Những sự kiện khoa học công nghệ năm 2011

ANTĐ - 2011 quả là một năm đầy kinh ngạc về lĩnh vực khoa học công nghệ: Một máy tính đã đánh bại những con người nhanh trí nhất trong một cuộc thi kiến thức; Chưa hết “phát sốt” với những sản phẩm giải trí mới, làng công nghệ lại nuối tiếc vì sự ra đi đột ngột của những “cha đẻ” công nghệ đầy tài năng… Và đó mới chỉ là sự khởi đầu, mở ra những sản phẩm, những câu chuyện thú vị trong thời gian tới.


Năm bùng nổ máy tính bảng và điện thoại thông minh

Máy tính bảng đã có một năm "làm mưa làm gió" trên thị trường công nghệ bởi nó không chỉ là đối thủ cạnh tranh của máy tính cá nhân mà hơn thế, còn là cỗ máy giải trí tuyệt vời với ứng dụng đa dạng và luôn cập nhật. Mặc dù Asus, Toshiba, Lenovo hay Motorola… đều tung ra những sản phẩm đặc thù, nhưng tất cả đều có chung một mục đích, cố gắng vượt qua đối thủ nặng ký iPad của Apple. Tương tự, cuộc chiến trên thị trường những chiếc smartphone hỗ trợ màn hình cảm ứng của Nokia, Samsung hay Motorola, Black Berry bùng nổ nhưng xét trên bình diện chung, iPhone vẫn khiến khách hàng toàn cầu “phát sốt” nhất.

Những tên tuổi  lừng lẫy đã ra đi

Hãng Apple có thể đứng đầu về mặt doanh thu trong năm qua nhưng cũng chìm trong tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của của CEO huyền thoại Steve Jobs - cha đẻ của iPhone, iPod hay iMac hôm 5-10. Làng công nghệ năm 2011 cũng chứng kiến sự chia tay vĩnh viễn của rất nhiều thiên tài như người khai sinh ra "trí tuệ nhân tạo" John McCarthy, Paul Baran - “cha đẻ” của Internet hiện đại hay Norio Ohga - người đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp âm nhạc với định dạng đĩa CD... Sự đóng góp trí tuệ cho nhân loại của những con người tài năng ấy khiến họ mãi mãi được ghi nhớ.

Máy tính Watson  của IBM thông minh hơn người

Tháng 2-2011, một cuộc “đấu trí” cam go giữa người và máy tính đã được thử nghiệm trên một chương trình truyền hình của Mỹ. Xuất hiện trên Jeopardy - chương trình thi kiến thức được ưa chuộng và lâu năm nhất tại Mỹ lần này là Watson và 2 nhà vô địch Ken Jennings và Brad Rutter, trong đó một người nắm giữ kỷ lục thắng liên tục 74 lần trong các cuộc thi Jeopardy. Dù lĩnh vực thi đấu là kiến thức của con người nhưng trong cả 3 lượt thi đấu, Watson đều chiến thắng bởi chiếc máy tính bằng chiếc tủ lạnh này chứa 2.800 nhân trong máy chủ 10 rack và có thể phân tích, trả lời câu hỏi nhanh hơn con người. Theo đại diện của IBM, Watson chính là một sự đột phá quan trọng trong lĩnh vực khoa học thông tin của nhân loại.

Kết thúc chương trình tàu con thoi của Mỹ

Thứ năm ngày 21-7-2011, tàu con thoi Atlantis lần cuối cùng hạ cánh xuống sân bay vũ trụ ở mũi Canaveral, Florida, chính thức chấm dứt 30 năm tàu con thoi chinh phục vũ trụ của NASA. Trong suốt 30 năm, dù chương trình tàu con thoi không đạt được mục tiêu vĩ đại như đã đặt ra hồi đầu những năm 1970, khiến nước Mỹ đã phải tiêu tốn 150 tỉ USD và 14 nhà du hành vũ trụ hy sinh nhưng đó là một trong những chương trình tàu không gian vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nhờ đó, lần đầu tiên giúp con người thiết lập một địa vị chắc chắn bên ngoài hành tinh Trái đất, mở ra kỷ nguyên mới về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng không vũ trụ mà trạm không gian ISS là tấm gương điển hình.


Sự trở về của “người sao Hỏa ảo”

Về lịch sử ngành hàng không vũ trụ, năm 2011 cũng sẽ mãi được nhớ đến là năm chương trình Mars500 kết thúc. Thử tưởng tượng trong 520 ngày, bạn phải sống trên một phi thuyền trên sao Hỏa, cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, cách ly hoàn toàn với người thân, bạn bè. Tuy nhiên, đây chỉ là một sứ mệnh ảo được thực hiện ngay tại ngoại ô Matxcơva của Nga nhưng cuộc sống khắc nghiệt suốt một năm rưỡi như vậy là thật. Mars500 là sứ mệnh không gian dài ngày nhất từng được tiến hành trên Trái đất nhằm chuẩn bị tinh thần và điều kiện của con người để bay đến hành tinh đỏ trong tương lai. Trên chuyến tàu Mars500 cất cánh vào ngày 3-6-2010 và trở về Trái đất ngày 4-11-2011 ấy, 6 phi hành đoàn đã trở về mạnh khỏe, an toàn.

Thử nghiệm thành công sử dụng thuốc điều trị AIDS

Trong lĩnh vực y học, cuộc thử nghiệm thuốc trong điều trị AIDS được tạp chí Khoa học của Mỹ đánh giá là đột phá của năm 2011. Dự án HPTN 052 được tài trợ bởi Viện Các bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (NIAID) với nguồn vốn tới 73 triệu USD cho thời gian từ 2005 đến 2015, tuy nhiên công trình nghiên cứu này đã hoàn thành sớm hơn dự kiến 4 năm. Theo kết quả cuộc thử nghiệm được công bố lần đầu tiên vào tháng 5-2011, những người nhiễm HIV nếu được sử dụng các loại thuốc phòng chống AIDS ngay trong thời gian đầu mắc bệnh, trước khi hệ thống miễn dịch của họ bắt đầu suy yếu sẽ hiệu quả đến 96%. Dù đây mới chỉ là những tiền đề ban đầu cho nghiên cứu trong tương lai nhưng loài người có quyền hy vọng một ngày không xa cuộc chiến chống lại HIV/AIDS sẽ đi tới hồi kết.


Máy bay đầu tiên được in bằng công nghệ 3D

Bằng công nghệ đột phá - in 3D, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Southampton (Anh) tháng 8-2011 đã sản xuất ra chiếc máy bay mô hình chỉ bằng máy tính, nhưng vẫn có thể đạt tốc độ bay 160km/h và cánh dài tới 2m. Công nghệ in 3D cho phép họ thiết kế hay thay đổi hình dáng và cấu trúc của chiếc máy bay dễ dàng hơn. Ngay cả những bộ phận phức tạp và chuyển động như bánh lái cũng được in song song mà không đòi hỏi khâu lắp ráp (duy nhất phần động cơ điện tử là không được in 3D). Do tất cả các công đoạn có thể hoàn thành chỉ trong vài tuần nên đây chính là phương pháp sản xuất máy bay nhanh nhất trong lịch sử loài người.