Những tai tiếng động trời vì tình ái

ANTĐ - “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, nhất là những người đàn ông có chút quyền lực càng khó tránh được điều này. Tuy nhiên, như người ta thường nói, địa vị cao đi liền với trọng trách nên nếu sự việc vỡ lở thì hậu quả nghiêm trọng hơn. Hãy nhìn lại một số bê bối tình ái khuấy động lịch sử  một thời mà có thể nhiều người chưa biết.

Chuyện tình Hoàng gia Đan Mạch
Những tai tiếng động trời vì tình ái ảnh 1

Đó là mối tình ngang trái của Johann Struensee, một nhân vật nổi tiếng sống trong Hoàng gia Đan Mạch thế kỷ 18. Thời kỳ đó, chủ nghĩa khai sáng, đề cao sự tự do của con người đang lan tỏa khắp các nước Tây Âu. Là một người tham vọng cải cách, chuyên gia người Đức này có cơ hội hoàn hảo khi trở thành bác sĩ riêng cho nhà vua Đan Mạch bị tâm thần phân liệt, vua Christian VII. Bác sỹ Struensee được coi là người duy nhất có thể làm dịu tính cách hoang dại và sốc nổi của nhà vua, vì thế ông cũng giành trọn sự tin tưởng, nương tựa của hoàng hậu Caroline Matilda. Cũng không ngạc nhiên khi triều đình xầm xì về cuộc tình bí mật giữa hai người.

Cùng thời gian này, Struensee dần thắt chặt ảnh hưởng của mình lên nhà vua và trở thành người thâu tóm quyền lực. Sau đó, ông tiến hành cải cách rộng rãi như bãi bỏ kiểm duyệt báo chí, nghiêm cấm chế độ nô lệ và cải thiện dịch vụ phúc lợi cho thường dân. Dù vậy, người Đan Mạch vẫn không phục bởi Struensee là người nước ngoài, không phải dòng máu Hoàng gia. Họ đã sử dụng tự do báo chí để châm biếm ông cùng mối quan hệ bất chính của ông với Hoàng hậu.

Mối tình gây nên tai tiếng động trời cuối cùng dẫn tới bi kịch khó tránh khỏi. Một cuộc đảo chính đã lật đổ triều đại ngắn ngủi của Straunsee. Ông bị hành quyết trong khi Hoàng hậu Caroline bị tống giam vì tội ngoại tình. Sau đó, Caroline được anh trai mình, nhà vua George III giải cứu đưa về Anh quốc.

Bi kịch tình tay ba ở Ấn Độ

Những tai tiếng động trời vì tình ái ảnh 2

Một trong những câu chuyện tình ái bi kịch nhất tại Ấn Độ xảy ra tại Calcutta thế kỷ 19 thời kỳ Anh cai trị. Madhavchandra Giri – vị đạo sỹ đứng đầu khu đền Tarakeswar đã quyến rũ Elokeshi, vợ của một viên chức địa phương, ông Nobinchandra Banerji khi ông này đi công tác xa. Elokeshi và vị tu sỹ âm thầm đi lại với nhau có sự đồng ý của cha mẹ cô gái. Khi Banerji trở về, vợ ông thú nhận tất cả mọi thứ và cầu xin tha thứ. Hai vợ chồng hòa giải và định rời đi nơi khác sinh sống thì bị tay chân của vị đạo sỹ chặn lại.

Trong cơn tuyệt vọng và giận dữ lên tới đỉnh điểm, Banerji đã chặt đầu vợ.  Bị đưa ra xét xử, đầu tiên ông này bị tuyên trắng án, sau đó có kết án và được ân xá nhờ sự ủng hộ của cộng đồng. Trong khi đó, vị đạo sỹ cũng bị xử phạt 3 năm lao động khổ sai. Tấn bi kịch Tarakeswar từ đó trở thành nguồn cảm hứng cho một số vở kịch và tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Ấn Độ.

Người đẹp Hollywood của Tổng thống Philippines

Những tai tiếng động trời vì tình ái ảnh 3

Cố Tổng thống Ferdinand Marcos là một người thích khoa trương nên ông đã tự làm một bộ phim nói về mình trong Thế chiến II. Vai Marcos khi đó được giao cho nam diễn viên Paul Burke, còn vào vai người yêu của ông là nữ diễn viên Dovie Beams người Mỹ. Sau khi đến Manila năm 1968, cô diễn viên này đã hút hồn Tổng thống. Họ nhanh chóng rơi vào cuộc tình kéo dài 2 năm trong quá trình sản xuất bộ phim. Dù rất cẩn thận giấu kín trước phu nhân Imelda Marcos, vị Tổng thống đã không ngờ rằng người tình đặt máy ghi âm mỗi khi họ gặp nhau.

