Nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Biển Đông

ANTĐ -  Trong khối ASEAN có 8 nước tiếp giáp với Biển Đông. Đó là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Bruney, Indonesia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ASEAN là một phần không thể tách rời của Biển Đông. 

Các vùng biển này của nhiều  nước ASEAN tiếp giáp nhau, đối diện nhau... Kế sinh nhai của hàng trăm triệu người dân ASEAN và sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN phụ thuộc lớn vào Biển Đông. Biển Đông vì thế là nhân tố chung gắn bó lợi ích của các nước thành viên ASEAN với nhau. Các nước ASEAN hiểu rằng trong vấn đề Biển Đông có nhiều khía cạnh khác nhau. Có những khía cạnh liên quan tất cả các nước thành viên và tất cả các nước thành viên của ASEAN phải chung tay gánh vác. 

Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông

Trước hết, khía cạnh quan trọng liên quan đến mọi thành viên ASEAN là duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Điều I của Hiến chương ASEAN nêu rõ 15 mục tiêu của ASEAN, trong đó mục tiêu số 1 là duy trì, bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. Chắc chắn mục tiêu này sẽ không đạt được, nếu hòa bình và ổn định ở Biển Đông không được duy trì. Chỉ khi Biển Đông hòa bình và ổn định thì lợi ích của các thành viên ASEAN mới được đảm bảo. Nếu hòa bình và ổn định ở Biển Đông không được đảm bảo thì các nước thành viên ASEAN sẽ không có điều kiện khai thác và sử dụng các vùng biển của mình. Đồng thời lúc đó giao lưu hàng hóa giữa các nước ASEAN với nhau và với thế giới bên ngoài sẽ bị ảnh hưởng. Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông chính là duy trì hòa bình và ổn định của cả khối ASEAN. Tất cả 10 nước ASEAN đều có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp, tăng cường mọi nỗ lực để duy trì hòa bình và ồn định ở Biển Đông. Trong khía cạnh này họ nhận được sự hậu thuẫn và cổ vũ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bởi vì duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông phù hợp với trào lưu chung của cộng đồng quốc tế và góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới. 

Khía cạnh thứ 2 trong vấn đề Biển Đông liên quan đến mọi thành viên ASEAN là thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (thường gọi tắt là Tuyên bố DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002. Tuyên bố này có được chính là do nỗ lực chung của 10 nước. Mục tiêu của ASEAN khi ký Tuyên bố này là để góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Các nước thành viên ASEAN thảo luận ở mọi diễn đàn đa phương tìm mọi biện pháp để thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố này, để tất cả các cam kết theo Tuyên bố này được tuân thủ nghiêm ngặt là cần thiết. Các nước ASEAN nhận thức rõ DOC là quan trọng nhưng đó mới chỉ là bước đi ban đầu. Bước đi tiếp theo là ASEAN và Trung Quốc phải ký kết Bộ Quy tắc ứng xử đã được ghi nhận trong đoạn cuối của Tuyên bố DOC năm 2002.

Khía cạnh thứ 3 trong vấn đề Biển Đông, lập trường ASEAN cũng rất rõ ràng các bên liên quan các tranh chấp phải giải quyết với nhau. Điều tiên quyết mà ASEAN nhất trí là việc giải quyết các tranh chấp đó phải bằng cách thức hòa bình, các bên không được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Lập trường này đã và đang được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Hướng tới mục tiêu COC

Xuất phát từ những nhận thức chung nói trên, 20 năm qua ASEAN đã có nhiều nỗ lực và cũng đã đạt được những kết quả tích cực liên quan vấn đề Biển Đông. Trước hết, không thể không nhắc đến Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông được các Ngoại trưởng ASEAN ký năm 1992. Bản Tuyên bố nêu rõ bất kỳ diễn biến bất lợi nào ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực. Từ đó, Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết mọi vấn đề về chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình. Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tạo bầu không khí cho việc đạt được giải quyết cuối cùng cho mọi tranh chấp. Vào thời điểm đó, Việt Nam chưa phải là thành viên của gia đình ASEAN nhưng Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với Tuyên bố này. 

Trên cơ sở bước đi ban đầu đó, ASEAN đã cùng nhau thảo luận nội bộ và sau đó cùng thương thảo với Trung Quốc về Tuyên bố DOC. Kết quả là vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đạt được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Với việc đặt bút ký bản Tuyên bố này, ASEAN và Trung Quốc cam kết tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc chung sống hòa bình. Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc cũng đã có một loạt cam kết cụ thể như giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, phấn đấu để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. 

