Niềm tin của bạn đọc “hậu phương” vững chắc đối với người làm báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghề báo là một nghề khó khăn, vất vả. Đặc biệt, với các nhà báo nữ, khó khăn ấy càng nhân lên gấp bội. Nhưng với lòng yêu nghề, đam mê và nhiệt huyết, họ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn. Bởi họ biết mình luôn có “hậu phương” vững chắc, đó là niềm tin của độc giả!

Dấn thân vào “vùng đỏ”

Khoác trên vai chiếc ba lô nặng trĩu với nhiều phương tiện tác nghiệp, nữ phóng viên Cấn Linh của Ban Phóng viên, Báo An ninh Thủ đô bắt đầu một ngày làm việc mới. Điểm đến của chị lần này là “nằm vùng” 21 ngày tại Văn Miếu - Văn Chương (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Đây là “vùng đỏ” bị phong tỏa khép kín địa bàn để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ tư. “Đó là những giây phút thử thách khả năng, ý chí của bản thân giữa lựa chọn dấn thân và lùi lại để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như đồng nghiệp, gia đình. Cuối cùng, tôi đã lựa chọn ở lại để sát cánh cùng chính quyền, nhân dân “vùng đỏ” trong suốt 21 ngày cách ly, phong tỏa” - phóng viên Cấn Linh chia sẻ.

Phóng viên Tú Anh, Ban Báo Điện tử cùng các nam đồng nghiệp An ninh Thủ đô

Phóng viên Tú Anh, Ban Báo Điện tử cùng các nam đồng nghiệp An ninh Thủ đô

Khoảng thời gian đó, Cấn Linh đã theo chân các lực lượng chức năng tất tả truy vết dịch đến quên ăn, quên ngủ. Nửa đêm vừa chợp mắt sau một ngày lăn xả đã giật mình choàng dậy vì tiếng chuông điện thoại báo tin có thêm ca lây nhiễm. Rồi cả những ngày đội mưa, hứng nắng vận chuyển hàng hóa lương thực tiếp tế cho nhân dân. 21 ngày đó dường như không có đêm nào Cấn Linh được ngủ đủ giấc. Quyết tâm bám chốt, bám địa bàn, giúp nữ phóng viên ghi lại chân thực mối quan hệ gần gũi thắm thiết tình quân dân, những câu chuyện về sự hy sinh và sẻ chia trong lúc khó khăn… “Vượt lên nỗi sợ hãi bệnh tật, vượt lên trên những đêm màn trời chiếu đất, tôi đã chọn nghề, chọn dấn thân, chỉ mong muốn truyền tải rõ nét nhất những nỗi ám ảnh mà dịch bệnh gây ra đến độc giả… Đó là những tháng ngày không thể quên trong sự nghiệp cầm bút của tôi” - Cấn Linh chia sẻ.

Dấn thân vào “mảng tối”

Biên tập viên Tú Anh tốt nghiệp chuyên ngành phát thanh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ngày trúng tuyển Báo An ninh Thủ đô, cô được giao nhiệm vụ mới, với những trải nghiệm đầy thú vị ở Ban Báo Điện tử, song cũng không kém phần hiểm nguy, vất vả. Được phân công theo dõi các đơn vị công an, khiến cô được tôi luyện như một trinh sát thực thụ. Va với những “mảng tối” của xã hội, xâm nhập những đường dây mua bán ma túy khét tiếng, là chất liệu quý để Tú Anh có được những tác phẩm báo chí xuất sắc như “Ma túy đá - Hiểm họa chết người từ ảo giác”; “Bóng cười - Hiểm họa chết người”; “Khi người tâm thần phạm tội”; “Phía sau dịch vụ cầm đồ”; “Chặn mầm mống tội phạm từ tín dụng đen”… Những tác phẩm này đã được tặng Bằng khen tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, 2 giải Bạc của Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân; 1 giải Ba “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” cùng nhiều giải cao của Hội Nhà báo TP Hà Nội.

