Những sai sót cần làm rõ trong việc cấp, thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng

ANTĐ - Trả lời với báo giới, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân.

Trước đó, vào ngày 5-1-2012, UBND huyện Tiên Lãng đã tiến hành các thủ tục thu hồi diện tích đất bãi bồi ven biển sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản tại xã Vinh Quang hết thời hạn sử dụng, trong đó có trường hợp ông Đoàn Văn Vươn, công dân xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng. Do ông Vươn không chấp hành quyết định thu hồi đất, UBND huyện Tiên Lãng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành. Trong khi thực hiện việc cưỡng chế, ông Vươn cùng một số người liên quan đã có hành vi chống đối, nên xảy ra vụ án hình sự; Công an thành phố Hải Phòng khởi tố vụ án để điều tra theo quy định.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, UBND huyện Tiên Lãng – Hải Phòng đã sai trong quyết định thu hồi đất khiến gia đình ông Đoàn Văn Vươn lao vào vòng lao lý.

Theo đó, trong hồ sơ giao đất, ngày 4-10-1993 UBND huyện Tiên Lãng có quyết định số 447/QĐ-UBND giao cho ông Vươn 21ha đất bãi biển giáp đê quốc gia tại khu vực cống Rộc, xã Vinh Quang. Ngày 2-3-1997, ông Vươn tiếp tục có đơn xin giao thêm, theo đó, UBND huyện Tiên Lãng tiếp tục ban hành quyết định số 220/QĐ-UBND, ngày 9-4-1997, giao cho ông 19,3ha giáp khu đất cũ theo hướng ra biển. Như vậy, với hai quyết định trên, ông Vươn được giao 40,3ha đất để nuôi trồng thủy sản.

Ngày 7-4-2009, UBND huyện Tiên Lãng ban hành quyết định 461/QĐ-UBND thu hồi đất đối với phần diện tích 19,3ha. Và đến ngày 24-11-2011 ban hành quyết định 3307/QĐ-UBND cưỡng chế đối với phần diện tích này. Tuy nhiên, trên thực tế, UBND huyện Tiên Lãng lại tiến hành cưỡng chế thu hồi toàn bộ diện tích khu đầm 40,3ha của gia đình ông Vươn, và phá hủy toàn bộ 2 căn nhà của anh em ông đã xây dựng để ở trông nom, bảo vệ đầm trong khi UBND huyện Tiên Lãng lại chưa có quyết định cũng như kế hoạch cưỡng chế đất nào đối với phần đất được giao theo quyết định 447/QĐ-UBND.

Về sự việc này, tại cuộc họp báo chiều 12-1 về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN-MT TP Hải Phòng, khẳng định: “UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất cho công dân để nuôi trồng thủy sản vào thời điểm ngày 4-10-1993, trong khi Luật đất đai năm 1993 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-10-1993. Như vậy quyết định giao đất này phải áp dụng theo Luật đất đai năm 1987 chứ không phải Luật đất đai năm 1993. Do vậy quyết định giao đất và thu hồi đất là đúng và phù hợp”.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hùng Võ, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân. Theo ông Võ, trong nghị định 64 của Chính phủ ban hành ngày 27-9-1993, nếu việc giao đất được thực hiện trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực, tức là trường hợp giao đất đã thực hiện trước thời điểm 15-10-1993, thì thời điểm giao đất được tính từ 15-10-1993. Như vậy thời hạn giao đất vẫn phải là 20 năm, mức tính thời điểm giao đất là từ 15-10-1993.

Thứ hai, với quyết định giao bổ sung 19,3ha đất được ký ban hành ngày 9-4-1997, tức là Luật đất đai 1993 có hiệu lực được gần 4 năm rồi mà huyện Tiên Lãng vẫn giao đất chỉ có 14 năm, trong khi Luật đất đai 1993 quy định phải giao đất 20 năm.

Tiếp nữa, quyết định giao đất bổ sung ký ban hành tại thời điểm năm 1997 nhưng lại tính thời điểm giao đất từ ngày 4-10-1993, trong khi Luật đất đai 1993 đã quy định rõ nếu giao sau ngày 15-10-1993 phải tính thời gian giao đất tại thời điểm ban hành quyết định. Nghĩa là việc giao đất bổ sung lần hai bắt buộc phải tính từ năm 1997, tại sao lại làm trái luật để tính từ ngày 4-10-1993?

