Nick Út và chuyện đằng sau “Em bé Napalm”

(ANTĐ) - “Em bé Napalm” - bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đầy đau xót và dữ dội ở Tây Ninh cách đây mấy chục năm của phóng viên chiến trường Nick Út đã trở nên nổi tiếng và được cả thế giới biết đến. Hình ảnh ấy đã miêu tả được tất thảy những gì khốc liệt nhất về cuộc chiến mà quân đội Mỹ đã gieo rắc trên đất nước hình chữ S. Chiến tranh đã qua đi 35 năm, một chiều Hà Nội, gặp lại tác giả của “Em bé Napalm” lại được nghe ông kể về cái ngày ông ôm máy ảnh đi suốt dọc chiến trường Việt Nam, hóa ra những câu chuyện đằng sau bức hình kia cũng có nhiều điều bất ngờ…

Nick Út và chuyện đằng sau “Em bé Napalm”

(ANTĐ) - “Em bé Napalm” - bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đầy đau xót và dữ dội ở Tây Ninh cách đây mấy chục năm của phóng viên chiến trường Nick Út đã trở nên nổi tiếng và được cả thế giới biết đến. Hình ảnh ấy đã miêu tả được tất thảy những gì khốc liệt nhất về cuộc chiến mà quân đội Mỹ đã gieo rắc trên đất nước hình chữ S. Chiến tranh đã qua đi 35 năm, một chiều Hà Nội, gặp lại tác giả của “Em bé Napalm” lại được nghe ông kể về cái ngày ông ôm máy ảnh đi suốt dọc chiến trường Việt Nam, hóa ra những câu chuyện đằng sau bức hình kia cũng có nhiều điều bất ngờ…

Bức ảnh gây chấn động thế giới “Em bé Napalm”

Bức ảnh gây chấn động thế giới “Em bé Napalm”

Nhờ vào… may mắn

Cho dù chiến tranh đã qua đi 35 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian làm phóng viên chiến trường tại Việt Nam cho Hãng thông tấn AP, Nick Út vẫn không khỏi bị ám ảnh bởi sự chết chóc, ác liệt của cuộc chiến. Kể chuyện với tôi, Nick Út luôn cho rằng: Ngày đó, thần may mắn luôn mỉm cười với ông. Nhiều lần ông thoát chết chỉ trong gang tấc, rồi có lần viên đạn đi sượt đầu, chỉ cần ông cao thêm chút xíu nữa là… xong. Rồi ông kết luận, ông thoát chết nhờ vào tầm vóc nhỏ con của mình.

Nhiều năm đã qua đi, nhưng dường như mỗi lần kể về bức ảnh chụp bé Kim Phúc, bị bỏng một mảng lưng do bom Napalm, không quần áo gào thét chạy trên đường, ông vẫn không khỏi xúc động. Cái khoảnh khắc khốc liệt ấy mà ông ghi lại vào khuôn hình hoàn toàn nhờ vào may mắn. Bởi trước đó chỉ vài phút thôi, bà ngoại của Kim Phúc bế trên tay một em bé, chỉ chừng 1 tuổi, bị bom bỏng, da trốc từng mảng chạy từ làng lên đường lớn. Thấy cảnh tượng khủng khiếp ấy, các phóng viên có mặt khi đó đều bấm máy lia lịa… Rồi họ hết phim và phải dừng lại thay phim. Nhưng trên người ông lúc đó có tới 4 chiếc máy ảnh và dĩ nhiên là còn phim. Và đấy là khoảnh khắc để cả thế giới có thể mường tượng được rõ rệt nhất về sự ác độc, sự tàn khốc của cuộc chiến tranh Mỹ thực hiện tại Việt Nam.

Thân hình cháy sém

Sau khi bấm máy, Nick Út đã nhanh chóng sơ cứu cho bé Kim Phúc. Lưng của Kim Phúc bị bỏng nặng tới mức độ, khi Nick Út dội nước lên, da thịt bốc khói sèo sèo, cô bé đau đớn, gào thét dữ dội. Lúc đó, ông đã xin tấm nilon của một người lính để choàng cho Kim Phúc rồi cùng với một người lái xe chở cô bé đến bệnh viện. Khi đến nơi, số người chết và bị thương quá nhiều, bệnh viện quá tải, các nhân viên của bệnh viện thờ ơ với trường hợp của cô bé. Nick Út đã dùng đến biện pháp “bất đắc dĩ” là lấy tấm thẻ nhà báo của Hãng AP dọa sẽ đưa sự việc này đến toàn thế giới. Nhờ đó, Kim Phúc mới được đưa vào cứu chữa.