Tình cảm rạn nứt, lại thất vọng vì không được hưởng thụ xứng đáng, cô diễn viên liền tổ chức họp báo trước khi rời Philippines, tiện thể tiết lộ các bản ghi âm với giới truyền thông. Sau buổi đó, Beams phải trốn chạy sang Hồng Kông (Trung Quốc) vì bị sát thủ truy đuổi và lãnh sự Philippines cố ngăn không cho cô này bay về Mỹ. Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó, người ta cho rằng sau này, chính phu nhân Imelda Marcos đã lợi dụng bê bối tình ái của chồng để củng cố địa vị của mình và kiểm soát hầu như tất cả mọi thứ (kể cả ông Tổng thống).

Thủ tướng Nhật chao đảo vì một geisha

(Ảnh minh họa)

 

Hai đời Thủ tướng liên tiếp phải từ chức – loạt sự kiện xảy ra cuối những năm 1980 là thời điểm đầy sóng gió đối với chính trường Nhật Bản. Đầu tiên là vụ bê bối về tiền tệ. Thủ tướng cầm quyền khi đó là ông Noburo Takeshita và nội các đã buộc phải từ chức vào mùa hè năm 1989 do liên quan đến một trong những bê bối tài chính lớn nhất của nước này kể từ sau Thế chiến II. Ngay sau đó, Thủ tướng kế nhiệm, ông Sosuke Uno lên thay thế hứa hẹn sẽ làm trong sạch bộ máy.

Thật không may, Thủ tướng Uno không thể hoàn thành lời hứa đó bởi chỉ 3 tháng sau, ông này bị tố có quan hệ với geisha Mitsuko Nakanishi. Geisha này công khai rằng hai người bí mật đi lại với nhau trong 5 tháng trước khi ông đột ngột rời bỏ cô. Dù công chúng Nhật Bản đã sẵn sàng chấp nhận “sơ suất” của vị lãnh đạo này nhưng điều khiến họ không thể chịu đựng được là Nakanishi khẳng định ông Uno (người vô cùng giàu có) đã “quỵt” tiền của cô này. Theo luật bất thành văn trong làng geisha, người đàn ông phải chi cho geisha một khoản tiền sau khi cắt đứt quan hệ. Ấy thế mà, ông Uno tảng lờ chuyện “bồi  thường” khiến cô Nakanishi bực tức công khai với báo chí. Cuối cùng, ông Uno từ chức sau vỏn vẹn 69 ngày làm Thủ tướng và trở thành vị Thủ tướng có thời gian nắm quyền ngắn thứ tư trong lịch sử nước này.

Tướng mất “sao” vì ngoại tình

Những tai tiếng động trời vì tình ái ảnh 5

Những người đàn ông trong bộ quân phục dường như cũng không thoát khỏi điểm yếu là dễ xiêu lòng trước phái yếu, ví dụ gần đây nhất là cựu giám đốc CIA David Petraeus (ảnh). Vị tướng 4 sao từng kinh qua các chiến trường ở Afghanistan, Iraq đã phải từ chức sau khi ông thú nhận ngoại tình với người viết tiểu sử của ông. Đó là năm 2012 và gần như là lần đầu tiên bê bối tình ái của một vị tướng lừng danh không thể giấu kín được nữa trước sự chú ý của dư luận.

Trong lịch sử quân đội Mỹ, những năm 1930, sỹ quan Douglas MacArthur đã gặp và có cảm tình với một cô gái 16 tuổi mang 2 dòng máu Scotland - Philippines. Mối tình kéo dài nhiều năm, khi ông MacArthur trở thành Tham mưu trưởng, ông đưa cô này về Washington. Cuối cùng, mối quan hệ của họ tan vỡ và MacArthur đã phải trả một khoản tiền lớn để “người xưa” giữ im lặng. 

Chủ quan, quan chức Nam Phi “suýt dính” HIV 

Những tai tiếng động trời vì tình ái ảnh 6

Trong một phiên tòa năm 2006, ông Jacob Zuma – khi đó là Phó Tổng thống Nam Phi bị cáo buộc hiếp dâm một phụ nữ 31 tuổi, người quen biết lâu năm của gia đình vào tháng 11-2005. Ông Zuma một mực cho là có sự đồng thuận, không phải cưỡng bức. Đáng nói là mặc dù biết đối phương có xét nghiệm dương tính với HIV, ông đã không sử dụng biện pháp bảo vệ nào. Thay vào đó, ông đi tắm sau khi “quan hệ” vì ông cho rằng điều này “sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh”.

Mặc dù sau đó ông Zuma được xử trắng án, thẩm phán Willem Van Der Merwe nói việc ông Zuma có quan hệ tình dục với một phụ nữ HIV dương tính mà không sử dụng các biện pháp phòng tránh là hành vi vô trách nhiệm. Tương tự như vậy, các nhóm hoạt động vì sức khỏe cộng đồng và chống AIDS thể hiện sự thất vọng bởi ông Zuma – là Phó Tổng thống phụ trách lĩnh vực y tế mà rất chủ quan về căn bệnh AIDS. Sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều băn khoăn rằng liệu ông Zuma có thể mắc bệnh hay không. Mọi tin đồn kết thúc vào năm 2010, ông Jacob Zuma – khi này đã là Tổng thống Nam Phi công bố rằng kết quả xét nghiệm HIV của ông là âm tính. Quả là một người đàn ông may mắn.