Những “trận chiến” giữ bình yên cho Thủ đô vượt qua đại dịch (Bài 3): Những cuộc chạy đua tính bằng giây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Âm thầm và lặng lẽ, virus SARS-CoV-2 bất ngờ “đánh úp” vào Hà Nội ở thời điểm hầu như người dân không thể ngờ. Tuy nhiên gần như ngay lập tức, hệ thống ứng phó khẩn cấp của Thủ đô được kích hoạt. Cả bộ máy nhiều thành phần đã vận hành vô cùng nhịp nhàng với công suất tối đa để ngăn chặn bệnh dịch nguy hiểm. Trong cuộc đua nước rút ấy, ở mọi vị trí tiền tiêu, luôn sáng ngời tinh thần, ý chí của các chiến sỹ công an.
CATP Hà Nội làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát cửa ngõ đường bộ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận để phòng chống dịch Covid-19

CATP Hà Nội làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát cửa ngõ đường bộ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận để phòng chống dịch Covid-19

Hành động quyết liệt ở “điểm nóng” đầu tiên

Tối 6-3-2020, thông tin về việc phát hiện bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19 tại phường Trúc Bạch, Ba Đình (Hà Nội) đã gây “sốc” dư luận, đặc biệt tại Thủ đô. Đây có thể xem là thời điểm khởi phát của những phức tạp dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Trung tá Lê Anh Quang - Trưởng Công an phường Trúc Bạch nhớ lại: “Lúc 18h chúng tôi nhận được thông tin từ cấp có thẩm quyền. Lập tức, Ban chỉ huy công an phường triệu tập họp toàn bộ cán bộ chiến sỹ. Những công việc phải làm ngay đã định hình, dù chưa hề có một… giáo án hay phương pháp chung nào trước đó”..

Cho đến giờ, “bệnh nhân số 17” là một từ khóa rất dễ tìm kiếm và thực sự để lại… nhiều cảm xúc trên mạng xã hội. Đối với những người trong cuộc, cô gái trẻ ấy trước hết là nạn nhân của dịch bệnh, bởi thực tế là giặc Covid-19 không chừa một ai. Trung tá Lê Anh Quang chia sẻ, phương pháp của những trận đánh đối với “giặc” Covid-19 không được giảng dạy nhiều ở các giáo trình, trường lớp. Thế nhưng, nó lại hội tụ tương đối đầy đủ ở các mặt công tác công an, đó là nắm chắc tình hình, điều tra cơ bản, thuộc kỹ từng con người, khu phố, đặc biệt phát huy được yêu cầu “ứng trực, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ nhân dân” 24/24h của ngành công an.

Bệnh nhân số 17 là ca đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Hà Nội. Sự khởi đầu bao giờ cũng đầy những khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy. Xác định và khoanh vùng trường hợp F0 chỉ là một phần việc, điều hết sức quan trọng là rà kỹ, nhanh, chính xác, đảm bảo không sót lọt các trường hợp F1, F2, F3, thậm chí F4, để ngăn ngừa tối đa nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Hành trình rà soát ấy có đóng góp đặc biệt quan trọng của lực lượng công an, thông qua công tác điều tra cơ bản, quản lý, nắm bắt nhân hộ khẩu, qua chủ trương “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.

Hiểm nguy và nhiều rủi ro, nhưng thực tế cho thấy, dịch bệnh Covid-19 lại là phép thử lớn để lực lượng công an chứng tỏ là điểm tựa vững chắc của nhân dân. Tại hàng chục điểm chốt cách ly, bất kể là đêm mưa hay ngày hè nóng cháy, các chiến sỹ luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của người dân. Không ai bảo ai, bà con khu phố người đun ấm nước vối, người mang bịch sữa, người mang bánh… bởi “không thể đành lòng nhìn các anh trực liên tục suốt 24/24h”.

Ngay trong tối 6-3, Công an phường Trúc Bạch đã tham mưu, đề xuất nhiều biện pháp quyết liệt cho “Ban chỉ đạo đáp ứng khẩn cấp phòng dịch viêm đường hô hấp cấp trên địa bàn” vừa được thành lập. Công an phường cũng đã triển khai các tổ công tác sẵn sàng thực hiện rà soát, theo dõi người cách ly, cung ứng thực phẩm. Chốt trực ở phố Trúc Bạch được triển khai ngay trong đêm 6-3 và những ngày tiếp đó, có tổng cộng 7 chốt trực 24/24h được mở ở 3 địa điểm cách ly: Trúc Bạch, Nguyễn Khắc Nhu và Yên Ninh. Tại đây, các chiến sĩ công an đảm nhiệm vai trò chủ lực.

