Những nguy hiểm, rủi ro luôn doạ... "rơi vào đầu" y bác sỹ

ANTĐ - Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, cùng điểm qua những khó khăn vất vả của nghề y, những rùi ro thường trực đối với các y bác sỹ, thầy thuốc, để phần nào hiểu được sự hi sinh, cống hiến của họ với sự phát triển của xã hội.

Những người làm việc trong ngành y với trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, được xã hội gọi với cái tên gần gũi là Thầy thuốc, được so sánh như mẹ hiền (lương y như từ mẫu). Nhiều người bảo rằng làm bác sĩ, y tá thì sướng lắm bởi thu nhập của bác sĩ rất cao, tuy nhiên, ít người để ý những vất vả, nguy hiểm họ phải đối mặt mỗi ngày.

Rủi ro nghề nghiệp có thể nguy hiểm đến tính mạng

Làm việc trong môi trường y tế thì không thể tránh được những rủi ro từ các loại bệnh mang lại. Bác sĩ luôn phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân trong một ngày với nhiều loại bệnh khác nhau, thậm chí có nhiều trường hợp bị lây nhiễm trong khi thực hiện công tác chữa bệnh cho bệnh nhân.

Mặc dù họ làm việc căng thẳng ngày đêm, không quản giờ giấc để đem lại sự sống cho con người, nhưng không được phép mắc sai lầm. Bởi chỉ với một sai sót nhỏ cũng có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Cán bộ y tế chăm sóc cho bệnh nhân bị Sars. 


Áp lực từ môi trường làm việc bị kỳ vọng quá cao

Bác sĩ luôn được xã hội nhìn nhận là bộ phận tri thức tinh hoa của xã hội. Để thi đỗ vào một trường đào tạo bác sĩ danh tiếng, ví dụ như Đại học Y Hà Nội, người đó phải luôn luôn ở "top" đầu. Trở thành bác sĩ, họ hiển nhiên phải suất sắc hơn bạn bè và kỳ vọng xã hội đặt lên vai họ cũng lớn hơn những người làm nghề khác khác. Tuy nhiên, cũng như bất cứ một ngành nghề nào khác, để thành công họ phải mất rất nhiều thời gian học tập, bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng và không phải ai cũng có được thành công.

Bên cạnh đó, bác sĩ là người thường xuyên phải chứng kiến người bệnh đứng giữa lằn ranh của sự sống cái chết. Nếu bệnh nhân mắc bệnh nặng quá, không thể cứu chữa được, không biết làm sao, cảm giác bất lực là có thật. Lúc đó tâm trạng của bác sĩ vừa rất nuối tiếc vừa chán chường, khó tả (dẫn lời PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai).

Làm nghề y thì không thể nhàn được

Ảnh minh họa

Có nhà tư bản từng định nghĩa thế này: Giàu có - đó là số ngày bạn có thể sống thoải mái mà không cần phải làm việc.

Một người đi theo con đường kinh doanh càng thành công bao nhiêu thì càng thuê được những người tài giỏi thậm chí giỏi hơn họ về mặt chuyên môn về làm việc, vì thế họ trở nên giàu có và nhàn hạ hơn.

Một bác sĩ thì khác, càng giỏi bao nhiêu thì càng phải tự tay làm lấy mọi việc bấy nhiêu, tức là càng vất vả bấy nhiêu. Cho nên bạn càng giỏi nghề thì khối lượng công việc của bạn càng tăng lên.

Nghề y là nghề nguy hiểm

Người nhà đuổi đánh bác sĩ. Ảnh chụp từ Video của bệnh viện

Sự nguy hiểm ấy không chỉ đến từ rủi ro nghề nghiệp: nhiều bác sĩ bị phơi nhiễm HIV, lây nhiễm các virus độc hại, thậm chí tử vong khi phải tiếp xúc, đối diện với bệnh tật hàng ngày mà gần đây rất nhiều trường hợp bác sĩ bị hành hung, bệnh viện bị đập phá thậm chí có bác sĩ còn bị đập phá cả nhà riêng.

Chuyện bác sĩ bị hành hung rất nhiều và không phải vụ nào cũng được mọi người biết đến, rất nhiều trường hợp họ bị oan, dù làm đúng quy trình, không mắc lỗi gì cả nhưng bác sĩ vẫn bị người nhà bệnh nhân đánh khi thấy người thân của họ không không thể qua khỏi.

Không thể phủ nhận những mặt chưa được tốt của ngành y, tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu và thông cảm với những khó khăn của họ. Những cái nhìn phiến diện, một chiều hoặc đòi hỏi quá đáng, rồi lên án bác sĩ có phần thái quá kiểu "ném đá hội đồng"... chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng, tệ đi mà thôi.