Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019

Những sắc màu văn hoá dân gian ở phố đi bộ hồ Gươm

ANTD.VN - Diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15-12 tại phố đi bộ Hồ Gươm, Lễ hội Văn hoá dân gian trong đời sống đương đại” do Sở VH-TT Hà Nội tổ chức, đã thu hút lượng lớn du khách tới hòa mình vào nhiều hoạt động đặc sắc của ngày hội.

Những sắc màu mới ở hồ Gươm

Là sự kiện chào mừng Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO. Đồng thời cũng là sự kiện tiếp nối chuỗi các hoạt động để kết nối, xây dựng, quảng bá hình ảnh “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội như: “Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019”, “Liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019”, Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”….

Không gian của phố đi bộ Hồ Gươm đã được khoác lên mình màu sắc mới, màu sắc của các làng quê Việt Nam. Với phối cảnh dựng lại cổng làng, những ngôi nhà mái ngói rêu phong, lễ hội đã gợi nhắc nhiều người về nơi có con đê làng xanh xanh, với giếng nước, sân đình thân thương và tạo ra cảm giác ấm cúng, gần gũi khi đặt chân tới ngày hội.

Du khách nước ngoài tham quan ngày hội

Tại đây, du khách đã được hòa mình vào không gian văn hóa dân gian của các làng nghề truyền thống rất ấn tượng; được tham quan những mô hình, tác phẩm tinh xảo đến từ 16 làng nghề thủ công truyền thống đại diện cho hơn 1.350 làng nghề của Hà Nội. Đó là những sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân, với cảm hứng sáng tạo và những tác phẩm giàu sức sống của họ sẽ tiếp lửa và truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta khi tham quan.

Không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, lễ hội còn là nơi để các nghệ nhân thăng hoa trong cảm xúc, thoải mái thể hiện những ý tưởng sáng tạo.  Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, lâu nay, nhiều người nghĩ rằng, làng lụa Vạn Phúc chỉ có vài mẫu hoa văn truyền thống, đã trở nên quen mắt nhưng đến với lễ hội lần này, làng nghề đã giới thiệu tới du khách các mẫu hoa văn mới có sự cải tiến về hình khối, màu sắc. Và từ đây các em khuyết tật đã tạo nên các bức tranh ghép vải đẹp mắt từ các mảnh vải vụn của lụa Vạn Phúc.

Một tiết mục văn nghệ phục vụ du khách

“Chúng tôi rất vui mừng được góp mặt tại lễ hội lần này. Thông qua hoạt động giới thiệu sản phẩm, chúng tôi đã có cơ hội học tập kinh nghiệm của các làng nghề khác, đồng thời có cơ hội giao lưu, trao đổi sản phẩm và để du khách biết tới Vạn Phúc là một làng nghề đang trong quá trình thay đổi, tìm tòi cái mới nhưng vẫn giữ gìn truyền thống của cha ông”, ông Phạm Khác Hà chia sẻ.

Còn chị Hàn Mi, quản lý tour của Công ty du lịch Bát Tràng cho biết, lễ hội văn hóa dân gian là nơi mọi người tới giao lưu và xem các sản phẩm truyền thống. Đây cũng là cách quảng bá hình ảnh của làng nghề qua các sản phẩm tinh xảo mà du khách không phải cất công tới tận làng Bát Tràng.

Cũng theo chị Hàn Mi, nhờ có phát triển du lịch dựa vào các sản phẩm đặc trưng của Bát Tràng, mà từ một làng quê bình thường, nơi đây đã thay da đổi thịt từng ngày. Lượng du khách tới tham quan làng không ngừng tăng lên. Nếu như trước đây mỗi ngày có khoảng 200 du khách thì nay tăng lên 400 và chị tin con số này sẽ không dừng lại. Và sản phẩm của Bát Tràng đã theo chân du khách tới nhiều phương trời trên thế giới. Còn người làng Bát Tràng đang sống được với nghề và tiếp tục bỏ nhiều công sức để thay đổi mẫu mã sản phẩm sao cho bắt mắt, đẹp hơn nhưng vẫn không làm mất đi đặc trưng riêng.

Các sản phẩm làng nghề truyền thống được giới thiệu cùng người xem

Khi cảm thụ những sản phẩm của các làng nghề, du khách đã cảm nhận được nhiều giá trị của cuộc sống đang tiềm ẩn trong sự sáng tạo của con người. Đó là khả năng sáng tạo, tiếp biến và chuyển hóa văn hóa truyền thống của các nghệ nhân, nghệ sĩ thành các sản phẩm mang giá trị hàng hóa và bàn tay khối óc của con người.

Những miền ký ức thẳm sâu

Cũng tại ngày hội, du khách đã được lạc vào miền ký ức sâu thẳm của mỗi người dân Việt Nam khi lắng nghe các làn điệu ca trù, hát xẩm, chèo tàu… mang hồn xứ sở. Với 3 đêm diễn, các nghệ sĩ và nghệ nhân của CLB trống quân xã Hát Môn, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung, Mai Tuyết Hoa…đã mang tới người nghe các tiết mục được thể hiện bằng cả trái tim và niềm lạc quan của người nghệ sĩ vào sự chấn hưng và sức sống trường tồn của các thể loại văn hóa dân gian đặc sắc.

Một em bé thích thú với không gian tái hiện về quy trình phơi lụa

Bà Bùi Hương Thủy, Phó Phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT Hà Nội cho biết, sở dĩ  Hà Nội chọn Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại là hoạt động chào đón sự kiện Thủ đô đón nhận danh hiệu “Thành phố sáng tạo về thiết kế” là bởi, ở một số nước trong khu vực châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc... văn hóa truyền thống đã được tích cực khai thác, sáng tạo để trở thành những sản phẩm, giá trị mới hấp dẫn công chúng, khẳng định bản sắc và tầm ảnh hưởng văn hóa trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, qua hàng nghìn năm, văn hóa dân gian vẫn được thế hệ trước lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau. Dù ngày nay, văn hóa dân gian đã có nhiều biến đổi, nhưng các thành tố của nó vẫn tồn tại và tái cấu trúc, tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Việc phát huy các di sản văn hóa dân gian trong đời sống đương đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản, mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp, để văn hóa ấy không chỉ mang lại giá trị tinh thần cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội, là cơ hội khởi nghiệp sáng tạo cho giới trẻ và là nền tảng cho chúng ta khi hội nhập thế giới.