Những quy định mới quan trọng về phụ cấp lương năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ năm 2021 với nhiều quy định mới nổi bật về phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Theo Khoản 5, Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên.

Theo đó, pháp luật không đặt ra mức phụ cấp lương cụ thể mà sẽ do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận với nhau tùy thuộc vào từng công việc, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Bên cạnh đó, quy định này cũng không liệt kê cụ thể các loại phụ cấp lương mà chỉ nêu chung về mục đích của các khoản phụ cấp lương.

Căn cứ Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, các loại phụ cấp lương gồm: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút; Các phụ cấp có tính chất tương tự.

Cũng theo Bộ Luật Lao động 2019, phụ cấp lương là một trong những nội dung chủ yếu phải có trong hợp đồng lao động được giao kết giữa các bên.

Tuy nhiên, đây chỉ là khoản tiền nhằm bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Theo đó, không phải người lao động nào cũng được trả các khoản phụ cấp này mà tùy điều kiện và công việc của từng người. Người sử dụng lao động không bắt buộc phải trả thêm phụ cấp lương cho tất cả người lao động.

Ngoài ra, Khoản 2, Điều 89 Luật BHXH năm 2014 nêu rõ, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Theo đó, phụ cấp lương của người lao động cũng tính làm căn cứ để xác định tiền lương tháng đóng BHXH. Các loại phụ cấp lương phải tính đóng BHXH gồm: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút; Các phụ cấp khác có tính chất tương tự.

Về việc đóng thuế thu nhập cá nhân, theo khoản 2, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, trợ cấp được tính là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Tuy nhiên, điểm b, khoản 2, Điều này cũng nêu rõ các khoản phụ cấp không tính thuế thu nhập cá nhân gồm:

Phụ cấp ưu đãi hàng tháng theo quy định về ưu đãi người có công; Phụ cấp quốc phòng, an ninh; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực; Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao; Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản; Phụ cấp đặc thù ngành nghề.

Người lao động chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có thu nhập tính thuế. Do đó, các khoản phụ cấp lương của người lao động chỉ bị tính thuế thu nhập cá nhân khi người đó có thu nhập cao.