Chia sẻ về nghề, nhất là phụ nữ làm báo, biên tập viên Tú Anh cho biết: “Nghề báo không có sự ưu tiên dành cho phái nữ. Nơi nào phóng viên nam đến được thì nơi đó cũng có mặt phóng viên nữ. So với đồng nghiệp nam thì bất lợi của mình trong công việc này là sức khỏe và sự linh động trong quá trình tác nghiệp. Có những khi cũng phải vác máy lội ruộng, phơi nắng, dầm mưa, có hôm về nhà lúc tối muộn, có lúc đêm khuya phải đi quay. Rồi việc vác máy quay thời gian dài, nhanh chân di chuyển theo nhân vật để kịp bắt những góc quay đẹp không phải là việc nhẹ nhàng đối với nữ. Nhưng với sự đam mê và yêu nghề thì sẽ vượt qua hết”.

Phóng viên Chu Hương

Phóng viên Chu Hương

Nghề báo vốn là nghề nhiều áp lực, đôi khi còn nguy hiểm. Cũng như bao phụ nữ khác, có những lúc công việc quá vất vả, nhiều nữ nhà báo cũng chạnh lòng, chùn bước, nhưng đó chỉ là phút thoáng qua trong suy nghĩ, khi công việc hoàn thành, họ lại tiếp tục lao vào nhận nhiệm vụ mới.

Bước vào nghề báo, để làm tốt công việc, có nhiều cống hiến cho nghề, những nhà báo nữ còn phải chịu nhiều vất vả, áp lực, phải hy sinh nhan sắc, sức khỏe, thời gian cho gia đình, thời gian cho bản thân. Chỉ có đam mê với tình yêu nghề, hậu phương ủng hộ thật vững chắc từ gia đình và sự tin yêu từ độc giả là động lực để những nhà báo nữ gắn bó và trưởng thành hơn với nghề...

Phóng viên Tú Anh (Ban Báo Điện tử): Đam mê để gắn bó với nghề báo

“Trong nghề báo, hầu như không có sự phân biệt yếu tố giới tính cũng như sự ưu tiên về giới tính. Nếu có khác thì chỉ khác là phụ nữ dễ mềm lòng hơn, trái tim yếu đuối hơn do bản năng giới, nên phụ nữ hay bị dằn vặt vì công việc của mình hơn các đồng nghiệp nam, sự dằn vặt len vào bữa ăn, giấc ngủ... Dũng cảm để đi đến cùng sự thật, nói không với tiêu cực, lôi những điều khuất tất, bất công ra ánh sáng công luận. Đi nhiều, va chạm không ít và đầy rủi ro, nghề báo là một chọn lựa thách thức cho cả nam giới và nữ giới. Đặc biệt, đối với nữ giới, với đặc trưng giới tính cũng như những khó khăn và nỗi niềm của phái yếu, vì vậy, để có thể gắn bó với công việc đầy vất vả, áp lực và cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, đam mê với nghề chính là điều cần có đối với các nhà báo nữ khi chọn lựa nghề báo là công việc để theo đuổi”.

Phóng viên Cấn Linh (Ban Phóng viên): Người phụ nữ làm báo hình thành nên tính cách mạnh mẽ

“Nghề nghiệp cũng định hình cho người phụ nữ tính cách mạnh mẽ, nhanh nhẹn, thích ứng với các hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, nhiều nữ nhà báo tất bật đưa đón con tới trường, đi làm, viết bài, nấu cơm và chăm sóc gia đình. Họ biết cách sắp xếp hợp lý một cuộc sống bận rộn. Đôi khi, việc nữ nhà báo ra ngoài thường xuyên cũng lại là chất xúc tác để người chồng phải cố gắng để “giữ chân vợ”, nhìn theo hướng tích cực nhất. Cũng như việc hoạt động năng nổ khiến tâm hồn và hình dáng của nữ nhà báo luôn tươi trẻ, yêu đời”.