Cũng theo ông Võ, khi giao bãi bồi ven sông, ven biển cho hộ gia đình cải tạo trở thành nơi nuôi trồng thủy sản thì công sức, mồ hôi của người dân đã đổ xuống trong quá trình lao động. Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi hết thời hạn sử dụng đất (của gia đình ông Vươn sớm nhất là 15/10/2013), đương nhiên được kéo dài sang thời hạn tiếp theo trừ những trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất. Quốc hội sẽ xem xét quyết định vấn đề "hết thời hạn" này khi thông qua Luật đất đai mới trước năm 2013.

 Ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn cùng nhóm người cố thủ, dùng súng bắn vào lực lượng cưỡng chế

 Ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn cùng nhóm người cố thủ,
dùng súng bắn vào lực lượng cưỡng chế

Về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Bình trả lời trên VNE rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật đất đai năm 2003, khi hết thời hạn sử dụng đối với đất nông nghiệp, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất đã chấp hành đúng pháp luật về đất đai, đồng thời việc sử dụng đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.

Trong trường hợp của ông Vươn chưa hết thời gian sử dụng đất, đã chấp hành đúng pháp luật về đất đai, Nhà nước không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng... thì việc thu hồi đất trước thời hạn đối với ông là không đúng. Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng, cơ sở để tiến hành cưỡng chế, đã không đúng pháp luật, việc thực hiện cưỡng chế cũng không đúng pháp luật.

Còn theo ông Trần Ngọc Vinh - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trả lời phỏng vấn NTNN, cưỡng chế phải đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại cho dân và bảo đảm an toàn an ninh trật tự nói chung. Nếu chính quyền địa phương tiến hành công tác này thật thận trọng thì đã không để xảy ra hậu quả gây thiệt hại cho cán bộ thực thi nhiệm vụ cũng như đẩy người dân vào vòng lao lý.

Về việc cưỡng chế thu hồi đất, san bằng ngôi nhà của ông Vươn, TS - luật sư Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho rằng, phải làm rõ ai chỉ đạo cưỡng chế, dẫn đến việc san phẳng nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Cưỡng chế không đúng luật pháp, đặc biệt là ngôi nhà và tài sản nằm ngoài phạm vi cưỡng chế thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, cũng như xử lý những người liên quan.

Cũng liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Tiến Tài cho rằng việc thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng không có căn cứ pháp lý, không thuộc bất kỳ trường hợp nào trong số các trường hợp thu hồi đất được quy định tại điều 38 Luật đất đai.

Theo đó, Nhà nước chỉ thu hồi đất trong một số trường hợp như: sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế (khoản 1); người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất (khoản 4); cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế (khoản 7); người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất (khoản 8); đất trồng không được sử dụng trong thời hạn quy định (khoản 11)...

Ngoại trừ các trường hợp thu hồi như đã nêu, hộ ông Vươn đương nhiên được tiếp tục gia hạn mà không cần phải thông qua thủ tục thu hồi. Luật sư Tài nhấn mạnh: “Ngay cả trong trường hợp đã hết thời hạn sử dụng 20 năm theo luật định, hộ ông Vươn vẫn được tiếp tục giao hoặc cho thuê đất, điều 67 Luật đất đai khẳng định nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt”.

Cũng cùng ý kiến trên, trả lời trên Tuổi Trẻ, luật sư Huỳnh Văn Nông cho rằng huyện Tiên Lãng đã làm sai khi phá dỡ căn nhà hai tầng của ông Đoàn Văn Quý tại khu đầm không nằm trong phần diện tích 19,3ha bị huyện cưỡng chế thu hồi, vì ngôi nhà này không thuộc phạm vi cưỡng chế nêu trong quyết định cưỡng chế.

Vụ việc ở Tiên Lãng diễn ra từ hôm 5-1 đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Mới đây nhất, ngày 17-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ đạo yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đây cũng là một bài học cho các cơ quan quản lý, nhất là cơ quan địa phương – nơi gần với người dân nhất, cần phải hiểu rõ luật pháp và phải luôn nghĩ rằng mình đại diện cho quyền lợi của người dân, ngay cả khi thực thi pháp luật cũng nên hiểu rằng cần kết hợp thấu tình đạt lý giữa pháp luật và tình người. Có như thế mới tránh được vụ việc đáng tiếc như vụ việc ở huyện Tiên Lãng vừa qua.