Những vụ “án mờ” và kết cục dở dang!

ANTĐ - “Án mờ” là thuật ngữ dùng để chỉ những vụ án không tìm ra thủ phạm hoặc có thủ phạm, nhưng chứng cứ kết tội không rõ ràng và thuyết phục. Kết tội hay tuyên bị cáo vô tội trong những vụ án như thế này luôn là câu hỏi vô cùng khó, làm đau đầu những người “cầm cân”.

Kết không được, bác không xong

Từng 4 lần được đưa ra xét xử và cũng từng ấy lần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng tới nay vụ án Trần Minh Anh (SN 1961, trú ở phường Đội Cấn, Ba Đình, ảnh) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn chưa thể đi đến hồi kết.

Năm 2007, Trần Minh Anh cùng mẹ vợ là bà Bùi Thị Minh đến phòng giao dịch của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt Hà Nội (Công ty Chứng khoán Bảo Việt) để mở tài khoản mua bán chứng khoán. Khi nộp hồ sơ, Minh Anh là người điền các nội dung vào tờ khai, đồng thời ký tên bà Minh vào mục chủ tài khoản. Ngay sau đó mẹ con bà Minh gửi hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản này. Trong quá trình mua bán chứng khoán (từ 16-7-2007 đến

30-1-2008), Trần Minh Anh nhiều lần làm thủ tục rút gần hết số tiền trên. Gần 1 năm sau, bà Minh mới đến doanh nghiệp này rút tiền thì nhận được thông báo số dư chỉ còn lại hơn 9 triệu đồng. Cho rằng con rể đã lừa tiền của mình, bà Minh liền làm đơn tố cáo.

Sau khi điều tra bổ sung, bị hại bất ngờ được thay đổi từ bà Minh sang Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Tuy nhiên, lạ một điều là người đã đứng ra khắc phục một phần hậu quả trong vụ án lại chính là Công ty Chứng khoán Bảo Việt thông qua các phiếu nộp tiền trị giá 1,5 tỷ đồng của một số cán bộ, nhân viên liên quan. Mặt khác trong tất cả các lần ra tòa, Trần Minh Anh đều cho rằng số tiền hơn 3 tỷ đồng trong tài khoản giao dịch chứng khoán tên bà Minh là của anh ta và chị Trần Kim Ngân (vợ bị cáo và là con bà Minh) gửi từ nước ngoài về. Việc bị cáo dùng tên của bà Minh mở tài khoản mua bán chứng khoán đã được bàn bạc với vợ từ trước, và thực tế là nhiều lần anh ta rút tiền đều có bà Minh chứng kiến.

Ngoài những vấn đề nêu trên, vụ án còn có nhiều tình tiết không rõ ràng, chưa đủ cơ sở chứng minh có hay không có hành vi lừa đảo. Đặc biệt là việc xác định mối quan hệ hôn nhân giữa bị cáo với chị Trần Kim Ngân tại thời điểm bà Minh nhận tiền do con gái gửi về. Trước hàng loạt tình tiết mâu thuẫn và không thật sự thuyết phục trong vụ án nên đến nay TAND TP Hà Nội vẫn chưa thể đưa ra được phán quyết cuối cùng, cho dù đã hơn 3 năm trôi qua.

Bị hại “cài bẫy” bị cáo?!

Tương tự, vụ án Dương Thị Hường (SN 1965, trú ở số 18, ngõ 33 phố Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội) bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng chứa đựng rất nhiều uẩn khúc. Theo truy tố, giữa tháng 10-2010, thông qua Hoàng Ngọc Hùng, Phan Thu Hà (trú ở quận Ba Đình) ký hợp đồng mua quyền góp vốn sở hữu 2 căn hộ tại chung cư TINCOM Pháp Vân. Hai bên thống nhất, bên mua giao trước 50% giá trị tài sản, tương ứng với 1,827 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, chị Hà và bà Vũ Kim Xuyến (trú ở quận Hoàn Kiếm) còn góp vốn với Hường mua 2 căn hộ khác tại chung cư trên với giá cả và số tiền đặt trước “y trang” trường hợp anh Hùng đứng tên. Mặc dù 2 bản hợp đồng góp vốn giữa Hường với anh Hùng và giữa Hường với chị Hà, bà Xuyến là khác nhau nhưng đối tượng tài sản lại có cùng diện tích, vị trí... Sau khi nhận tiền, Hường không làm thủ tục sang tên quyền mua các căn hộ cho chủ sở hữu mới mà thay vào đó là viết giấy nợ. Do Hường không trả lại tiền nên các bị hại tố cáo ra cơ quan chức năng.   

      

Nhìn vào hình thức, vụ án đơn giản chỉ có vậy. Tuy nhiên, một số tài liệu trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa mới đây lại không hẳn như thế. Tại tòa, Dương Thị Hường khẳng định hợp đồng góp vốn mua nhà giữa bị cáo và các bị hại chỉ là hợp đồng “ma” do 2 bên cùng bàn bạc và tạo lập, sở dĩ phải ký kết các bản hợp đồng này là vì bị ép buộc. Ngay cả hàng loạt giấy tờ trả một phần nợ sau khi có hợp đồng góp vốn cũng tương tự, chị ta bị ép buộc viết theo hướng lừa đảo. Bị cáo khẳng định, người ép buộc chị ta là Ngô Việt Anh, con trai của bà Xuyến. Giải thích về điều này, Hường trình bày, do chị ta vay của Ngô Việt Anh hơn 1 tỷ đồng với lãi suất cao, chưa có khả năng chi trả ngay nên đã bị “cài bẫy”.

Trước lời khai của bị hại, bị cáo cùng người có quyền lợi liên quan rất mâu thuẫn và bằng “niềm tin nội tâm” của mình, chủ tọa phiên xét xử này đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tới đây, Dương Thị Hường sẽ được đưa ra xét xử lần 2, song với những gì đã diễn ra chẳng ai biết vụ án sẽ có kết cục như thế nào?!