Những thử thách của phóng viên nghị trường

ANTD.VN - Trong cuộc đời làm báo của mình, chắc hẳn không ít người mong muốn một lần được làm “phóng viên nghị trường”, được đeo thẻ bước vào Hội trường Ba Đình theo dõi các kỳ họp của Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV Ảnh: Hồ Như Ý

Mặc dù vậy, những phóng viên đưa tin về các kỳ họp của Quốc hội luôn phải nỗ lực hết mình, chạy đua với thời gian để kịp thời truyền tải những thông tin “nóng” từ nghị trường đến với bạn đọc. Tại đây, phóng viên sẽ được cung cấp các thông tin liên quan đến diễn biến kỳ họp, được trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Với những phóng viên lần đầu theo dõi, để tìm được ĐBQH trả lời đúng, trúng nội dung bạn đọc báo mình đang quan tâm là điều không đơn giản, bởi mỗi đại biểu có thế mạnh riêng và hầu như chỉ am hiểu sâu về lĩnh vực họ phụ trách. 

Ngoài những đại biểu rất nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ, cung cấp thông tin cho báo chí ngay cả trong những giờ giải lao, những phút nghỉ trưa hiếm hoi thì một số đại biểu “ngại” tiếp xúc với báo chí. Bởi những đại biểu này lo ngại ý kiến của mình bị phóng viên cắt xén hoặc biên tập quá đà làm sai lệch hẳn ý cần diễn đạt. Để khắc phục tình trạng này, mỗi phóng viên phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động tác nghiệp, thông tin phản ánh phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực, từ đó dần chiếm được lòng tin của các ĐBQH.

Vinh dự lớn nhưng trách nhiệm nặng nề

Vì mỗi kỳ họp Quốc hội thường diễn ra nhiều ngày, áp lực công việc lớn đã thử thách và rèn luyện cho mỗi phóng viên bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng nhưng vẫn phải linh hoạt trong xử lý các tình huống, tỉnh táo, thận trọng trước những vấn đề “nhạy cảm”. Đã có không ít phóng viên phải bỏ cả bữa trưa tranh thủ phỏng vấn đại biểu… 

Thông thường, mỗi khi phỏng vấn về một vấn đề nào đó, có một số đại biểu xuất hiện trên báo chí với tần suất khá dày đặc. Họ là những người am hiểu khá rộng về nhiều lĩnh vực, cởi mở với báo chí, thay vì tỏ thái độ khó chịu khi bị làm phiền trong những phút nghỉ giải lao ngắn ngủi. Đối với họ, “phóng viên nghị trường” như những người bạn thân thiết. Điều này tạo thuận lợi không nhỏ cho phóng viên khi tác nghiệp.

Khi tham gia tác nghiệp, ngoài thẻ ra vào Quốc hội, mỗi ngày, để lên được hành lang nghị trường, phóng viên phải có thêm Thẻ sự kiện. Do số lượng thẻ có hạn, bị thu lại vào cuối ngày nên để có trong tay tấm thẻ quý giá này, phóng viên phải tranh thủ đến từ rất sớm. Tuy vậy, khi đã có thẻ trong tay, việc tiếp cận ĐBQH cũng không hề đơn giản. Vì thời gian giải lao khá ngắn nên mỗi khi có tiếng chuông báo hiệu giờ nghỉ vang lên, hầu hết phóng viên đang viết bài tường thuật tại Trung tâm báo chí đều bật dậy như lò xo, tay cầm máy ảnh, tay cầm ghi âm vừa đi vừa chạy lên khu vực Hội trường. 

Ở đó, chỉ cần 1 người nêu câu hỏi là hàng chục phóng viên khác ùa vào chĩa máy ghi âm. Đây cũng là lý do dẫn đến tình huống “dở khóc, dở cười” khi có phóng viên sau một hồi nghe đại biểu phát biểu mới nhận ra nội dung không phù hợp với báo mình bèn vội vã đi tìm đại biểu khác phỏng vấn thì đã …hết giờ. 

Nhóm phóng viên nghị trường Báo An ninh Thủ đô tác nghiệp tại Trung tâm báo chí - Tòa nhà Quốc hội

Luôn “nóng” cùng nghị trường

Nghị trường Quốc hội luôn “nóng”, bất kể thời tiết bên ngoài nắng như đổ lửa hay giá rét căm căm, khiến các phóng viên cũng căng như dây đàn. Tại đây, hàng loạt những vấn đề trọng đại của đất nước được các ĐBQH bàn luận, đánh giá và phân tích, biểu quyết, thông qua. Những vấn đề này được phóng viên chuyển tải một cách nhanh chất, dễ hiểu nhất đến mọi tầng lớp nhân dân và cử tri trên hàng trăm tờ báo. 

Vì vậy, khối lượng công việc hàng ngày của một phóng viên là khá lớn, có thể lên đến 6, 7 tin, bài/ngày. Bên cạnh đó, mỗi phóng viên không chỉ viết bài tường thuật các phiên họp mà còn phải tham gia phỏng vấn bên lề, đặc biệt là những vấn đề “nóng” đang diễn ra, cập nhật thông tin thường xuyên cho báo điện tử, báo in, thậm chí làm cả công việc của một quay phim là dựng clip!

Có thể nói, mỗi kỳ họp Quốc hội là khoảng thời gian tác nghiệp đầy vất vả, nhiều áp lực và thử thách nhưng cũng rất thú vị đối với mỗi “phóng viên nghị trường”. Đáng mừng là đến thời điểm hiện tại, hoạt động của phóng viên theo dõi Quốc hội đã thuận lợi hơn rất nhiều. Phóng viên được ngồi tại Trung tâm báo chí kết nối mạng để tác nghiệp. Tài liệu, thông tin cũng được cập nhật thường xuyên, nhanh chóng tại Trung tâm báo chí của Quốc hội. Trong quá trình tác nghiệp, hầu hết các phóng viên đều khá cởi mở, sẵn sàng chia sẻ thông tin và hỗ trợ nhau, song vẫn giữ được bản sắc, đặc trưng riêng của mỗi tờ báo.

Dù công việc bận rộn, căng thẳng song bù lại, “phóng viên nghị trường” được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhiều ĐBQH, những người giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, được tiếp cận sớm, được am hiểu tường tận nhiều quy định mới của pháp luật qua phân tích của các ĐBQH - cơ hội mà không phải phóng viên nào cũng có.