Nỗ lực đủ nguồn cung vaccine để đối phó với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - COVAX (Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine Covid-19) được coi là một sáng tạo chưa có tiền lệ. Chương trình này đã đưa vaccine Covid-19 đến các quốc gia nghèo hơn nhanh hơn so với thông thường trước đây, phát triển một hệ thống bồi thường cho những người bị phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine và bảo vệ các nhà sản xuất vaccine khỏi trách nhiệm pháp lý - một chương trình đã tiết kiệm cho các quốc gia đó nhiều tháng đàm phán.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi trì hoãn tiêm mũi vaccine thứ 3 nhằm đảm bảo rằng các quốc gia trên thế giới sẽ có ít nhất 10% dân số được tiêm vaccine Covid-19

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi trì hoãn tiêm mũi vaccine thứ 3 nhằm đảm bảo rằng các quốc gia trên thế giới sẽ có ít nhất 10% dân số được tiêm vaccine Covid-19

Nỗ lực vì lợi ích của nhân loại

COVAX có quy mô toàn cầu, một liên minh trị giá hàng tỷ USD của các tổ chức y tế và tổ chức phi lợi nhuận quốc tế sẽ đảm bảo rằng các nước nghèo sẽ nhận được vaccine nhanh chóng như những người giàu. Nhưng trên thực tế, COVAX đã phải vô cùng nỗ lực để có được vaccine Covid-19.

Hiện nay, chương trình này còn thiếu nửa tỷ liều so với mục tiêu đề ra. Các nước nghèo không được bảo vệ khi biến thể Delta tràn lan, trong khi nhu cầu tiêm chủng khẩn cấp của thế giới ngày càng lớn. Trong khi đó, virus lưu hành càng lâu, càng trở nên nguy hiểm hơn, ngay cả đối với những người đã được tiêm chủng ở các nước giàu có. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, nếu không có thêm hàng tỷ lần tiêm, các biến thể mới có thể tiếp tục xuất hiện, gây nguy hiểm cho tất cả các quốc gia.

Tiến sĩ Ayoade Alakija, đồng Chủ tịch chương trình phân phối vaccine của Liên minh châu Phi cho biết: “COVAX không thất bại, nhưng nó đang không hiệu quả. Chúng tôi thực sự không có lựa chọn nào khác. Vì lợi ích của nhân loại, COVAX phải hoạt động”. Thực tế đang diễn ra thế nào? Bà Kate Dodson, Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề y tế toàn cầu tại Quỹ COVAX nhận định: “COVAX là một công cụ thiết yếu. Tôi cho rằng điều này là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, chương trình này đang khá chật vật hiện nay”.

Những khó khăn về sản xuất từ các nhà cung cấp chính của COVAX đã làm tắc nghẽn việc giao vaccine vào tháng 6 vừa qua. Cụ thể, nhà máy của Viện Huyết thanh Ấn Độ - nhà cung cấp chính của vaccine Oxford - AstraZeneca cho COVAX - đối mặt với sự thiếu hụt hàng chục triệu liều do đại dịch bùng phát trong nước. Johnson & Johnson - công ty cũng gặp khó khăn trong sản xuất, vẫn chưa cung cấp bất kỳ liều thuốc nào theo yêu cầu của COVAX.

Gần đây, một số nhà sản xuất vaccine lớn mới đồng ý cung cấp COVAX, bao gồm cả Moderna và 2 công ty Trung Quốc. Bà Lily Caprani - Cố vấn cấp cao của UNICEF cho biết: “Sẽ dễ dàng mở rộng quy mô hơn nhiều khi bạn có nguồn cung ổn định và có thể dự đoán được”. Tổng số 163 triệu liều vaccine mà COVAX đã phân phối - hầu hết miễn phí cho các quốc gia nghèo hơn, phần còn lại cho các quốc gia như Canada đã trả tiền theo cách của họ - còn rất xa so với kế hoạch ban đầu là có ít nhất 640 triệu liều.

Khó khăn triển khai tiêm vaccine tại các nước nghèo

Tháng 6-2021, các ca tử vong do Covid-19 gia tăng trên khắp châu Phi, trong khi 100.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech được chuyển đến Chad. Việc chuyển giao vaccine này dường như là bằng chứng cho thấy chương trình tiêm chủng miễn dịch cho thế giới do Liên hợp quốc hậu thuẫn (COVAX) có thể cung cấp các loại vaccine mong muốn nhất cho các quốc gia kém phát triển nhất. Tuy nhiên, 5 tuần sau, Bộ trưởng Bộ Y tế Chad cho biết, 94.000 liều vaccine vẫn chưa được sử dụng.

Gần đó, ở Benin, chỉ có 267 mũi tiêm được tiêm mỗi ngày, tốc độ chậm đến mức 110.000 liều AstraZeneca của chương trình đã hết hạn, buộc phải tiêu hủy. Trên khắp châu Phi, từ tháng 7-2021 có ít nhất 9 quốc gia thuộc diện điều tra để lượng vaccine cho người nghèo có nguy cơ bị hết hạn trong mùa hè này.

