Những ưu tiên trong hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ một nước tiếp nhận viện trợ, Việt Nam ngày nay là một nhân tố đóng góp cho hòa bình và phát triển trên thế giới, đi tiên phong trong các nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở nhiều địa bàn cũng như tham gia Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền với nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy quan tâm và lợi ích của các nước đang phát triển.

Liên hợp quốc - người bạn, đối tác tin cậy của Việt Nam

Bên lề Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đang diễn ra ở New York (Mỹ), Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc ngày 23-9 với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi. Đây cũng là dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức đa phương về hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển lớn nhất hành tinh này (20-9-1977 / 20-9-2022).

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 23-9

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 23-9

Trong cuộc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh bày tỏ tình cảm chân thành và sự tri ân sâu sắc của Việt Nam tới Liên hợp quốc - người bạn, đối tác tin cậy luôn đồng hành cùng Việt Nam qua các giai đoạn phát triển, cũng như tới cá nhân Tổng Thư ký Antonio Guterres. Phó Thủ tướng Thường trực tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc cùng các nước thành viên và lãnh đạo Liên hợp quốc thúc đẩy các chương trình nghị sự chung quan trọng, từ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững cho đến gìn giữ hòa bình tại các khu vực trên thế giới…

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ những tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đánh giá cao những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong thời gian qua đối với công việc chung của Liên hợp quốc. Người đứng đầu tổ chức toàn cầu này khẳng định, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, chuyển đổi công bằng, nhất là về khả năng tiếp cận tài chính; đồng thời kỳ vọng Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò hơn nữa, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Nhìn lại 45 năm hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, chúng ta luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của tổ chức đa phương này trong những ngày đầu mới trở thành thành viên Liên hợp quốc trong giai đoạn nước ta còn hết sức khó khăn, tái thiết đất nước sau chiến tranh và bắt đầu công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh còn chịu thêm bao vây, cấm vận. Có thể thấy, Liên hợp quốc đã luôn hỗ trợ Việt Nam vượt qua thời kỳ khó khăn ấy. Có những thời điểm viện trợ của Liên hợp quốc lên tới 60% tổng viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, nhất là khi nước ta phải chịu bao vây, cấm vận.

Trong giai đoạn hiện nay, Liên hợp quốc cũng luôn là đối tác hàng đầu trong hỗ trợ Việt Nam triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, trong suốt 45 năm qua, Việt Nam cũng có những đóng góp hết sức tích cực vào nâng cao vai trò của Liên hợp quốc, xây dựng hệ thống luật pháp quốc tế, xây dựng các chuẩn mực quốc tế để tất cả các nước cùng tuân thủ, vì một xã hội công bằng, phát triển, cũng như đảm bảo hòa bình, an ninh cho thế giới.

Có thể nói, những thành công của Việt Nam suốt 45 năm qua của quá trình đổi mới và phát triển đất nước cũng chính là những thành công của Liên hợp quốc, hướng đến mục tiêu một thế giới phồn vinh, thịnh vượng và hòa bình, ổn định cho mọi người dân. Đối với những mục tiêu phát triển bền vững hay mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đặt ra trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai hết sức tích cực, thành công, cho thấy rằng những mục tiêu của tổ chức đa phương này đề ra cho cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Đóng góp thiết thực, trách nhiệm vào các sứ mệnh của Liên hợp quốc

Chia sẻ về chặng đường phát triển đất nước hơn 7 thập kỷ qua cũng như những đóng góp nổi bật của Việt Nam kể từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc cách đây 45 năm, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh sự tương đồng về những giá trị và nguyên tắc quan trọng đã tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác, đối tác giữa Việt Nam và tổ chức này. Những giá trị mà Liên hợp quốc thúc đẩy cũng chính là những giá trị mà nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ đã chiến đấu và hy sinh xương máu để bảo vệ, đó là hòa bình, độc lập dân tộc và công lý.

Những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực đạt được đã tạo nên diện mạo và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày nay. Từ một nước bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam nay đã trở thành một thị trường năng động với gần 100 triệu dân, là điểm đến của các nhà đầu tư lớn từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ và hàng triệu du khách quốc tế, là đối tác tin cậy của các nước và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng.

Từ một nước tiếp nhận viện trợ, Việt Nam ngày nay là một nhân tố đóng góp cho hòa bình và phát triển trên thế giới, đi tiên phong trong các nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở nhiều địa bàn cũng như tham gia Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền với nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy quan tâm và lợi ích của các nước đang phát triển.

Việt Nam đã đóng góp vào thực hiện các sứ mệnh của Liên hợp quốc thông qua những sáng kiến, đề xuất đưa ra trong hai lần đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và vai trò thành viên các tổ chức thuộc Liên hợp quốc. Trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trên toàn cầu, Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hàng năm; cùng với Đức khởi xướng và trở thành nước sáng lập Nhóm Bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ra mắt cuối tháng 6-2021.

Hiện Việt Nam đang là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế; thành viên của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023; thành viên của Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO); thành viên của Hội đồng khai thác Bưu chính thế giới (POC) nhiệm kỳ 2022-2025. Từ giữa tháng 9-2022, Việt Nam đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành một trong những Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 và đảm nhiệm vị trí này trong vòng 1 năm.

Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động khó lường, Việt Nam ủng hộ và cam kết mạnh mẽ với vai trò của Liên hợp quốc trong việc dẫn dắt, điều phối các nỗ lực đa phương nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu. Với tinh thần đó, Việt Nam mong muốn bạn bè quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 để Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc của Liên hợp quốc trong một sứ mệnh quan trọng là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.