Những “trận chiến” giữ bình yên cho Thủ đô vượt qua đại dịch (bài 1): Diệt tin giả mùa dịch Covid-19 để an dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - LTS: Chủ lực trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự là nhiệm vụ của lực lượng công an. Khi đất nước và Thủ đô Hà Nội có “giặc” Covid-19, họ lại quên mình lao vào trận chiến, đối đầu với kẻ thù vô hình bằng tâm thế sẵn sàng vì nhân dân phục vụ. Sau 99 ngày tạm lắng, dịch bệnh Covid-19 quật trở lại với những diễn biến cực kỳ phức tạp khi có ca lây nhiễm bị phát hiện ở Hà Nội. Tâm lý chủ quan đã kịp hình thành ở một bộ phận người dân, song với các chiến sĩ công an, họ chưa một phút lơ là. Những bài học, phương pháp, kinh nghiệm chống “giặc” ngày càng được trau dồi để cùng cộng đồng sớm chiến thắng dịch bệnh.

Suốt thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có một thực tế là số trường hợp đối tượng bị xử lý về hành vi thông tin thất thiệt lớn hơn nhiều lần so với các ca dương tính với virus. Trong bối cảnh ấy, lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao cùng công an các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã phối hợp tích cực để xác minh, xử lý các đối tượng đưa tin giả. Động thái này đã góp phần định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ.

Lực lượng công an dựng lại hiện trường đối tượng soạn thông tin giả trên máy tính

Lực lượng công an dựng lại hiện trường đối tượng soạn thông tin giả trên máy tính

Tin giả dai dẳng và nguy hiểm

Đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội nhận thức sâu sắc hiểm họa của tin giả cũng giống như các bác sĩ bước vào cuộc chiến mặt đối mặt với virus Corona. Đa có 350 trường hợp tung tin giả về dịch bệnh Covid-19 bị xử phạt ở đợt bùng phát dịch lần 1 và hiện tại lại manh nha xuất hiện ở đợt bùng phát dịch lần 2.

Ngày 23-1-2020, Việt Nam ghi nhận ca bệnh đầu tiên dương tính với Covid-19, sau đó trong khoảng thời gian đến ngày 13-2 ghi nhận thêm 15 trường hợp khác. Với thế trận y tế cộng đồng được khởi động rộng khắp, Việt Nam hoàn toàn tự tin về khả năng điều trị thành công căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người tại Trung Quốc thời điểm ấy. Thế nhưng, ngày 6-3, khi bệnh nhân số 17 xuất hiện tại Hà Nội thì như một cơn bão trên mạng xã hội, những tin giả đã liên tục ập đến cùng bệnh dịch.

Với nhiều người dân Hà Nội, đêm mùng 6 và cả ngày 7-3 sẽ mãi là thời điểm đáng nhớ. Nhiều siêu thị đồng loạt “cháy” hàng. Nhà nhà, người người nhao đi mua thực phẩm. Tại một khu đô thị lớn ở quận Hai Bà Trưng, những thông tin thất thiệt đã gây xôn xao dư luận. Và mọi chuyện chỉ dần trở lại ổn định khi lực lượng công an và cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc với trọng tâm là “quét” sạch tin giả, tin thất thiệt. Lòng dân yên trở lại. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đảng, Nhà nước, toàn quân và toàn dân đã đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 bằng nỗ lực cao nhất, tham gia tích cực trên mọi mặt của công tác phòng chống dịch. Nhưng sự nỗ lực không ngừng lại nhận được phản hồi bằng những thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Mục đích của các đối tượng thường đăng tin nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi của mình và phục vụ mục đích cá nhân. Trong số đó có cả những người hoạt động nghệ thuật, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Khi có được nguồn tin từ người nổi tiếng, một số cá nhân không kiểm chứng đã vội vàng chia sẻ lên trên trang cá nhân tạo thành luồng dư luận xấu.

“Covid-19 phát tán qua mạng 5G”, “Sử dụng đồ uống có cồn giúp phòng chống lây nhiễm Covid-19”, “Ăn tỏi để không bị nhiễm Covid-19”… đó là những thông tin sai lệch về dịch Covid-19. Hậu quả của những tin đồn thất thiệt này không chỉ dừng lại ở việc cản trở công tác chống dịch, gây ra bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng của người dân nếu làm theo những chỉ dẫn này. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng phải định danh “đại dịch tin giả” (infodemic), và đưa ra cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”. Không quá để nói rằng, tác hại của tin giả và những hành động “chia sẻ” thiếu kiểm chứng sẽ phá hoại công sức phòng chống dịch.

Cá nhân đăng tin đồn thất thiệt trong mùa dịch Covid-19 bị xử lý nghiêm

Cá nhân đăng tin đồn thất thiệt trong mùa dịch Covid-19 bị xử lý nghiêm

Thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho thấy, kể từ khi bệnh nhân số 17 xuất hiện đến khi chúng ta trở lại trạng thái “bình thường mới”, có hơn 300.000 tin giả được chia sẻ trên mạng. Đã có 350 cá nhân đã bị ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất lên tới 15 triệu đồng. Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, Việt Nam lại đối diện với Covid-19. Và cũng thật bất ngờ, cái thứ virus xấu, độc, mang tên “tin giả” vẫn xuất hiện. Không còn là thông tin dịch tễ của bệnh nhân, cách phòng chữa bệnh, mà lần này lại là đối tượng đã xuyên tạc cả phát ngôn của lãnh đạo Chính phủ về phòng ngừa dịch bệnh cũng như những cách thức có thể... chữa Covid-19.

