Những vụ tranh giả tuồn lên sàn đấu giá quốc tế gây chấn động dư luận

ANTD.VN - Với các nhà đấu giá nổi tiếng thế giới có tuổi đời cả trăm năm với bề dày uy tín, các tác phẩm nghệ thuật vượt qua vòng thẩm định và lên sàn dường như là sự khẳng định chắc chắn cho tính thật-giả của tác phẩm. Thế nhưng, những nhận định này sẽ hoàn toàn bị đánh bại bởi các vụ tranh giả tuồn lên sàn đấu giá quốc tế gây chấn động dư luận thời gian vừa qua. 

Ông Minh "hàng chỉ" (nhà sưu tầm Nguyễn Minh) trong một lần trả lời phỏng vấn đã chia sẻ, ông cảm thấy yên tâm tuyệt đối với các nhà đấu giá quốc tế. Chính vì thế, không chỉ ông mà các nhà sưu tầm trong nước đều cất công, bỏ của bay từ Việt Nam ra nước ngoài. Việc sở hữu một tác phẩm nghệ thuật của các danh họa Việt Nam trên sàn đấu giá quốc tế làm cho ông tin rằng, ông đang nắm trong tay tác phẩm độc bản. 

Tuy nhiên, những lập luận và nhận định này của các nhà sưu tầm đều ngã ngửa trước hàng loạt bức tranh giả của các họa sĩ Đông Dương được đưa lên sàn đấu giá quốc tế thời gian gần đây. Điều đó đủ nói lên, vấn nạn tranh giả xuất hiện ở hầu hết các quốc gia và thương hiệu của các nhà đấu giá nổi tiếng vẫn không đủ đảm bảo cho hai chữ "tranh thật". 

Vụ tranh giả chấn động dư luận năm 2019 là việc nhà đấu giá danh tiếng Sotheby's Hong Kong đã công khai tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam như: Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng trên trang web, để các nhà sưu tầm tham khảo trước khi đưa lên sàn đấu giá vào ngày 6-10.

Những vụ tranh giả tuồn lên sàn đấu giá quốc tế gây chấn động dư luận ảnh 1

Tranh giả của họa sĩ Trần Văn Cẩn được nhà đấu giá Sotheby's Hong Kong chào bán

Ngay lập tức, cả 4 tác phẩm này đã bị giới họa sỹ Việt "bóc mẽ" là tranh chép, tranh giả của 4 bậc thầy hội Việt Nam. Trong đó, 2 bức "Lá thư" và "Hai cô gái trước tấm bình phong" của Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn đang được bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ và trưng bày. Còn 2 bức của Nguyễn Sáng và Nguyễn Gia Trí là tranh nhái phong cách.

Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của giới truyền thông và giới mỹ thuật trong nước, sau đó, nhà đấu giá Sotheby's Hong Kong đã lặng lẽ gỡ tác phẩm mà không một lời giải thích.

Trước đó, bức tranh "Đời sống gia đình" của danh họa Lê Phổ dù bị nghi ngờ nhưng vẫn được nhà đấu giá này bán với giá hơn 1 triệu đô la. Đó là bức tranh vẽ người thiếu phụ có 2 bàn tay trái, sai nghiêm trọng về mặt giải phẫu.

Sự việc nhà đấu giá Sotheby's vừa lắng xuống được ít bữa, lão họa sĩ Nguyễn Thụ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam lại kêu cứu vì nhà đấu giá nổi tiếng của Pháp (Aguttes) đã công khai rao bán một bức tranh sơn mài mang tên Nguyễn Thụ, dù cả đời ông không vẽ một bức sơn mài nào. Bức tranh này được đánh giá là "xấu đau xấu đớn", khác hẳn với phong cách hội họa mềm mại, đầy trữ tình, giàu nhạc điệu miền núi và Á Đông của họa sĩ Nguyễn Thụ. 

Rất may, bức tranh đã không có người tìm mua nhưng đã đánh động các nhà sưu tầm trong nước về tính xác đáng và tin cậy của các sàn đấu giá. 

Gần đây nhất, việc tranh giả danh họa Bùi Xuân Phái và họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Tiến Chung tiếp tục được nhà đấu giá nổi tiếng Drouot (Pháp) chào bán trên mạng online, đã tạo nên những chấn cơn địa chấn về mua bán tranh tại các sàn quốc tế. Chẳng khó khăn, 2 bức tranh này lập tức được chỉ mặt rằng đó là tranh giả, tranh nhái với những nét vẽ... rất tệ. 

Những vụ tranh giả tuồn lên sàn đấu giá quốc tế gây chấn động dư luận ảnh 2

Bức tranh "Hai cô gái bên bức bình phong" của Trần Văn Cẩn hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Cho đến nay, số phận 2 bức tranh này đều không mấy người nắm rõ do nhà đấu giá công khai kết quả ở mức hạn chế, trên tạp chí riêng của mình. Và giới mỹ thuật trong nước đều mong rằng, các nhà sưu tầm sẽ là những người thẩm định khôn ngoan. 

Những sự việc về tranh giả trên sàn đấu giá quốc tế có lẽ sẽ còn tiếp tục được nối dài trong phong trào sưu tầm tranh của các họa sĩ Đông Dương. Thực tế cho thấy, không ít nhà sưu tầm đã trở nên giàu có nhờ thú chơi đầy tao nhã này. Và vì độ khan hiếm cũng như đắt đỏ của các tác phẩm được định giá triệu đô nên các tay làm tranh giả đều nhằm vào danh họa và tên tuổi bậc thầy của nền hội họa Việt Nam. 

Những vụ tranh giả tuồn lên sàn đấu giá quốc tế gây chấn động dư luận ảnh 3

Bức tranh sai về giải phẫu, vẽ người phụ nữ có hai bàn tay trái được Sotheby's đề của danh họa Lê Phổ 

Điều này đã nảy sinh ra một thực tế nực cười rằng, các họa sĩ Đông Dương sau khi mất còn sáng tác nhiều hơn cả khi còn sống. Đó là sự phi lý không thể chối cãi và các vụ mua bán tranh giả cần được phanh phui. 

Sàn đấu giá quốc tế dù được gắn những cái tên, những cái mác rất kêu cũng khó tránh khỏi những sơ suất. Và thẳng thừng mà nói, các nhà sưu tầm cũng nên coi sàn đấu giá quốc tế dù trực tiếp hay online cũng giống như một phiên chợ bày bán các mặt hàng. Người thông minh và tỉnh táo sẽ hiểu, món hàng nào đáng giá để bỏ tiền ra mua. Còn quá cả tin, việc rước lấy những món hàng đắt đỏ mà ôi thiu cũng chả phải chuyện không tưởng.