Nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam với cam kết hội nhập

ANTD.VN - Được Nghị viện châu Âu thông qua đúng vào dịp Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể coi là dấu mốc lớn, tạo bước ngoặt cho quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế đầy năng động của thế giới. 

Nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam với cam kết hội nhập ảnh 1Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp tăng xuất khẩu của Việt Nam vào EU

Ghi tên mình vào nhóm nước đi đầu trong hội nhập kinh tế

Chính thức thiết lập vào ngày 28-11-1990, hợp tác song phương Việt Nam -  EU trải rộng trên khắp các lĩnh vực, từ các vấn đề chính trị, các thách thức mang tính toàn cầu, tới kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục… Trên chặng đường 30 năm của mối quan hệ đó, không thiếu những dấu mốc được lưu lại, nhưng sự kiện EVFTA được thông qua có ý nghĩa đặc biệt.

Đây là bằng chứng cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam với cam kết hội nhập cùng thế giới, trước hết là EU. Từ một nước đi sau, giờ đây Việt Nam đã vươn lên, ghi tên mình vào nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Nó cho thấy Việt Nam đã trở thành đối tác có uy tín trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về kinh tế-thương mại, mặc dù còn nhiều hạn chế về nguồn lực cũng như trình độ phát triển. 

Không những thế, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có xu hướng gia tăng, thể hiện rõ nhất là “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung, thì việc Việt Nam và EU ký EVFTA có thể coi là một thông điệp mạnh mẽ cổ vũ cho xu hướng toàn cầu hóa và cam kết kiên định về một hệ thống thương mại tự do dựa trên luật pháp.

Hãy nhìn vào những điều khoản trong EVFTA, một hiệp định thương mại được coi là thế hệ mới bởi những cam kết ở mức cao, để thấy rõ hơn những nỗ lực của Việt Nam nhằm mở cửa nền kinh tế và thúc đẩy hội nhập sâu rộng. Để có những ưu đãi rộng đường vào thị trường khó tính như EU, chúng ta cũng phải chấp nhận xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU vào Việt Nam sau 7 năm nữa. Còn sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan sẽ chiếm tới 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. 

Với việc EVFTA được ký kết, không một quốc gia nào trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngoài Singapore ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Việt Nam, với 11 FTA đã ký và 5 FTA đang đàm phán. Việc ký EVFTA sẽ giúp EU tiến đến mục tiêu cuối cùng là thiết lập khu vực thương mại tự do giữa EU và ASEAN. Báo chí châu Âu cho rằng, cùng với các hiệp định tương tự đã ký kết với Nhật Bản và Singapore, EVFTA sẽ giúp thắt chặt liên kết giữa EU và châu Á, trong bối cảnh các quan hệ thương mại đa phương dựa trên các nguyên tắc đang bị lung lay.

Mang lại cho Việt Nam vị thế đặc biệt trong quan hệ với EU

Bên cạnh nỗ lực của Việt Nam, việc EVFTA được ký kết còn là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, trước hết là EU, với vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, là niềm tin vào những lợi ích hiếm có mà thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam có thể mang lại.  

Trước hết, trái ngược với xu hướng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, mới đây, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020. Còn theo báo The Business Times, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2020 với sự hậu thuẫn của triển vọng lạc quan về kinh tế vĩ mô, một tầng lớp trung lưu đang phát triển, khả năng ứng dụng nhanh các công nghệ tiên phong và ngành công nghiệp chế tạo sản xuất đang phát triển mạnh.

Năm 2019, theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm 2018, ở vị trí 67 trên 141 nước. Đây là mức điểm “nhỉnh hơn” trung bình của toàn cầu (61 điểm). Trong số 12 nhóm tiêu chí được đánh giá trong báo cáo như thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính, quy mô thị trường... Việt Nam có đến 8 nhóm tiêu chí được cải thiện đáng kể.

Còn báo cáo về tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm 2019 của ESP Capital thì cho thấy bán lẻ đang đứng đầu trong các ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, nhờ tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam và dư địa thị trường này còn rất lớn. GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ sớm vượt ngưỡng 10 nghìn USD với tốc độ tăng trưởng 6-7%/năm và cấu trúc dân số hiện nay của Việt Nam.

Với triển vọng kinh tế của Việt Nam như vậy, theo ông Geert Bourgeois, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu, sau khi EVFTA có hiệu lực, dự kiến trao đổi thương mại Việt Nam - EU sẽ tăng thêm hàng chục tỷ euro. Ông Geert Bourgeois cũng nhấn mạnh đến viễn cảnh khi mỗi tỷ euro xuất khẩu sẽ giúp châu Âu tạo thêm hàng nghìn việc làm.

Còn ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, thì cho rằng: “Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU được thông qua đã xác nhận vị thế của Việt Nam như một cường quốc địa chính trị ở Đông Nam Á. Không quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á có thể ký ngay được với EU những hiệp định có tầm cỡ tương tự, ít ra là không thể trong tương lai gần. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các hiệp định này mang lại cho Việt Nam một vị thế đặc biệt trong mối quan hệ với EU”.

Dự kiến giữa năm nay, sau khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực, mở ra “tuyến đường cao tốc lớn” nối Việt Nam với EU.