Niềm tin vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là một chiến lược đúng đắn, hiệu quả để góp phần quan trọng khống chế, đẩy lùi đại dịch, đưa mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Với những nỗ lực khẩn trương và quyết liệt, chúng ta tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm chủng khoảng 70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 này.
Với quyết tâm cao độ cùng hành động khẩn trương, Việt Nam tin tưởng có đủ vaccine Covid-19 để tiêm chủng nhằm đầy lùi đại dịch

Với quyết tâm cao độ cùng hành động khẩn trương, Việt Nam tin tưởng có đủ vaccine Covid-19 để tiêm chủng nhằm đầy lùi đại dịch

Khẩn trương, quyết liệt để có vaccine nhanh nhất, nhiều nhất

Có thể nói, một trong những chủ đề nổi bật và xuyên suốt của lãnh đạo nước ta trong cuộc hội đàm, trao đổi, làm việc với lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn liên quan thời gian qua là phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là về vaccine phòng Covid-19. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc gấp vào tối 29-6 với Tập đoàn Astra Zeneca do ông Nitin Kapoor - Chủ tịch Astra Zeneca tại các thị trường châu Á mới nổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Astra Zeneca Việt Nam, để thúc đẩy đưa vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam nhiều nhất, sớm nhất có thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Astra Zeneca quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Việt Nam có được ít nhất 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ nay đến đầu tháng 8-2021 để tiêm miễn phí cho người dân kịp thời, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị phía AstraZeneca phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy, giúp đỡ có hiệu quả việc sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước và giảm giá bán vaccine cho Việt Nam.

Ông Nitin Kapoor cho biết, thời điểm này trên toàn thế giới, vaccine phòng Covid-19 đang rất khan hiếm do nhu cầu sử dụng lớn. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường trong khi năng lực sản xuất vaccine trên thế giới còn hạn chế, không thể đáp ứng hết các nhu cầu của các nước. Tuy nhiên, ông Nitin Kapoor hứa với Thủ tướng sẽ báo cáo Công ty Astra Zeneca để ưu tiên và cố gắng thuyết phục chuyển cho Việt Nam ít nhất 8 triệu liều vaccine ngay trong tháng 7 và đầu tháng 8 tới; đồng thời ghi nhận và cam kết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền của Astra Zeneca để nghiên cứu ưu tiên giảm giá bán vaccine cho Việt Nam tốt nhất có thể.

Trước đó, trong các cuộc hội đàm, điện đàm với người đứng đầu các Chính phủ, các lãnh đạo của Việt Nam luôn để cập tới vấn đề hợp tác phòng chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cung ứng vaccine phòng Covid-19 để đáp ứng nhu cầu chống dịch của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi điện đàm ngày 24-6 vừa qua với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề nghị WHO hỗ trợ và ưu tiên để Việt Nam sớm nhận được các lô vaccine phòng Covid-19 tiếp theo theo chương trình COVAX đã cam kết, khẳng định sẽ triển khai chiến lược tiêm chủng hiệu quả, kịp thời và an toàn. Thủ tướng cũng đề nghị WHO ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương.

Trong cuộc điện đàm hồi trung tuần tháng 5-2021 với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản hỗ trợ sớm nhất có thể việc tiếp cận nguồn cung và hợp tác chuyển giao công nghệ về vaccine ngừa Covid-19. Cam kết sẽ hỗ trợ, hợp tác tối đa với Việt Nam để bảo đảm vaccine Covid-19 cần thiết của Thủ tướng Suga Yoshihide ngay sau đó đã được hiện thực hóa bằng việc Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine, trong đó khoảng 1 triệu liều đã về Việt Nam ngày 16-6 vừa qua và số vaccine còn lại sẽ về trong những ngày đầu tháng 7 này.

Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ngày 30-6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao cam kết của Chính phủ Mỹ tài trợ 4 tỷ USD cho sáng kiến COVAX. Ông mong muốn Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận các nguồn cung vaccine, cũng như trong sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để sớm khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế.

Niềm tin khống chế, đẩy lùi đại địch

Với quyết tâm cao độ thực hiện chiến lược vaccine cùng nỗ lực, hành động khẩn trương, nhanh chóng và hiệu quả của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, các ngành các cấp, chúng ta tin tưởng có đủ số lượng vaccine để thực hiện mục tiêu tiêm chủng cho 70% số dân từ nay tới cuối năm. Chúng ta xác định vaccine là biện pháp rất quan trọng và hiệu quả trong chiến lược Vaccine + 5K + Giải pháp công nghệ để đẩy lùi đại dịch dịch Covid-19, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Từ chiến lược này, chúng ta đã khẩn trương tìm kiếm các nguồn cung để có thể có được khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm nay.

Đến nay, các đối tác đã ký cam kết từ nay đến cuối năm cung cấp khoảng 110 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho nước ta. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine khác để đạt số lượng 150 triệu liều như trong Nghị quyết 21 của Chính phủ đã giao. Theo tính toán của Bộ Y tế, nếu số lượng vaccine về đủ, khoảng 110-150 triệu liều vaccine, trong vòng 3 đến 6 tháng còn lại trong năm 2021, ước tính mỗi ngày cả nước sẽ tiêm chủng khoảng 300.000 - 500.000 liều/ngày và đảm bảo hoàn thành chiến dịch tiêm nhằm đạt tới tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.

Một thông tin lạc quan mới đưa ra ngày 30-6 là có thể tiêm 2 loại vaccine phòng Covid-19 ở 2 thời điểm tiêm khác nhau để tăng miễn dịch. Theo nghiên cứu, nếu tiêm mũi 1 là vaccine của Astra Zeneca, mũi 2 là vaccine của Pfizer sẽ cho đáp ứng miễn dịch rất tốt. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nhiều nước châu Âu và Mỹ đang thực hiện nghiên cứu kết hợp 2 loại vaccine cho 2 mũi tiêm. Trong đó, số liệu ở Tây Ban Nha cho thấy nếu tiêm mũi 1 là vaccine của Astra Zeneca, mũi 2 là vaccine của Pfizer cho kết quả đáp ứng miễn dịch rất tốt, thậm chí tốt hơn khi tiêm cùng một loại. Tại Anh cũng đang nghiên cứu mũi 2 tiêm các loại vaccine phòng Covid-19 khác như Moderna hoặc Sputnik-V… và số liệu bước đầu cũng rất khả quan.

Nhằm đảm bảo chủ động nguồn vaccine trong cuộc chiến lâu dài chống đại dịch Covid-19, chúng ta đang tích cực chuyển giao công nghệ, tự nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây yêu cầu, phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine nói chung và trước mắt là vaccine phòng Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6-2022 phải có vaccine Covid-19 sản xuất trong nước. Sự quyết tâm cùng hành động quyết liệt, khẩn trương cho chúng ta niềm tin vaccine - niềm tin khống chế, đẩy lùi đại địch.

Tin cùng chuyên mục