Những tấm gương bình dị mà cao quý

ANTĐ - Đó là những con người thân thuộc quanh ta mà với những việc làm âm thầm hàng ngày, bình dị thôi mà cao quý biết nhường nào, tưởng như ít thấy mà hiện hữu giữa đời thường, tưởng như ít gặp mà nhiều lắm ở quanh ta… Đó là cảm giác chung của những người tham dự buổi Giao lưu - tọa đàm trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt TP Hà Nội do Ban thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp cùng Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 11-6.

Các đồng chí lãnh đạo trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP tặng các gương điển hình người tốt việc tốt

Từ nhiều năm qua, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào “Người tốt việc tốt”. TP Hà Nội đã chủ động triển khai các cuộc thi, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Báo KT&ĐT đã phát đông cuộc thi viết về đề tài này. Cuộc thi đã được sự hưởng ứng của đông đảo phóng viên cũng như bạn đọc.

Phó Tổng biên tập Báo KT&ĐT Nguyễn Anh Đức cho biết: “Để kịp thời tôn vinh các điển hình tiên tiến đã được giới thiệu trong chuyên mục “người tốt, việc tốt” trên các ấn phẩm của báo Kinh tế & Đô thị trong 6 tháng qua, buổi giao lưu – tọa đàm trực tuyến được tổ chức hôm nay góp phần nhân rộng cách làm hay, tạo không khí học tập “đua, đuổi, vượt” giữa các điển hình tiên tiến và tăng sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào thi đua yêu nước.

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng đánh giá cuộc thi viết, phát hiện các gương người tốt việc tốt lần này được tổ chức quy mô. Những tấm gương người tốt, việc tốt lần này đều là những bông hoa quý, tô thắm thêm nét đẹp, góp phần công sức vào sự phát triển của Thủ đô.

Những phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà

Suốt 30 năm qua Bác sỹ Dương Thị Bế - nguyên Trưởng khoa Phụ sản, BV Đa khoa Hà Đông, không chỉ giỏi chuyên môn, vững tay nghề, bác sỹ Dương có say mê nghiên cứu để tìm ra phương pháp giúp các sản phụ không còn cảm giác lo lắng, sợ đau đớn trong quá trình trở dạ. Đặc biệt, các phương pháp phẫu thuật gỡ dính trong vô sinh, mở thông vòi trứng của BS Bế đã giúp nhiều bệnh nhân thực hiện thiên chức làm mẹ, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho thai phụ và cả gia đình.

Bác sỹ Dương Thị Bế, người mang lại niềm hạnh phúc cho các sản phụ

Là “nữ thuyền trưởng” của khoa phụ sản, mỗi năm đỡ trên 9.000 ca đẻ, cũng là một nhà khoa học với nhiều công trình cấp TP, cơ sở,  Bác sỹ DươngThị Bế chia sẻ: “Tôi luôn yêu thương bằng cả tâm hồn, áp dụng tất cả những kiến thức  cũng như không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để mang lại niềm vui cho sản phụ - Những người phụ nữ giống như tôi”. Trả lời câu hỏi về việc cân bằng cuộc sống giữa gia đình và công việc, bác sỹ Dương Thị Quế tâm sự, bà thường xuyên dành thời gian để tâm sự với 2 con trai và chồng để luôn đảm bảo gia đình là tổ ấm.
Bản thân là lãnh đạo của một khoa có số lượng cán bộ đông, công việc vất vả, có nhiều tình huống dễ nảy sinh tiêu cực, nhưng bác sỹ Dương Thị Bế luôn nghĩ đặt y đức lên đầu mới hoàn thành được nhiệm vụ. "Đối với thế hệ cán bộ trẻ, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn rằng: nếu xác định bước chân vào học nghề y, làm nghề y cần đặt y đức lên trên hết. Nhất là với những bạn có ý định muốn học ngành sản - ngành có nhiều đặc thù nhạy cảm, càng cần phải đặt chữ y đức lên đầu, không vì bất cứ điều gì mà khiến mình sa ngã, làm trái lương tâm", Bác sỹ Bế nói.

Cũng là một phụ nữ với nhiều tâm tư vì cộng đồng, với mong muốn có một sân chơi cho trẻ em trong khu vực, bà Trần Thị Vần (Tổ trưởng tổ dân phố số 30, phường Phương Mai, quận Đống Đa) đã thuyết phục, vận động, kêu gọi sự chung tay của các hộ gia đình trong chung cư D2B, ngõ 30, phố Lương Định Của. Nhờ sự kiên trì của bà, sân chơi nhỏ đã hoàn thành, dù diện tích còn hạn chế nhưng có đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu giải trí cho các em.

