“Nín thở” trước giờ G

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nước Mỹ hồi hộp “nín thở” trước giờ G chuyển giao quyền lực từ chính quyền Tổng thống Donald Trump sang chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden với các “kịch bản” về mối lo ngại lớn xảy ra bất ổn an ninh cũng như những đổi thay chính sách mang tính bước ngoặt.
An ninh được thắt chặt quanh ĐiệnCapitol để đảm bảo cho lễ nhậm chức Tổng thống của ông Joe Biden

An ninh được thắt chặt quanh ĐiệnCapitol để đảm bảo cho lễ nhậm chức Tổng thống của ông Joe Biden

Kịch bản nhậm chức “trăm năm có một”

Hiếm khi nào, có lẽ trừ thời nội chiến cách đây hơn 150 năm, Thủ đô Washington D.C của nước Mỹ mới lại được đặt trong tình trạng báo động an ninh cao độ tới vậy khi mà số lính vệ binh quốc gia triển khai tới đây lên tới con số hơn 25.000 người, chưa kể lực lượng cảnh sát. Con số này nhiều gấp hơn 3 lần số lượng lính Mỹ hiện đang hoạt động tại các chiến trường chính Afghanistan, Iraq và Syria cộng lại.

Với việc bảo đảm an ninh được thắt chặt tới mức tối đa tại Thủ đô Washington, nước Mỹ đã sẵn sàng cho lễ nhậm chức Tổng thống của ông Joe Biden vào ngày mai (20-1-2021). Cùng với thách thức về an ninh, lễ nhậm thức Tổng thống Mỹ thứ 46 của ông Joe Biden cùng Phó Tổng thống Kamala Harris còn diễn ra trong bối cảnh Covid-19, đại dịch đã khiến khoảng 24,5 triệu người Mỹ mắc bệnh và hơn 400 nghìn người tử vong, đang tiếp tục hoành hành dữ dội nên sẽ diễn ra theo một kịch bản chưa có tiền lệ so với các lễ nhậm chức “hoành tráng” được đây của các tân chủ nhân Nhà Trắng.

Thay vì lễ nhậm chức diễn ra với sự tham dự của hàng nghìn quan khách trong nước và quốc tế, lễ nhậm chức của tân Tổng thống Joe Biden dù vẫn đầy đủ các nghi lễ cần thiết, song được tổ chức với số người dự khán thấp nhất có thể. Ủy ban nhậm chức của Tổng thống thậm chí còn kêu gọi những người ủng hộ ông Joe Biden không đổ về Thủ đô Washington để tham dự lễ nhậm chức.

Theo kịch bản lễ nhậm chức được tiết lộ, tân Tổng thống Joe Biden và tân Phó Tổng thống Kamala Harris ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Điện Capitol sẽ được một đoàn quân hộ tống đến “tiếp quản” Nhà Trắng thay vì cuộc diễu hành truyền thống kéo dài từ Điện Capitol xuống Đại lộ Pennsylvania đến nơi chính thức nắm quyền “chèo lái” con thuyền nước Mỹ.

Ủy ban nhậm chức Tổng thống Mỹ cho biết, việc thay thế cuộc diễu hành lễ nhậm chức truyền thống bằng đoàn hộ tống sẽ cho phép người Mỹ và thế giới nhìn thấy sự khác biệt của vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ mà không thu hút đám đông lớn thường tụ tập dọc Đại lộ Pennsylvania trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Điểm khác thường trong lễ nhậm chức của ông Joe Biden còn là sự vắng mặt của người tiền nhiệm, Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump. Ông Donald Trump sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm kể từ năm 1869, khi Tổng thống Andrew Johnson ở lại Nhà Trắng trong lúc ông Ulysses Grant tuyên thệ nhậm chức tại Điện Capitol để trở thành Tổng thống thứ 18. Ông Donald Trump cho đến nay vẫn chưa chính thức lên tiếng thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11-2020.

Diễn ra với kịch bản “trăm năm có một” như vậy nên lễ nhậm chức diễn ra trong bối cảnh an ninh được thặt chặt chưa từng thấy. Ngoài hơn 25.000 vệ binh quốc gia được tăng cường, triển khai ở tất cả những nơi xung yếu nhất Thủ đô, chính quyền Washington đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Washington D.C, hạn chế tối đa mọi phương tiện giao thông đi vào trung tâm thành phố…

Hành động để “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”

Ngay sau lễ nhậm chức với chủ đề “Nước Mỹ thống nhất” (America United) để chính thức tiếp quản Nhà Trắng, tân Tổng thống Joe Biden được cho sẽ lập tức bắt tay hành động để thực hiện những cam kết mà ông đã đề cao và cam kết xuyên suốt quá trình tranh cử này. Trong một tuyên bố đưa ra, Ủy ban nhậm chức của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, chủ đề “Nước Mỹ thống nhất” phản ánh một “sự khởi đầu của một cuộc hành trình quốc gia mới nhằm khôi phục linh hồn nước Mỹ, gắn kết đất nước và tạo ra một con đường dẫn đến một tương lai tươi sáng hơn”.

Theo ông Ron Klain, Chánh Văn phòng Nhà Trắng tương lai, một loạt cam kết về “Ngày đầu tiên” của ông Joe Biden sẽ được thực hiện trong 9 ngày kể từ lễ nhậm chức trưa 20-1, mở đầu bằng việc ký và công bố “hàng chục sắc lệnh” nhằm xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm Donald Trump về cả đối nội và đối ngoại, như đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp ước về chống biến đổi khí hậu Paris hay đảo ngược lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia Hồi giáo.

Tân Tổng thống Joe Biden được cho là có kế hoạch công bố dự luật nhập cư ngay trong ngày 20-1, mở ra cơ hội trở thành công dân Mỹ cho khoảng 11 triệu người nhập cư không giấy tờ hiện nay. Cho dù kế hoạch này cần phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, song không phải quá khó khăn bởi đảng Dân chủ của ông Joe Biden kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội, Hạ viện và Thượng viện.

Vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ cũng sẽ lập tức đưa ra kế hoạch “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” (“Build back better”), tập trung vào ưu tiên phục hồi ngay lập tức nền kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn ăn sâu bám rễ trong lòng nước Mỹ với một loạt đề xuất mới để tạo ra hàng triệu việc làm và dành khoản đầu tư quan trọng cho người dân, hạ tầng cơ sở và môi trường. Cùng với kế hoạch này, ông Joe Biden cũng sẽ công bố gói cứu trợ 1.900 tỷ USD dành cho nỗ lực triển khai tiêm phòng Covid-19 trên toàn quốc và kích thích kinh tế.

Khi được chính thức khẳng định là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Joe Biden tuyên bố, đã sẵn sàng để đảm đương trọng trách dẫn dắt nước Mỹ vượt qua những thách thức hiện nay để “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” như những gì ông cam kết khi tranh cử. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nhà Trắng sắp tới Ron Klain - trợ thủ đắc lực của tân Tổng thống nhấn mạnh, Tổng thống Joe Biden đảm nhận chức Tổng thống trong thời điểm đất nước khủng hoảng sâu sắc, song ông Joe Biden bắt tay vào hành động tức thì để giải quyết những khủng hoảng này và tái thiết đất nước tốt hơn như những gì đã cam kết xuyên suốt chiến dịch tranh cử.

Vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ được cho không hề có một giây phút nào tận hưởng điều thường thấy gọi là “tuần trăng mặt” sau lễ nhậm chức mà thay vào đó là phải hành động ngay để vượt qua hàng núi thách thức để “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”.