Nợ công của Việt Nam có thể nhanh chóng chạm trần

ANTĐ - Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, ước tính, nợ công và nợ do Nhà nước bảo lãnh của Việt Nam đã đạt mức 62,5% GDP năm 2015, trong khi năm 2014 con số này là 59,6%. Do vậy, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức nợ trần do luật quy định là 65%.

Nợ công của Việt Nam có thể nhanh chóng chạm trần ảnh 1Ước tính, nợ công và nợ do Nhà nước bảo lãnh đã đạt mức 62,5% GDP năm 2015
Đây là nhận định được đưa ra tại Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương vừa được WB công bố.

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt.

Về phía sản xuất, tăng trưởng GDP chủ yếu dựa trên các ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng. Các ngành này tăng trưởng 11% năm 2015 và đóng góp trên ½ tổng mức tăng trưởng GDP.

Các chuyên gia của WB cảnh báo, các yếu tố ổn định và bền vững vĩ mô được duy trì về cơ bản, tuy nhiên tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp (và đang có xu thế giảm). Tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm xuống mức hai tháng nhập khẩu càng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.

“Ước tính, nợ công và nợ do nhà nước bảo lãnh (theo quy định của Bộ Tài chính) đã đạt mức 62,5% GDP năm 2015, trong khi năm 2014 con số này là 59,6%. Do vậy, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức nợ trần do luật quy định là 65%. Chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thực hiện củng cố tình hình tài khoá trung hạn (về phía thu hoặc chi)”, WB khuyến cáo.

Ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết, vấn đề của Việt Nam là nợ ngắn hạn trong nước tới hạn trả chiếm tỷ trọng lớn và tạo áp lực cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn đối với ngân sách.

“Với tỉ lệ nợ công 62% GDP, Việt Nam đủ sức trả và khả năng trả của Chính phủ với những khoản nợ đến hạn là 100%”, chuyên gia WB nhận định.

Liên quan tới quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng, WB cho rằng, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ, đã thực hiện một số thương vụ mua bán và sát nhập nhưng vẫn khó có thể đạt mục tiêu giảm còn 15-17 ngân hàng vào năm 2017 từ con số hiện nay là 34.