Những pho sử liệu sống

ANTĐ - Hôm qua 24-9, tại Nhà Thái học Trung tâm Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), 9 di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội được Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tái hiện thông qua một triển lãm ảnh, nhằm giới thiệu đến công chúng cái nhìn tổng thể về các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố. Triển lãm là một trong những hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. 

Bán hàng lưu động trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972
Ảnh: Trịnh Hải

Với gần 100 bức ảnh, bản đồ, công chúng Thủ đô được hiểu thêm về các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan cùng các hoạt động tôn vinh các di tích: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long, Thành Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Hát Môn, đền Hai Bà Trưng, hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn, đình Tây Đằng, đền Phù Đổng. Đây không chỉ là những địa chỉ văn hóa, du lịch nổi tiếng của Hà Nội mà còn là những pho sử liệu sống động chứa đựng nhiều sự kiện lịch sử chân thực, nhiều nét đẹp văn hóa, nhiều truyền thuyết thấm đượm chất nhân văn, anh hùng ca về những địa danh, những con người Việt Nam kiên trung, bất khuất, trí tuệ trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm. Triển lãm diễn ra đến ngày 24-10.

Cũng tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ ngày 27-9 đến 2-10, diễn ra triển lãm “Hà Nội trong tôi”, trưng bày các bức ảnh do các nhiếp ảnh gia cao tuổi thể hiện. Triển lãm giới thiệu đến người xem 116 bức ảnh về Hà Nội trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, chia làm 3 chủ đề gồm: Hà Nội kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; Hà Nội-Thủ đô anh hùng trong thời kỳ đổi mới; Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình. Số tiền bán các tác phẩm sẽ được dùng để gây quỹ xây dựng và sửa chữa 60 căn nhà cho các hộ gia đình chính sách, người nghèo tại Hà Nội và ngư dân huyện đảo Lý Sơn nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.