Trong 10 năm qua, Tuyên bố DOC năm 2002 đã có đóng góp quan trọng cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên, trái với mong đợi của ASEAN, không phải mọi cam kết theo DOC đều được tuân thủ nghiêm ngặt và thực hiện đầy đủ. Trong mấy năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc ở Biển Đông đi ngược lại các cam kết DOC, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển, đảo của các nước ASEAN, đặc biệt là của Việt Nam, làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng và phức tạp hơn. Đoạn 22 Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 (2011) đã nêu rõ các Ngoại trưởng thảo luận sâu các diễn biến gần đây ở Biển Đông và bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến đó.

Trong bối cảnh đó và nhằm mục tiêu thúc đẩy thực hiện DOC, ASEAN đã có nhiều nỗ lực hơn và đạt được những kết quả quan trọng. Tháng 5-2011, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 đã quyết định xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC. Tiếp đó, vào tháng 7-2011, nhờ sự nỗ lực của ASEAN, bản Quy tắc Hướng dẫn DOC giữa ASEAN và Trung Quốc đã được thông qua. Tháng 11-2011, ASEAN đã giao SOM ASEAN tiến hành xây dựng COC. Tháng 7-2012, ASEAN đã đạt kết quả mới quan trọng là hoàn thành nội dung cơ bản của COC (thường gọi là các thành tố cơ bản của COC). Cách tiếp cận của ASEAN trong quá trình xây dựng COC là các thành viên ASEAN tham vấn nội bộ như truyền thống của ASEAN lâu nay, COC phải kế thừa DOC và tiếp tục phát triển ở mức cao hơn. Dự thảo COC năm 2012 đã được ASEAN hoàn tất là sự phát triển từ DOC năm 2002 và có những yếu tố mới trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực hiện DOC trong 10 năm qua. Đây là cơ sở tốt để các nước ASEAN thuợng lượng với Trung Quốc về COC trong thời gian tới.

Chặng đường mà ASEAN đã đi và những kết quả đã đạt được cho thấy nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Biển Đông là đúng hướng, nhưng không phải không có trục trặc. Sự cố AMM 45 tại Pnôm Pênh vừa qua không ra được Thông cáo chung là một ví dụ đáng tiếc. Trục trặc như vậy là nhất thời nhưng cũng để lại bài học quý cho ASEAN. Trong vấn đề Biển Đông, các thành viên ASEAN sẽ còn gặp thách thức và trở ngại. Do đó, một mặt phải tăng cường sự đoàn kết, mặt khác phải kiên định thực thi luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Luật Biển năm 1982 nói riêng cũng như thực thi DOC.

Lập trường của ASEAN là nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông cần phải có những điểm chính sau: Thứ nhất, quy định nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Tuyên bố DOC năm 2002. Thứ hai, mục tiêu của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông là tạo khuôn khổ dựa trên quy định luật pháp để điều chỉnh hành vi của các bên ở Biển Đông theo những nguyên tắc nêu trên. Thứ ba, quy định về các nghĩa vụ và hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông nhằm mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin, ngăn ngừa tranh chấp leo thang và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982, tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông theo Công ước Luật Biển năm 1982. Thứ tư, quy định cơ chế thực hiện COC, trong đó thiết lập cơ chế giám sát và đảm bảo thực hiện COC, xử lý vi phạm COC và bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.


Trong chuyến công du Trung Quốc mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bày tỏ quan điểm: Mỹ mong muốn Trung Quốc chấp nhận cơ chế đa phương trong đàm phán giải quyết tranh chấp chứ không phải khăng khăng giải quyết qua đàm phán song phương với từng nước tranh chấp. Bà Ngoại trưởng nhấn mạnh: Mỹ mong muốn các bên có bước tiến ý nghĩa trong giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông trước Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia vào tháng 11 tới. Mỹ muốn Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cùng tranh chấp thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Trước đó, hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tại Jakarta, nhắc lại quan điểm cho rằng Mỹ "có lợi ích quốc gia" trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông, bà nói: "Chúng tôi tin rằng các nước trong khu vực cần làm việc hợp tác với nhau để giải quyết tranh chấp mà không sử dụng sự cưỡng ép hay hăm họa, không đe dọa sử dụng và không sử dụng vũ lực”.

Tin cùng chuyên mục