Những tài năng, những số phận

ANTĐ - Anh Tân Linh gọi điện cho tôi nói: “Thứ bảy này anh ra sách, em đến nhé, anh chỉ mời những người bạn”. 

Vâng, em sẽ qua, tôi nói và hỏi một câu hỏi như mọi lần nếu lâu lâu không gặp anh, không ngồi rủ rỉ uống café với anh: Anh khỏe không? Khác mọi lần, anh Tân Linh trả lời tôi: “Anh không khỏe, anh ốm và biết trước số phận của mình rồi, nhưng không sao em ạ!”. Anh nói gì vậy? Tôi không tin điều anh nói là sự thật!

Nhà báo, nhà thơ Tân Linh là cộng tác viên thân thiết của tờ An ninh Thủ đô cuối tuần. Anh hay viết cho chúng tôi về giai thoại của các văn nghệ sĩ mà anh biết, anh gặp và chân dung của những nhân cách nghệ thuật một thời. Anh Tân Linh thường không viết về những nhân vật “hót” của truyền thông mà như Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hiến - Thế Khoa nhận xét: “Anh lật tìm những nhân vật đã khuất lấp nhưng giá trị của họ vẫn đang tỏa sáng trong đời sống”. 

Hai tập sách: “Những tài năng những số phận” - tập hợp các bài ký chân dung nhân vật mà nhà báo Tân Linh đã viết cho các tờ báo, trong đó có tờ An ninh Thủ đô cuối tuần của chúng tôi. Tập thứ hai là tập thơ mang tên “Có lẽ mùa xuân có lý riêng” gồm những bài thơ anh viết về thế sự,  về tình yêu, về những nơi anh đã đi qua bằng cảm xúc chân thành, hồn hậu và nồng ấm. Thơ anh quyến rũ được người đọc chắc cùng vì điều ấy. Đây đã là tập thơ thứ hai của anh nhưng anh chỉ coi mình là một kẻ lãng du đi qua miền chữ nghĩa: “Kẻ lãng du đi qua miền chữ nghĩa, Gió không mùa thổi trắng tóc tha nhân...”

Buổi giới thiệu sách  được tổ chức tại Thư viện Quốc gia - một không gian xanh mát dịu. Buổi giới thiệu sách không ồn ào mà nén chặt cảm xúc.  Những người mà tôi gặp không có nhiều cánh phóng viên trẻ năng động như trăm nghìn buổi giới thiệu sách khác, mà đúng là chỉ có đồng nghiệp, và những người bạn của anh. Có người từ Sài Gòn ra, có người từ Phú Thọ đến, có người ở tận Thanh Miện lên, và có những người chỉ biết và thuộc thơ anh qua thơ in trên báo… Có người là nhà thơ, có người là báo, có người là họa sĩ và có cả những người là kiến trúc sư… Hai nhà báo, nhà thơ trẻ Phúc Anh và Nguyễn Quang Hưng tự đệm đàn ghi ta, đọc thơ Tân Linh, tiếng ghi ta buông rơi, những câu thơ vang lên bổng trầm thánh thót: “Ta đang sống vì nhau mà không thể cùng nhau/ Đừng oán trách số phận/ Ngoài kia mùa xuân không đợi/Mùa xuân có lý riêng”.

 Bước vào sân Thư viện Quốc gia, thấy nhà thơ Tân Linh đang ngồi trò chuyện với mấy người bạn bên ghế đá. Tôi giật mình, vì điều anh nói là sự thật. Tôi giật mình vì bây giờ mới biết anh không chỉ là một nhà thơ có số phận riêng mà còn là một nhà báo đã từng đi “xe ôm” để kiếm sống.  Tôi giật mình vì thấy mình vô tình quá. Anh vẫn gửi bài đều đều cho tôi và chúng tôi vẫn cứ chuyện trò với nhau rủ rỉ qua email. Bẵng đi một hai tháng nay, không thấy anh gửi bài, tôi cứ ngỡ rằng anh bận. Hóa ra anh ốm. Anh xanh và gầy đi nhiều. Bạn bè nói, anh đã qua hóa trị 4 lần.

Trời đất ạ, sao người ta cứ phải đương đầu với những thử thách trớ trêu của số phận như vậy? Mấy ngày nay, tôi phải chứng kiến quá nhiều những thử thách trớ trêu như thế. Và anh vẫn làm việc, vẫn ra sách vào lúc khó khăn nhất của cuộc đời. Anh vẫn bình tĩnh xử lý tốt những tình huống khó khăn nhất của cuộc đời. Anh nói với mọi người trong cuộc đời con người ai chả có lúc gặp sự cố, mà sự cố của anh là sự cố của sức khỏe, sự cố của số phận, thì cũng bình thường thôi! Anh bình tĩnh đón đợi số phận bằng sự an nhiên, không buồn đau, không trách móc. Anh làm tôi nhớ đến bài thơ “Nghe tin có thuốc chữa buồn đau” của anh: “Trên báo  ngày 18-10-2008 loan rằng/Loài người đã tìm ra thuộc chữa được mọi sự buồn đau/Nhiều người vui vì buồn đau bây giờ có thể chữa bằng thuốc…/Nhưng nhân loại rất nhầm/Vì có thứ buồn đau có thể là khởi sự của niềm vui”. 

 Tập sách “Những tài năng, những số phận” anh vẽ chân dung của những nhân vật đã đi qua vinh quang và đi qua bi kịch của số phận. Tôi thấy tác giả của cuốn sách cũng là một nhà thơ đi qua bi kịch của số phận. Còn họa sĩ Hữu Thanh, người vẽ bìa cho cuốn “Những tài năng, những số phận” thì nói: “Cuốn sách nào cũng có giá của nó. Giá tiền thì được in ở tận cùng trang bìa 4. Còn chữ nghĩa thì ở bên trong cuốn sách. Chữ nghĩa thì không bao giờ chết cả”.

Tôi nắm chặt tay anh. Tân Linh, vẫn vậy, anh ghé sát vào tai tôi nói bằng cái giọng xứ Quảng rủ rỉ: “Không sao đâu! Đừng buồn nhé! Đừng buồn em nhé!