Những quy định mới nhất về tiền lương có hiệu lực từ tháng 7-2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ tháng 7 tới, nhiều chính sách mới quan trọng liên quan đến tiền lương có hiệu lực thi hành như: Tăng mức lương tối thiểu vùng; Xếp lương ngạch công chức ngành kế toán, thuế, hải quan; Dừng hỗ trợ mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Có hiệu lực từ 1-7, Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng với mức tăng bình quân là 6%. Mức tiền lương thấp nhất làm cơ sở để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động.

Theo Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng so với Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau: Vùng I: 4.680.000 đồng/ tháng (hiện là 4.420.000 đồng/ tháng); Vùng II: 4.160.000 đồng/ tháng (hiện là 3.920.000 đồng/ tháng); Vùng III: 3.640.000 đồng/ tháng (hiện là 3.430.000 đồng/ tháng); Vùng IV: 3.250.000 đồng/ tháng (hiện là 3.070.000 đồng/ tháng).

Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ chính thức quy định mức lương tối thiểu giờ làm cơ sở để trả lương cho người lao động làm việc theo giờ. Theo đó, lương tối thiểu vùng theo giờ với Vùng I: 22.500 đồng/ giờ; Vùng II: 20.000 đồng/ giờ; Vùng III: 17.500 đồng/ giờ; Vùng IV: 15.600 đồng/ giờ.

Thông tư 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương ngạch công chức ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ sẽ chính thức có hiệu lực từ 18-7.

Theo đó, Thông tư mới đã không còn yêu cầu các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong phần tiêu chuẩn trình độ đào tạo của các ngạch công chức chuyên ngành thuế, kế toán, hải quản mà thay vào đó, nếu vị trí việc làm yêu cầu thì các ngạch công chức này để phải sử dụng thành thạo.

(Trước đó, tại Công văn 2499/BNV-CCVC, Bộ Nội vụ đề xuất sẽ có 74 ngạch công chức sẽ được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, mới đây đã áp dụng với công chức chuyên ngành hành chính, văn thư, tại Thông tư 02/2021/TT-BNV).

Bên cạnh đó, công chức thuế, hải quan, kế toán được xếp lương như sau: Công chức ngạch kiểm tra viên cao cấp thuế, kiểm tra viên cao cấp hải quan: Có hệ số 6,2 - 8,0; ngạch kế toán viên cao cấp có hệ số lương từ 5,75 - 7,55; Công chức ngạch kiểm tra viên chính thuế, kiểm tra viên chính hải quan: Có hệ số lương từ 4,4 - 6,78; ngạch kế toán viên chính có hệ số lương từ 4,0 - 6,38.

Ngạch kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan: Có hệ số lương từ 2,34 - 4,98; Ngạch kế toán viên trung cấp, kiểm tra viên trung cấp thuế, kiểm tra viên trung cấp hải quan: Có hệ số lương từ 2,1 - 4,89; Ngạch nhân viên hải quan, nhân viên thuế: Có hệ số lương từ 1,86 - 4,06.

Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ đã cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ 1-7-2021 đến hết 30-6-2022).

Như vậy, đến 1-7-2022, chính sách hỗ trợ này sẽ kết thúc, doanh nghiệp phải tiến hành đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức cũ.

Cụ thể, theo Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1.7.2022 được xác định như sau: Doanh nghiệp đủ điều kiện được đóng với mức thấp đóng 0,3%; Doanh nghiệp còn lại đóng 0,5%.