Mối quan hệ ân nhân

Giờ đây, Kim Phúc đã 47 tuổi, cô đang sinh sống tại Toronto, Canada. Nick Út và cô bé trong bức ảnh đã tạo dựng một mối quan hệ thật đặc biệt. 2 chú cháu vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại từ Mỹ sang Canada và ngược lại. Nick Út cho biết: có rất nhiều người đã khóc khi nghe Kim Phúc kể lại câu chuyện trong bức ảnh. Và cũng có người đã hỏi Kim Phúc rằng có thù ghét gì người phóng viên đã chụp bức hình “Em bé Napalm” không? Kim Phúc đã trả lời rằng: Người đã làm cho cả thế giới biết đến người con gái bị bom Napalm là chú Út. Cô rất biết ơn người đã cứu sống cô. Nếu không có chú Út, cô đã chết trong trận ném bom năm ấy.

Ám ảnh bị ám sát

Bức ảnh sau khi được đăng trên các phương tiện truyền thông toàn thế giới đã có tác động rất lớn tới tâm lý của người Mỹ. Họ bị khủng hoảng bởi hình ảnh này. Cũng vì thế mà nỗi lo bị ám sát luôn thường trực bên cạnh Nick Út. Mỗi lần về văn phòng hãng AP, ông thấy mọi người cứ nhìn mình. Còn bên quân đội Mỹ rất muốn biết Nick Út là ai mà có bức ảnh chấn động như vậy. Thường các phóng viên khi chụp được một bức ảnh nổi tiếng, họ sẽ không quay lại chiến trường đó nữa vì sợ bị trả thù. Ngược lại Nick Út vẫn kiên trì bám trụ chiến trường Việt Nam trong 10 năm.

Chụp ảnh các diễn viên Hollywood

Bức ảnh mang tính lịch sử đã đưa Nick Út đến với đỉnh cao vinh quang trong cuộc đời của phóng viên ảnh với giải thưởng Pulitzer và nhiều giải quốc tế khác. Và điều đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ông sau khi rời xa các chiến trường để tác nghiệp trong kinh đô điện ảnh thế giới-Hollywood. Trong khi các phóng viên ảnh rất vất vả để tiếp cận chụp ảnh các ngôi sao nổi tiếng như Paris Hilton, tài tử Arnold Schwarzenegger, ông vua nhạc Pop Michael Jackson… thì Nick Út lại khá dễ dàng được lọt vào “vòng trong” thậm chí được các ngôi sao tiếp đãi thân mật khi biết ông chính là tác giả của bức ảnh từng gây chấn động về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Và những bức ảnh về Việt Nam hòa bình

Hình ảnh về một Việt Nam hòa bình luôn được Nick Út tìm kiếm mỗi khi trở lại quê hương

Hình ảnh về một Việt Nam hòa bình luôn được Nick Út tìm kiếm mỗi khi trở lại quê hương

Công việc hiện giờ của Nick Út tại Hãng thông tấn AP là phóng viên chụp ảnh cháy rừng. Tuy khá bận rộn, nhưng Nick Út vẫn dành thời gian quay trở lại Việt Nam để làm công tác giảng dạy cho các phóng viên ảnh trẻ của Việt Nam, hay đơn giản chỉ là để về thăm quê hương. Giờ đây, ông thấy rất vui khi nhìn thấy những vùng đất bị cày nát bởi chiến tranh trước kia đã hồi sinh từng ngày. Và mỗi lần về Việt Nam, ông đều cố gắng tìm kiếm những hình ảnh thật “Hòa bình” như nụ cười trẻ thơ, sự hạnh phúc lứa đôi… để miêu tả về Việt Nam ngày nay và khi trở về Mỹ, ông đều mở triển lãm để “khoe” với bạn bè thế giới về vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn của ông.

Phạm Thu Hương