Những ngày đầu tháng 8 này, ngồi với Trung tá Lê Anh Quang, hỏi đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp Trúc Bạch “vượt khó”? Người chỉ huy trẻ tuổi đúc kết, đó là sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của cơ quan cấp trên. Là sự ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ của các ngành, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn, và không thể thiếu là sự phối hợp ăn ý, trách nhiệm của các đơn vị công an cơ sở có công dân liên quan đến trường hợp bệnh nhân số 17.

CAP Trúc Bạch giúp người dân mua nhu yếu phẩm trong đợt cách ly do dịch Covid-19

CAP Trúc Bạch giúp người dân mua nhu yếu phẩm trong đợt cách ly do dịch Covid-19

Gần 1 tháng cao điểm ở Trúc Bạch với tổng cộng 17 trường hợp được đưa đi cách ly tập trung; 323 y bác sĩ, bệnh nhân, người dân tiếp xúc gần với ca bệnh số 17… kết quả xét nghiệm sau đó đều âm tính, dịch bệnh không bị lan ra cộng đồng, những kết quả ấy là tổng hòa giải pháp của các đơn vị mà trong đó lực lượng công an cơ sở đã có đóng góp hết sức quan trọng.

Thiếu tá Đào Công Chiến - Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn dân cư nơi bệnh nhân số 17 cư trú nhớ lại, ngay trong đêm 6-3 công an phường phối hợp với các lực lượng chức năng đã đưa 6 trường hợp F1 và 14 trường hợp có liên quan ở phố Trúc Bạch đi cách ly tại bệnh viện. “Kể từ khi nhận được “tin dữ”, Ban chỉ huy công an phường đã định hình ngay yêu cầu nhiệm vụ đối với lực lượng Cảnh sát khu vực” - Thiếu tá Đào Công Chiến kể. Liên tục những cuộc gọi đến bệnh viện để nắm lại thông tin dịch tễ của bệnh nhân số 17.

Từng phản hồi sẽ lập tức được báo cáo về chỉ huy công an phường để triển khai xác minh. Camera quanh những địa điểm đó được khai thác tối đa hình ảnh nhằm xác định các trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân số 17. “Hay nhất là thông tin và sự phối hợp trách nhiệm giữa công an cơ sở. Mỗi khi chúng tôi thông báo, bất kể thời gian nào cũng đều được đồng đội, đồng chí ở địa bàn khác nhanh chóng vào cuộc. Anh em còn chủ động đến từng nhà dân để nắm bắt đường đi thuận tiện nhất, sau đó đưa cán bộ y tế vào triển khai biện pháp cách ly” - Thiếu tá Đào Công Chiến cho biết.

Chúng tôi hỏi Trung tá Lê Anh Quang: “Trực ở các chốt cách ly luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Và đến từng nhà dân khi đó để rà soát, thông báo, nguy cơ cũng tăng gấp đôi. Khi ấy liệu các anh có cảm thấy e dè?”. Người chỉ huy trẻ cười: “Trước tiên, anh em đều được trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ phòng chống lây nhiễm. Nhưng quả tình ở thời điểm ấy, bối cảnh đặt ra những yêu cầu cấp bách khiến chẳng ai có thời gian để nề hà, lo lắng. Tâm niệm duy nhất là phải rà soát thật nhanh, thật sớm, thật chính xác, để nhanh chóng chặn bằng được mọi nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Lo sợ ư? Bảo không sợ thì không đúng. Nhưng lớn hơn sự sợ hãi là trách nhiệm người lính”...

Cán bộ chiến sĩ Bệnh viện CATP Hà Nội phục vụ bữa ăn trưa cho những người cách ly để theo dõi dịch Covid-19 (Ảnh: LAM THANH)

Cán bộ chiến sĩ Bệnh viện CATP Hà Nội phục vụ bữa ăn trưa cho những người cách ly để theo dõi dịch Covid-19 (Ảnh: LAM THANH)

Cuộc chiến vẫn ở phía trước

Hiểm nguy và nhiều rủi ro, nhưng thực tế cho thấy, dịch bệnh Covid-19 lại là phép thử lớn để lực lượng công an chứng tỏ là điểm tựa vững chắc của nhân dân. Tại hàng chục điểm chốt cách ly, bất kể là đêm mưa hay ngày hè nóng cháy, các chiến sỹ luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của người dân. Không ai bảo ai, bà con khu phố người đun ấm nước vối, người mang bịch sữa, người mang bánh… bởi “không thể đành lòng nhìn các anh trực liên tục suốt 24/24h”.

