Những tình huống dễ bị ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

ANTD.VN - Ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh của toàn xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và tác động trực tiếp đến sức khỏe của mọi người. Đặc biệt trong những ngày giáp Tết, khi tình trạng nhập lậu thực phẩm bẩn diễn ra ngày càng nhiều và khó kiểm soát trên thị trường, thì việc ngộ độc thực phẩm là một tất yếu xảy ra. Vậy nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do đâu? Hãy cùng điểm qua những cách lí do dưới đây để có cách bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất nhé.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc

Bò khô, gà xé cay, bim bim, bánh kẹo… được đóng trong những chiếc túi nilon không có tem mác, nhãn hiệu, địa chỉ sản xuất hay hạn sử dụng là một trong những mối nguy hại ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Những thực phẩm này được bày bán rất nhiều trên thị trường, đặc biệt trong những ngày giáp Tết, bởi phù hợp với thị hiếu giới trẻ hiện nay, đồng thời cũng là món ăn vặt được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng uy tín, chất lượng thì còn vô số những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhằm đánh vào tâm lý “ham rẻ” của người tiêu dùng.

Những thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán rất nhiều ngoài chợ trong dịp Tết

Bởi vậy mà, không ít người đã bị ngộ độc từ những món ăn “vui miệng” này. Năm 2018, một bé nam đã phải nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng thiếu máu cấp nặng, sốt cao, tiểu đỏ. Qua thăm khám và xét nghiệm cho thấy, đây là trường hợp cơn tan máu điển hình do nhiễm độc tố. Được biết, trước đó 3 ngày bé trai có ăn thịt bò khô nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc mua ngoài chợ. Điều trùng hợp là, chị họ của cháu bé này cũng ăn và cũng bị đi tiểu đỏ, tuy nhiên tình trạng nhẹ hơn.

Trái cây và rau củ còn dư chất kích thích

Trái cây và rau quả là những mặt hàng không thể thiếu trong những ngày giáp Tết. Bởi bất cứ một chế độ ăn uống nào, rau củ quả và trái cây luôn được khuyến khích sử dụng nhiều nhất vì chúng không chỉ giúp làm sạch hệ đường ruột mà còn giúp cơ thể tái tạo mạnh mẽ, tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật cho con người. Chưa kể đến, chúng còn có công dụng làm giảm viêm trong các cơ quan nội tạng, trí não và động mạch.

Tuy nhiên, trái cây và rau củ quả cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm nếu người tiêu dùng mua phải hàng còn dư chất kích thích, thuốc trừ sâu. Bởi những chất này khi vào cơ thể sẽ để lại những hệ lụy không ngờ tới.

Năm 2016, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn mửa, không tỉnh táo do ngộ độc sau khi ăn ổi vừa phun thuốc kích thích tăng trưởng. May mắn, tình trạng ngộ độc của bệnh nhân không quá nặng, vì thuốc đã được pha loãng, xịt lên cây trong diện rộng nên lượng thuốc bám vào quả không quá nhiều.

Người dùng nên rửa trái cây, rau củ quả dưới vòi nước chảy trước khi sử dụng

Tuy nhiên, ngộ độc do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, diệt cỏ, nấm mốc... đều rất phức tạp và khó phát hiện bằng mắt thường, gây nguy hiểm lớn đến tính mạng con người. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên mua sản phẩm ở những cửa hàng uy tín, đã qua kiểm định của Bộ y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, trước khi sử dụng phải rửa kỹ dưới vòi nước chảy, không dùng xà phòng hoặc các chất tẩy để rửa rau quả; có thể dùng bàn chải nhỏ để cọ rửa các chất bẩn bám trên bề mặt rau quả.

Không bảo quản đồ ăn thừa trong tủ lạnh

Từ lâu, tủ lạnh luôn được coi là nơi bảo quản thức ăn hiệu quả nhất, vì thế khi thức ăn còn thừa, thói quen thường thấy là mọi người cho vào tủ lạnh. Bởi nhiều người cho rằng vi khuẩn sẽ không sống được ở nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn trong khoảng 2 giờ sau khi nấu và cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 5°C và hâm nóng tới nhiệt độ ít nhất là 60°C. Nếu bảo quản nhiệt độ trên 5°C và hâm nóng dưới 60°C cũng đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn.

Lưu ý không bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh để tránh bị ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Canh Tý sắp tới

Cũng theo các chuyên gia, thức ăn thừa nếu được lưu trữ không đúng cách, khi ăn vào rất có thể sẽ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật khác trong cơ thể. Chính vì thế, thức ăn còn thừa dù bảo quản nóng hay lạnh mà không đúng cách đều là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Trong khi đó, tủ lạnh là nơi lưu trữ rất nhiều loại thực phẩm, nên nguy cơ nhiễm khuẩn chéo từ vi khuẩn của thực phẩm sống – chín là rất cao. Chưa kể đến việc, thức ăn sau khi hâm nóng lại sẽ mất hết giá trị dinh dưỡng, mùi vị, thậm chí có thể sinh ra các chất độc hại gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Bởi tất cả lí do nêu trên, người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như nguồn gốc xuất xứ, tem mác, ngày sản xuất cũng như cửa hàng uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, mỗi người cần nâng cao kiến thức trong việc bảo quản thức ăn một cách hợp lý và thông minh để tránh gặp ngộ độc thức ăn, đặc biệt trong dịp Tết Canh Tý sắp tới.