Việc tích trữ vaccine là sự minh họa một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của bất bình đẳng cung cấp vaccine trên thế giới. Thế nhưng, chương trình tiêm chủng miễn phí còn phải đối mặt với khó khăn - đó là làm thế nào để đưa vaccine từ đường băng sân bay tới tay những người dân. Bởi thực tế cho thấy rằng dù nhận được vaccine song các quốc gia nghèo lại đang gặp khó khăn trong việc bỏ kinh phí vận chuyển vaccine đến các trạm y tế, đào tạo người tiêm hoặc thuyết phục người dân tiêm thuốc.

Việc dự kiến sẽ có thêm 1,7 tỷ liều vaccine để cung cấp vào tháng 12 tới khiến các quan chức COVAX lo ngại rằng một số quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng lượng vaccine đột ngột có sẵn. Bởi một số quốc gia đã trì hoãn các công tác chuẩn bị nhận và tiêm phòng trên diện rộng sau nhiều lần đối mặt với việc giao vaccine bị kéo dài và các chuyến hàng không chắc chắn trước đó.

Hàng loạt các quốc gia phê duyệt tiêm mũi vaccine thứ ba

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt tiêm mũi vaccine thứ ba ngừa Covid-19. Thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 1-7 dành cho lực lượng y tế và người trên 50 tuổi. Trong số những người nhận liều thứ 3 có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trước đó ông đã được tiêm hai liều vaccine của Sinovac (Trung Quốc). Israel cũng đã triển khai tiêm liều thứ ba với vaccine của Pfizer cho người trên 60 tuổi hồi tuần trước, trong đó người tiên phong trong chiến dịch tiêm liều tăng cường này là Tổng thống Isaac Herzog.

Tại Đức, Bộ Y tế đã đề xuất cho nhóm đối tượng người cao tuổi và người dễ bị tổn thương như người suy giảm miễn dịch được tiêm mũi vaccine thứ ba từ ngày 1-9. Mũi thứ ba này sẽ sử dụng vaccine của Hãng Pfizer/BioNTech hoặc của Moderna. Pháp chủ trương tiêm mũi thứ ba cho những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng như người được cấy ghép, người mắc bệnh ung thư, người đang chạy thận nhân tạo và người cao tuổi. Thời gian tiêm chưa ấn định cụ thể, dự kiến có thể vào đầu tháng 9 tới. Trong khi đó, Anh dự kiến tiến hành tiêm mũi thứ ba cho mọi đối tượng. Thời gian tiêm cũng từ đầu tháng 9 kéo dài đến cuối năm.

Chính phủ Nhật dự kiến khuyến khích tiêm mũi thứ ba vào năm 2022, trong khi Mỹ cũng đang xem xét tiêm liều vaccine thứ ba này. Washington trong tháng trước đã ký một thỏa thuận với Hãng Pfizer Inc (Mỹ) và đối tác của hãng này là BioNTech (Đức), theo đó mua 200 triệu liều vaccine Covid-19 để tiêm chủng cho trẻ em cũng như các mũi tiêm nhắc lại đối với người trước đó đã được tiêm đủ 2 liều.

WHO kêu gọi ngừng tiêm liều thứ 3

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc trì hoãn này nhằm đảm bảo rằng các quốc gia trên thế giới sẽ có ít nhất 10% dân số được tiêm vaccine Covid-19. Cụ thể, Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các nước tạm ngừng triển khai việc tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19 cho những người đã tiêm đủ 2 liều, ít nhất là đến cuối tháng 9 - “Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các Chính phủ là nhằm bảo vệ người dân trước biến thể Delta. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận rằng có những quốc gia sử dụng hầu hết nguồn cung vaccine Covid-19 trên toàn cầu”. Phát biểu với báo giới, Giám đốc phụ trách vấn đề miễn dịch, vaccine và sinh học của WHO - bà Katherine O'Brien nêu rõ: “Chúng ta cần tập trung vào những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, những người có nguy cơ mắc bệnh và tử vong vì căn bệnh này, để họ có thể có được liều tiêm vaccine đầu tiên và thứ 2”.

Lời kêu gọi của các quan chức WHO được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19 cho những người đã tiêm đủ 2 liều, do lo ngại về hiệu quả miễn dịch của vaccine trước sự nguy hiểm của biến thể siêu lây nhiễm Delta. Trong các tuyên bố trước đó, các chuyên gia hàng đầu của WHO đã nêu quan điểm rằng chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy cần phải tiêm vaccine liều tăng cường để ngừa Covid-19.

Theo WHO, các loại vaccine trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của cơ quan này đều có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 nếu người đó đã được tiêm đầy đủ. Do đó, WHO khẳng định các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine Covid-19 để tiêm nhắc lại cho những người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh nhiều nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.

“Khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine Covid-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang đặt mua hàng triệu liều tăng cường, trước khi các quốc gia khác có nguồn cung vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất. Các nhà sản xuất vaccine Pfizer và Moderna là những công ty đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại ở những quốc gia đã có mức độ tiêm chủng cao. Thay vào đó, họ nên chuyển liều lượng vaccine của mình sang chương trình chia sẻ vaccine COVAX, chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình và nghèo hơn”.

Tedros Adhanom Ghebreyesus (Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới - WHO)