Những sự kiện chính trong chuyển giao triều đại ở Nhật Bản

ANTD.VN - Hôm nay 30-4, Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị. Sự kiện này đánh dấu việc truyền ngôi cho Hoàng Thái tử Naruhito và quá trình chuyển giao triều đại này sẽ trải qua một số nghi thức đặc biệt.

Ngày 1-5, Hoàng thái tử Naruhito sẽ trở thành Nhật hoàng nhưng việc lên ngôi chính thức của ông sẽ diễn ra tại một buổi lễ công phu hơn vào tháng 10-2019, nơi các quan chức  nước ngoài sẽ được mời đến tham dự.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu xuất hiện trong một sự kiện hôm 26-4-2019, tại Thủ đô Tokyo

Ngày 30-4: Lễ thoái vị

Buổi lễ khá ngắn gọn này sẽ diễn ra tại căn phòng được coi là linh thiêng nhất của Cung điện Hoàng gia. Khoảng 300 người sẽ tham dự sự kiện được truyền hình trực tiếp trên truyền hình quốc gia.

Người của Hoàng gia mang vào phòng chiếc ấn cùng sự hiện diện của 3 vật báu linh thiêng: Một thanh kiếm, một viên ngọc và chiếc gương - biểu tượng của ngai vàng, tất cả đều theo một truyền thuyết từ thời cổ xưa.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tuyên bố về việc thoái vị sau khi lời phát biểu cuối cùng của Nhật hoàng Akihito. Tham dự lễ thoái vị còn có Hoàng hậu Michiko, Thái tử  Naruhito và Công nương Masako cùng lãnh đạo của cả hai viện Quốc hội và các thẩm phán của Tòa án tối cao. Được biết, vị vua Nhật Bản thoái vị gần đây nhất là vào năm 1817.

Ngày 1-5: Lễ nhập ngai vàng

Đây là nghi lễ đánh dấu việc Hoàng thái tử Naruhito gia nhập ngai vàng. Quan trong triều sẽ đặt ấn, kiếm và ngọc trên bàn trước mặt Quốc vương mới để làm bằng chứng cho sự kế vị chính đáng của mình.

Nhật hoàng Akihito, với Hoàng Thái tử Naruhito bên cạnh, gửi lời chúc mừng năm mới tới công chúng vào ngày 2-1-2017

Ông Naruhito sẽ mặc trang phục áo đuôi tôm kiểu phương Tây. Tại sự kiện trở thành Quốc vương vào tháng 1-1989, ông Akihito cũng mặc trang phục phương Tây.

Buổi lễ có sự tham dự của một nhóm nhỏ gồm nam thành viên Hoàng tộc đã trưởng thành, Thủ tướng và Nội các. Cựu Nhà vua và Hoàng hậu sẽ không có mặt.

Ngày 1-5: Phát biểu đầu tiên của tân vương

Tại căn phòng linh thiêng, tân Quốc vương Naruhito sẽ có phát biểu công khai đầu tiên. Nội dung phát biểu có thể là mục tiêu hoặc hy vọng của ông cho triều đại của mình.

Năm 1989, Nhật hoàng Akihito đã cam kết bảo vệ hiến pháp và hoàn thành trọng trách của mình. Ông cũng bày tỏ hy vọng về sự thịnh vượng của quốc gia, hòa bình toàn cầu và hạnh phúc của nhân loại.

Thủ tướng Abe sẽ phát biểu với tư cách là đại diện của người dân Nhật Bản.

Ngày 4-5: Ra mắt thần dân

Tân Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako sẽ xuất hiện trước công chúng tại Cung điện Hoàng gia và họ sẽ chào thần dân 6 lần trong ngày này.

Đây là sự kiện lớn trong khi người dân Nhật Bản đang được nghỉ 10 ngày. Được biết, hơn 100.000 người đã đổ xô dự sự kiện ra mắt của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko vào năm 1990.

Ngày 22-10: Lễ lên ngôi

Nhà vua Nhật Bản Naruhito sẽ tuyên bố chính thức lên ngôi trong một buổi lễ có sự tham dự của quan chức từ gần 200 quốc gia. Giống như cha mình, ông sẽ mặc áo choàng và khăn trùm đầu truyền thống, ngồi lên ngai vàng tượng trưng rồi tuyên bố về việc kế vị với thế giới.

Nhật hoàng Akihito tại lễ lên ngôi vào ngày 12-11-1990

Nhật hoàng cùng Hoàng hậu mới sẽ ngồi trên chiếc limousine Toyota Century trong sự chào đón của người dân tại trung tâm Tokyo. Năm 1990, khoảng 120.000 người đã chào mừng Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko khi họ đi trên chiếc Rolls-Royce Corniche III.

Ngày 14 và 15-11: Lễ tạ ơn

Trong nghi lễ này, Nhật hoàng Naruhito sẽ dâng gạo mới và rượu sake tới tổ tiên và các vị thần khi ông cầu nguyện cho mùa màng bội thu và hòa bình quốc gia.

Được biết, Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,7 tỷ yên (24 triệu USD) cho buổi lễ, bao gồm chi phí xây dựng đàn tế lễ tạm thời tại Cung điện Hoàng gia, mặc dù đã có tranh cãi về tính hợp hiến khi Nhà nước tài trợ cho sự kiện phần nhiều mang yếu tố tín ngưỡng.