Những thách thức lớn, “nóng” đang chờ tân Giám đốc Sở GTVT Hà Nội giải quyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội ngày một nghiêm trọng hơn, nhất là vào những khung giờ cao điểm hay mưa rét; vận tải khách công cộng chưa tương xứng với kinh phí TP bỏ ra hàng năm để trợ giá; phát triển hạ tầng giao thông quá chậm so với tốc độ đô thị hóa... là các nhóm vấn đề "nóng" đang chờ tân Giám đốc Sở GTVT Hà Nội. 

Ông Nguyễn Phi Thường vừa UBND TP Hà Nội bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thay ông Vũ Văn Viện nghỉ hưu theo chế độ.

Tân Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhận nhiệm vụ tư lệnh ngành giao thông Thủ đô trong bối cảnh bộn bề tồn tại, nhiều thách thức đang chờ đợi để giải quyết.

Các bất cập của giao thông tại Hà Nội hiện nay theo các chuyên gia, nhà quy hoạch đang có các nhóm cơ bản, gồm: Ùn tắc giao thông nghiêm trọng; Phát triển hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển đô thị;

Tỷ lệ vận chuyển của vận tải công cộng thấp và chưa đạt yêu cầu; Vận tải khách mạnh ai người đấy hoạt động, đặc biệt là tình trạng xe limousine hợp đồng nhưng hoạt động như xe khách liên tỉnh gây bát nháo, lộn xộn trên khắp các tuyến phố.

Hệ lụy của việc này là tình trạng “xe dù, bến cóc” diễn biến phức tạp mà không được xử lý.

Ông Nguyễn Phi Thường (thứ hai từ trái sang) vừa được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Sở GTVT

Ông Nguyễn Phi Thường (thứ hai từ trái sang) vừa được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Sở GTVT

Theo các chuyên gia, nhà quy hoạch, thách thức đầu tiên cần được xử lý ngay là tình trạng ùn tắc giao thông đang không có lối thoát trên nhiều tuyến phố. Điều này đang được thể hiện ở số điểm đen ùn tắc trên địa bàn thành phố được liên ngành Thanh tra - CSGT thống kê hàng quý, hàng năm.

Danh sách số điểm đen ùn tắc mỗi năm Sở GTVT Hà Nội xử lý được khoảng 10 điểm nhưng tổng số điểm ùn tắc mới cũng không ngừng gia tăng. Chưa nói đến số kinh phí hàng nghìn tỷ đồng ngân sách bỏ ra cho chống ùn tắc hàng năm, việc chống và kiểm soát số điểm ùn tắc trong mấy năm qua đang có biểu hiện không hiệu quả, nhất là vào các khung giờ cao điểm, trời mưa rét.

Ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội ngày một nghiêm trọng hơn

Ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội ngày một nghiêm trọng hơn

Với vừa giảm được xe cá nhân, vừa chống được ùn tắc, cùng với các giải pháp song song, đồng bộ, TS Trần Danh Lợi, Hiệp Hội Cầu đường Hà Nội cho biết, thời gian qua UBND Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, nghị quyết về phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).

Hiện VTHKCC Thủ đô chỉ trông chờ vào mỗi xe buýt, đường sắt đô thị được xem là “xương sống” nhưng sau hơn 20 năm xây dựng, hiện mới có tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào hoạt động, các tuyến khác chưa biết ngày nào xong.

Theo đánh giá, ngành giao thông Thủ đô cần thúc đẩy để sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành 2 tuyến metro được nhận định là xương sống là Nhổn- Ga Hà Nội và Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo. Khi 2 tuyến metro này hoàn thành, kết nối với tuyến A2 Cát Linh- Hà Đông thì lượng phương tiện cá nhân sẽ tự giảm, số người dân chuyển sang VTKCC sẽ tăng mạnh.

Với tuyến Nhổn-Gà Nội, tiến độ đoạn trên cao sẽ đưa vào khai thác trong đầu năm 2023, còn đoạn tuyến ngầm cần đẩy nhanh để có sự kết nối với tuyến 2A Cát Linh- Hà Đông, nếu không chỉ chơ vơ một đoạn trên cao từ Nhổn-Cầu Giấy không giải quyết được vấn đề.

Theo tính toán của Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội, hiện mạng lưới VTHKCC đã đáp ứng được trên 30% nhu cầu đi lại, nhưng hiện tỷ lệ vận chuyển của xe buýt lại rất thấp. Người dân lựa chọn đi phương tiện cá nhân đối diện với ô nhiễm, tắc đường, khói bụi và chi phí cao chứ không lựa chọn xe buýt.

Vậy, để người dân từ bỏ xe cá nhân đến với xe buýt, tàu điện, cần phải cải thiện chất lượng dịch vụ, cần ưu tiên tối đa cho các loại hình này trong lưu thông hàng ngày.

Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, tăng cường năng lực hạ tầng giao thông trong bối cảnh còn nhiều bất cập tại Hà Nội không hề dễ dàng.

Không ít vấn đề đã tồn tại qua nhiều thời kỳ, đòi hỏi vị tân Giám đốc Sở GTVT Hà Nội phải đưa ra được những giải pháp mang tính đột phá, làm nổi bật vai trò của cơ quan quản lý chuyên trách một trong những lĩnh vực “nóng” nhất Thủ đô hiện nay.

Theo ông Thắng, tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông Thủ đô quá chậm, không theo kịp được tốc độ phát triển của đô thị hóa mạnh mẽ. Các dự án mở đường, giao thông tĩnh như bến, bãi xe tĩnh quá chậm. Cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa có dự án bãi đỗ xe nào mang tính quy mô, hiện đại, xứng tầm với vai trò Thủ đô.

Trong khi đó, việc trông giữ xe trên địa bàn TP còn tình trạng bãi xe không phép, trông xe quá giá quy định, trông giữ xe vẫn thủ công khó kiểm soát… tồn tại nhiều năm qua.