“Mùa” dịch bệnh Covid-19 thứ hai đang ở giai đoạn phức tạp. Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội bảo, với đội ngũ y bác sỹ của ngành công an, cuộc chiến chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân còn ở phía trước. Khi đợt dịch thứ nhất bùng phát, Bệnh viện CATP đón nhiều bệnh nhân cách ly bao gồm cả người Việt, người Hàn Quốc, người Trung Quốc… Nhiệm vụ của bệnh viện khi đó là tổ chức phòng dịch trong nội bộ CATP với các biện pháp như phun khử khuẩn cho các đơn vị, tuyên truyền về dịch bệnh đến các cán bộ chiến sỹ.

Ngày 5-2, bệnh viện nhận lệnh sẽ trở thành điểm cách ly tập trung các công dân đến Việt Nam đã từng đi qua vùng dịch. Ngay trong đêm, toàn bộ Ban Giám đốc bệnh viện lập tức cùng các y bác sỹ, chiến sỹ của đơn vị sửa sang cải tạo khu vực tầng 5 và tầng 6 của đơn vị để sẵn sàng tiếp đón người cách ly.

Đây vốn là những căn phòng dành cho cấp chỉ huy các đơn vị trong CATP về học tập tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ nên cơ sở vật chất khá khang trang với 44 phòng, mỗi phòng 2 giường với đầy đủ tiện nghi. Để biến thành khu cách ly đạt chuẩn, lãnh đạo bệnh viện đã liên lạc với Sở Y tế Hà Nội để tham khảo, nhằm cải tạo, gia cố cho phù hợp. Chưa đầy 1 tuần sau đó, những công dân đầu tiên đã được đưa đến đây để cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Dứt dịch, tất cả ra viện an toàn, khỏe mạnh. Đến “mùa” 2 này, tính sơ sơ đã có hơn 60 trường hợp được chuyển đến Bệnh viện CATP. “Hơn 20 năm trong nghề y, chưa bao giờ chúng tôi phải đối mặt với thứ bệnh dịch bằng tinh thần “chống dịch như chống giặc” cả. Đó là một khái niệm còn rất mới. Dù ai cũng mong chờ đến ngày chiến thắng, nhưng tất cả vẫn luôn xác định sẽ sẵn sàng có mặt tại mặt trận bất cứ lúc nào. Cuộc chiến vẫn còn ở phía trước và những người lính sẽ không bao giờ quên nhiệm vụ của mình” - bác sỹ Hiền nói.

Lần gặp bác sỹ Hiền vào ngày cuối cùng của “mùa” dịch thứ nhất, khi chị trở về nhà sau 15 ngày túc trực liên tục tại bệnh viện, bất ngờ đầu tiên là mái tóc dài ngày nào giờ đã… ngắn trên cả vành tai. “Cắt đi để gọn gàng hơn khi mặc trang phục bảo hộ, biết đâu vì thế trông mình lại trẻ ra” - vị bác sỹ dí dỏm. Song, chúng tôi hiểu rằng, chị và đồng đội đã chưa một phút lơ là với nhiệm vụ.

Vào trận bằng tâm thế của người lính

Khi nhận được chỉ đạo của cấp trên về việc sẵn sàng đón các trường hợp cách ly, cấp ủy, chỉ huy đơn vị không tránh khỏi lo lắng cả về cơ sở vật chất lẫn kinh nghiệm, trình độ chuyên môn. Song, thời gian không có nhiều cho nỗi lo. Tất cả nhanh chóng thống nhất sẽ vào trận bằng tâm thế người chiến sỹ Công an nhân dân, tận tâm nhất, sẵn sàng đương đầu rủi ro để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người cách ly. Cứ thế, vừa làm vừa học, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc y tế trong phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt, luôn giúp người cách ly có được tâm lý thoải mái, yên tâm nhất.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền - Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Phòng Hậu cần CATP, Phó Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội

(Còn tiếp)

Bài 4: Phòng ngừa, đánh mạnh tội phạm “mùa Covid-19"