Niềm tin thị trường

ANTĐ - Trong một cuộc hội thảo mới diễn ra tại TP.HCM, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều bày tỏ nỗi lo lắng thật sự trước chiều hướng suy giảm niềm tin vào thị trường của các nhà đầu tư cũng như người dân. Có ý kiến cho rằng, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn bất cứ vấn đề nào của nền kinh tế, kể cả so với lạm phát, thâm hụt ngân sách hoặc thâm hụt cán cân thương mại.

Việc Tổ chức uy tín thế giới Standardd Poor’s hạ điểm số tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam một bậc từ BB xuống BB--, mức thấp nhất so với các nước Đông Nam Á, chỉ ngang bằng Mông Cổ với Bangladesh, chứng tỏ niềm tin của nhà đầu tư đối với chính sách vĩ mô của Việt Nam đang suy giảm nặng nề và đây là điều hết sức đáng lo ngại.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét: “Nền kinh tế của nước ta rất dễ bị tổn thương không những bởi các cú sốc từ bên ngoài mà còn bị tổn thương do chính mình gây ra”. Cấu trúc bất ổn của nền kinh tế bộc lộ rất rõ: Đầu tư công “hút” phần lớn tiềm lực quốc gia; tỷ lệ nợ xấu trong khu vực ngân hàng tăng từ 2,16% cuối năm 2010 lên 3,1% vào cuối tháng 6-2011; tổng dư nợ cho vay bất động sản tăng tới 10,8%; dự trữ ngoại tệ giảm so với mức 23,5 tỷ USD năm 2008. Tất cả những con số trên đang đẩy nền kinh tế vĩ mô vào một thế đứng đầy rủi ro.

Theo quan điểm của Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, suy giảm niềm tin thị trường ở đây là suy giảm niềm tin vào đồng tiền Việt Nam. Trong khi đó nhiều “căn bệnh” nội tại của nền kinh tế chưa được cải thiện như lạm phát, thâm hụt thương mại, bội chi ngân sách. Điểm đáng lo ngại khiến nhà đầu tư hoang mang là không hiểu mục tiêu, định hướng chính sách vĩ mô như thế nào. Một nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ phát đi một thông điệp mạnh mẽ chưa từng có về ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các biện pháp như thắt chặt tiền tệ, tài khóa, cắt giảm đầu tư không có một dòng nào nói về tăng trưởng.

Thế nhưng lại có chỉ đạo các tập đoàn kinh tế Nhà nước phải đạt mức tăng trưởng 15% trong năm 2011. Một trường hợp khác là đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đột ngột hạ lãi suất với các khoản vay trên thị trường mở từ 15% xuống 14%. Ngay sau động thái này ba nhà tài chính lớn của nước ngoài đã gọi vào “đường dây nóng” hỏi: “Đây có phải là tín hiệu thực sự chứng tỏ Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ?”. Đó là tín hiệu “không hay” có thể gây ra ngộ nhận rằng tiền tệ đang được nới lỏng.

Theo ý kiến của ông Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên làm một việc và phải làm bằng được là sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để duy trì sự ổn định của thị trường liên ngân hàng. Phải làm sao để doanh nghiệp thấy rõ lãi suất cho vay bao nhiêu, lãi suất tiền gửi bao nhiêu đó là việc của cung-cầu thị trường chứ không phải do ngân hàng Nhà nước nới lỏng. Không ít ý kiến cho rằng, không nên lẫn lộn giữa hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chính sách tiền tệ “dư địa” còn khá lớn, làm mất đi tính nhất quán của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.

Khôi phục và củng cố niềm tin thị trường không phải là đơn giản và dễ dàng. Sự kiên định và nhất quán đi theo một chính sách đã được vạch ra, không chỉ ở trong lời tuyên bố, cam kết. Tuyên bố phải đi đôi với hành động quyết liệt trên thực tế.

Tin cùng chuyên mục