“Trận chiến” khó xác định không gian và thời gian

Đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng và lan ra các tỉnh, thành phố khác trong đó có Hà Nội và TP.HCM, đã có rất nhiều cá nhân bị xử phạt hành chính vì đăng tải, lan truyền tin giả. Trong đó có cả những nghệ sĩ nổi tiếng hay những công chức Nhà nước.

Thiếu tá Vũ Việt Anh - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, thuộc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) nhìn nhận, việc tung tin thất thiệt sẽ làm nhiễu loạn thông tin thật, tạo tâm lý hoang mang, tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Hành vi đó tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch của nước ta. Nhớ lại thời điểm đầu năm 2020, khi tin giả về việc Việt Nam đã bào chế được vaccine phòng Covid-19 được tung ra, một đối tượng đã ngay lập tức quảng cáo rằng mình có nguồn vaccine. Hàng chục bị hại đã chuyển khoản cho anh ta để mua thuốc rồi nhận về cái kết đắng. Phải chặn đứng tin giả, có vậy, lòng dân mới an - quyết tâm ấy được Đảng ủy, Ban chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) xác định rõ. “Đó là cuộc chiến không có không gian và thời gian. Nước ta hiện có khoảng 60 triệu tài khoản mạng xã hội. Cá nhân đăng thông tin lên trang của mình là thật, nhưng mạng hoàn toàn là ảo. Để xác định danh tính của cá nhân đó là điều không hề dễ dàng, thậm chí còn là sự may rủi trong quá trình điều tra” - Thiếu tá Vũ Việt Anh cho biết.

Một trường hợp tung tin giả bị lực lượng chức năng Công an thành phố Hà Nội xử lý

Một trường hợp tung tin giả bị lực lượng chức năng Công an thành phố Hà Nội xử lý

Khi một thông tin giả được đăng tải thì liền sau đó là những ngày trinh sát phải vào cuộc truy tìm người làm việc đó. Trung tá Đinh Thị Thu Thủy - Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bày tỏ: “Hiện chỉ Công an Hà Nội mới có Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Do đó khó khăn đủ bề từ trang thiết bị đến con người. Đối tượng đấu tranh của chúng tôi lại là con người ảo trong không gian đa chiều, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải 24/24h bám và kiểm soát, cập nhật thông tin từng giây, từng phút...”. Vượt qua hết thảy những khó khăn, vượt qua cả những ngày giãn cách xã hội, với sự đam mê và lòng quyết tâm, cùng sự hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, công an các quận, huyện, thị xã đã xử lý hàng chục cá nhân tung tin giả trên địa bàn Hà Nội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự để nhân dân yên tâm, tin tưởng vào những quyết sách của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch.

Các CBCS Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội ghi lời khai đối tượng tung tin giả (Ảnh chụp thời điểm tháng 3-2020)

Các CBCS Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội ghi lời khai đối tượng tung tin giả (Ảnh chụp thời điểm tháng 3-2020)

Tinh thông công nghệ, quyết liệt giải pháp

Xuyên suốt những trận đánh diệt “giặc” Covid-19 nói chung và tin giả nói riêng, tập thể cấp ủy, Ban chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) xác định phải xây dựng được những giải pháp quyết liệt, bài bản, liên hoàn trong công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản từ thành phố đến cấp phường, xã, thôn, xóm. Và không thể thiếu, đó là mỗi cán bộ chiến sĩ phải tinh thông, luôn trau dồi, học hỏi và làm chủ công nghệ thông tin. Đã là lính an ninh mạng thì phải hơn những kẻ tung tin giả… một cái đầu. Trong không gian đa chiều, với những thông tin cập nhật từng giây, từng phút đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải 24/24h bám thông tin, kiểm soát thông tin, kịp thời xử lý các trường hợp đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh. Qua đó, không chỉ chủ động trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác thông tin giả, sai sự thật trên không gian mạng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trước các thông tin thất thiệt.

Trung tá Đinh Thị Thu Thủy (Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội)

Hãy chia sẻ thông tin một cách thông minh và trách nhiệm

Hà Nội từ cuối tháng 7-2020 cùng cả nước lại bước vào một cuộc chiến đấu mới với dịch Covid-19. Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, tin giả cũng giống như virus, nhưng nó nguy hiểm hơn virus bởi chỉ cần 1 cú click chuột rất nhiều người có thể xem và chia sẻ được nội dung đó. Một mặt họ xem và cười vui, song trong vô thức, người tiếp nhận nội dung sai sẽ dẫn đến tư duy sai, nhưng lại nghĩ thế là đúng. Mạng xã hội không có lỗi, lỗi nằm ở người sử dụng. Ngoài những cơ chế xử phạt, điều quan trọng là mỗi người phải tự trang bị một bộ lọc thông tin. Cập nhật thông tin từ những nguồn chính thống và nghĩ kỹ trước khi chia sẻ bất cứ thông tin nào trên mạng xã hội. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tinh thần đoàn kết, sống có trách nhiệm khi chia sẻ thông tin về dịch bệnh.

Tiến sĩ Trần Thành Nam (Giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội)

(Còn tiếp)

Bài 2: Hạ “sốt”chợ thiết bị y tế, chặn hàng giả, hàng nhái