người dân trên thế giới”

Mỹ thúc đẩy phân phối vaccine vào ngày 1-11-2020

Truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã hối thúc các bang nước này sẵn sàng phân phối vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vào ngày 1-11 tới, chỉ 2 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. Công ty McKesson Corp có trụ sở tại Dallas đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ liên bang và sẽ xin cấp giấy phép để thiết lập các trung tâm phân phối khi có vaccine.

Trong thư gửi Thống đốc và cơ quan y tế các bang, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nhấn mạnh thời gian cần thiết để xin được giấy phép là cản trở lớn đối với thành công của chương trình y tế công khẩn cấp này. Do đó, CDC khẩn thiết đề nghị các bang hỗ trợ giải quyết các đơn xin lập cơ sở phân phối. Giám đốc Robert Redfield đề nghị các bang bỏ các quy định cản trở những trung tâm này đi vào hoạt động đầy đủ từ ngày 1-11 tới.

CDC đã cung cấp cho các bang tài liệu chi tiết về kế hoạch phân phối vaccine, cho biết các kế hoạch này có thể được thông qua dưới hình thức vaccine cấp phép hoặc cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Theo tài liệu, những người được tiêm vaccine có thể sẽ cần đến liều 2, cách liều đầu tiên khoảng vài tuần. Tài liệu nêu rõ nguồn cung vaccine sẽ do Chính phủ liên bang đặt mua và phân phối, trong khi các nhà cung cấp vaccine sẽ không mất bất kỳ chi phí nào.

Tờ New York Times cho biết, các nhân viên làm việc trong lĩnh vực thiết yếu, quan chức an ninh quốc gia, những người lớn tuổi, thành viên của các nhóm sắc tộc dễ bị tổn thương sẽ được ưu tiên tiêm trước. Hiện có 3 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 tại Mỹ với sự tham gia của hàng chục nghìn người.

Đây là những vaccine do AstraZeneca hợp tác với trường Đại học Oxford (Anh), Moderna hợp tác với Viện Y tế quốc gia Mỹ và liên minh Pfizer/BioNTech phát triển. Trong quá trình thử nghiệm, một nửa số người tham gia sẽ được tiêm vaccine, trong khi nửa còn lại sẽ được tiêm giả dược. Nếu theo đúng quy trình bình thường, những người quản lý công tác thử nghiệm sẽ phải đợi vài tháng để xem có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ lây nhiễm giữa hai nhóm. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã để ngỏ khả năng phê duyệt vaccine khẩn cấp trước khi kết thúc thử nghiệm. Tuy nhiên, người đứng đầu FDA Stephen Hahn cho biết đề nghị phê duyệt này phải đến từ chính nhà cung cấp vaccine.

76 quốc gia tham gia vào dự án vaccine Covid-19 toàn cầu

76 quốc gia phát triển hiện đã cam kết tham gia kế hoạch phân bổ vaccine Covid-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu nhằm thúc đẩy việc mua sắm và phân phối hợp lý vaccine. Liên minh vaccine quốc tế GAVI đã ra mắt dự án mang tên COVAX nhằm nỗ lực cung cấp vaccine Covid-19 cho toàn thế giới. Dự án do GAVI cùng WHO điều phối, nhằm kêu gọi tài trợ từ các nhà từ thiện lớn, các quốc gia giàu có và ngành công nghiệp dược phẩm. Đến nay, COVAX đã nhận được hơn 600 triệu USD tài trợ và đặt mục tiêu huy động được 2 tỷ USD vào cuối năm nay.

Thế giới có thể sản xuất lượng vaccine nhiều chưa từng thấy

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận định một lượng vaccine ngừa Covid-19 nhiều chưa từng thấy có thể được 28 Hãng dược phẩm tại 10 quốc gia sản xuất trong vòng 2 năm tới. UNICEF cam kết sẽ hỗ trợ các nỗ lực mua và phân phối vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, UNICEF cho biết 28 hãng sản xuất vaccine đã chia sẻ các kế hoạch sản xuất vaccine ngừa Covid-19 hàng năm đến hết năm 2023.

Một báo cáo đánh giá thị trường của UNICEF cho thấy các nhà sản xuất vaccine sẵn sàng chung nhau sản xuất một lượng vaccine ngừa Covid-19 lớn chưa từng thấy trong 1 đến 2 năm tới. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm cho rằng kế hoạch sản xuất này phụ thuộc nhiều vào một số yếu tố như sự thành công của các thử nghiệm lâm sàng, thỏa thuận đặt mua vaccine, cam kết tài chính, quy định và thuận lợi trong quy trình đăng ký cấp phép.

UNICEF và WHO đang cùng dẫn đầu kế hoạch phân bổ vaccine và thuốc điều trị bệnh Covid-19 mang tên COVAX. Kế hoạch này nhằm đảm bảo các nước được mua và tiếp cận công bằng các vaccine phòng Covid-19. Vai trò của UNICEF trong kế hoạch COVAX xuất phát từ thực tế tổ chức này là khách hàng mua vaccine lớn nhất thế giới. UNICEF cho biết, hàng năm tổ chức này thay mặt gần 100 quốc gia trên thế giới mua hơn 2 tỷ liều vaccine phục vụ chủng ngừa định kỳ và ứng phó với dịch bệnh.