Ngoài ra, còn có bà Nguyễn Thị Lan (Bí thư Chi bộ thôn Đại Phu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát Dô xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), người đã dũng cảm bước qua “lời nguyền” khiến Hát Dô bị lãng quên gần 100 năm qua. để làm sống lại bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Nhờ tâm huyết và cố gắng của bà Lan, hơn 25 năm kể từ khi được gây dựng lại, điệu Hát Dô không chỉ được khôi phục mạnh mẽ và được tiếp thêm sức sống mới. Bà Lan chia sẻ: “Trước khi làm, tôi cũng lo lắng, nhiều đêm trăn trở, mất ngủ với nhiều suy nghĩ. Được sự động viên của anh chị em họ hàng, đồng nghiệp, đừng phụ lòng người đi trước, kỳ vọng của các đơn vị. Dù vậy, nhiều người cũng khuyên can tôi đừng làm vì có thể ảnh hưởng tơi bản thân, gia đình. Nhiều đêm trăn trở không biết phải làm sao. Tuy nhiên, sau cùng, tôi tự vấn, trấn an, “gái có công, chồng không phụ” nên đã cố gắng, quyết tâm thực hiện. Tâm nguyện của tôi là muốn gìn giữ bản sắc văn hóa phi vật thể của dân tộc. Tôi đã cố gắng quảng bá trong toàn cộng đồng, đến nay từ các cháu nhỏ nhất là mẫu giáo cũng đã biết đến loại hình nghệ thuật này”.

Người lính giữa thời bình

Buổi giao lưu trở nên xúc động với những kỷ niệm của cựu chiến binh Trần quý An (phường Yên Phụ) người lính năm xưa của sư đoàn 324 ở chiến trường Quảng Trị ác liệt. Trở về nguyên vẹn với nỗi đau đáu trong lòng về những đồng đội đã mãi nằm lại chiến trường. Ông Trần Quý An nhớ như in ngày lên thăm lại đồng đội cùng Sư đoàn năm xưa nay ở Sơn La. Đồng chí năm nào nay tóc đã bạc trắng, với đứa con là nạn nhân chất độc da cam đang nằm trên giường với ánh mắt như biết nói... Ông càm quyết tâm làm thêm nhiều việc để đỡ phần nào khó khăn cho đồng đội. Dù bản thân gia đình cũng không dư dả gì, hàng năm ông cùng các đồng đội, các nhà hảo tâm thường xuyên tổ chức các chuyến đi tình nghĩa đi thăm lại đồng đội, tặng quà các nạn nhân chất độc màu da cam... Cựu chiến binh Trần quý An nói: “Là người cựu chiến binh,tôi sẽ làm việc suốt đời, làm thêm càng nhiều việc tốt để xứng đáng với nhân dân, đồng chí, đồng đội”.

Cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam Trần Văn Bính, người kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực

Cũng từ chiến trường trở về, ông Trần Văn Bính (Hoàng Liệt, Thanh Trì) – một cựu chiến binh mang trong mình chất độc da cam mức độ 2, nhưng vẫn kiên trì chống tiêu cực. Suốt hơn 20 năm qua, bất chấp sự đe dọa hay những lời đề nghị ngon ngọt, ông vẫn đấu tranh không mệt mỏi với tiêu cực bất chấp nhiều lần bị đe dọa. Rất nhiều vụ việc nhờ ông đấu tranh đã được giải quyết, góp phần ổn định lòng dân.

Đã từng bị các đối tượng đánh hỏng mắt phải với thương tật 21%, nhưng ông Trần Văn Bính vẫn không ngại đấu tranh. Ông Trần Văn Bính trăn trở: "Lực cản cho việc đấu tranh chống tiêu cực hiện nay, một số đảng viên tại địa phương ngại đấu tranh, gia đình ngại va chạm. Với tôi, việc gi lợi cho dân, cho đất nước thì làm, dù thế nào tôi cũng làm". Không chỉ là "người lính" kiên cường trên mặt trần chống tiêu cực, ông Trần Văn Bính hàng năm còn dành chính tiền trợ cấp cho cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam đề dành tặng các gia đình khó khăn. Vừa qua, ông còn hiến 200m đất để làm đường tại địa phương.

Vẫn còn nhiều nữa những tấm gương gần gũi, những con người mà công việc bình dị âm thầm của họ mang đến cho ta bao sự cảm phục, là những bông hoa đẹp biết bao của Thủ đô đang ngày càng phát triển, nhân văn.