Những người trẻ mặc blouse trắng

ANTĐ - Đã từng tiếp xúc với rất nhiều bác sĩ ở các bệnh viện khác nhau, kể cả những bệnh viện mà nhiều lần bị dư luận “đánh hội đồng”, tôi thực sự muốn viết một cái gì đó, dù là ít nhiều để xã hội hiểu hơn về một nghề mà nói một cách công bằng họ cũng cần nhận được sự cảm thông. Hôm nay, nhân dịp 84 năm  ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tôi muốn nói về những người thầy thuốc trẻ, những người mà tôi biết họ qua những hành trình thiện nguyện.
Những người trẻ mặc blouse trắng ảnh 1

“Hà Nội nghĩa tình” tại các bệnh viện

Đến bệnh viện khám bệnh hẳn là nỗi ám ảnh của hầu hết mọi người, chen chúc, xếp hàng, xếp sổ, làm các thủ tục, đóng tiền rồi chạy khắp nơi tìm phòng khám bệnh, siêu âm, xét nghiệm… rồi thậm chí cả những câu nói nặng nhẹ của cán bộ y tế. Ở Bệnh viện Nhi Trung ương, một bệnh viện đứng hàng đầu về quá tải, thì những điều trên càng là nỗi sợ của các gia đình bệnh nhân. Ấy vậy nhưng thời gian gần đây, đường dây nóng của bệnh viện gần như không nhận được cuộc điện thoại nào phàn nàn về việc đón tiếp, làm thủ tục khám chữa bệnh nữa. Bất cứ ở đâu, khách cũng dễ dàng tìm được các bàn hướng dẫn của các bạn sinh viên tình nguyện, thậm chí có thể được dẫn đến tận các phòng siêu âm, xét nghiệm. Đó là kết quả của một mô hình tình nguyện rất thiết thực do Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ Hà Nội thực hiện tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, trong đó Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi thí điểm đầu tiên. Hiện nay, mô hình này tiếp tục được triển khai ở 3 bệnh viện nữa tại Hà Nội là Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn tiến tới sẽ nhân rộng ra toàn quốc.

Là người đầu tiên nhận nhiệm vụ triển khai mô hình “Hà Nội nghĩa tình” tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS Đỗ Mạnh Hùng (Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Nhi Trung ương) tâm sự: Viện Nhi là nơi có số lượng bệnh nhân tập trung rất lớn, mỗi buổi sáng có khoảng 1.000 bệnh nhân và kèm theo đó là khoảng 2.000 người nhà bệnh nhân. Đa phần họ đến đây từ các tỉnh xa, nhiều người đến lần đầu tiên, trong khi đó do điều kiện cơ sở vật chất chưa hoàn thiện nên cấu trúc các khoa, phòng rất khó tìm. Bởi vậy họ rất cần đến sự giúp đỡ, mô hình “Hà Nội nghĩa tình” vì vậy cũng được lãnh đạo bệnh viện hết sức ủng hộ. 

Đến nay, sau tròn 1 năm triển khai, “Hà Nội nghĩa tình” đã chứng minh đây là một mô hình vô cùng ý nghĩa, được xây dựng với tình yêu, trách nhiệm lớn lao của những người thầy thuốc với bệnh nhân. “Tất nhiên mô hình mới sẽ có nhiều hạn chế, nhưng qua đó, các tình nguyện viên đã chia sẻ được rất nhiều áp lực công việc với đội ngũ y, bác sĩ của khoa khám bệnh; đồng thời chỉ cần những cử chỉ, nụ cười của mình, các bạn đã góp phần làm vơi bớt những khó khăn của người nhà và bệnh nhân”, anh Hùng chia sẻ.

Với những hoạt động tình nguyện ý nghĩa, đặc biệt trong việc xây dựng mô hình “Hà Nội nghĩa tình”, TS Đỗ Mạnh Hùng đã được vinh danh Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh tâm sự: “Tôi nghĩ danh hiệu này không dành riêng cho tôi, mà dành cho tất cả tập thể cán bộ y tế ở Bệnh viện Nhi Trung ương mà tôi chỉ là người đại diện. Tất cả họ đã có một sự nhiệt huyết với nghề, một sự hy sinh vô cùng lớn khi dấn thân vào nghề này”.

Những chuyến đi chở yêu thương

Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội thành lập năm 1992 là tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội, đến nay đã có hàng trăm chuyến đi khám bệnh từ thiện ở các địa phương khó khăn. Nhưng với họ, những con số không nói lên tất cả, mà những chuyến đi đó trên hết đã thể hiện nhiệt huyết, tình yêu, trách nhiệm của người thầy thuốc trẻ và qua đó cũng đã đem lại cho họ những trải nghiệm vô cùng quý giá.  

Là người trực tiếp tham gia rất nhiều chuyến đi khám bệnh từ thiện như vậy, ThS Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Khoa nội IV, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội tâm sự: Có đi mới thấy có rất nhiều bản, làng “trắng” về y tế, có rất nhiều cán bộ y tế phải làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, có nhiều câu chuyện ám ảnh vô cùng. “Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, họ sinh con và nuôi con cứ hồn nhiên như cây cỏ, ăn mặc thiếu thốn, có khi mùa đông lạnh giá mình mặc bao nhiêu lớp áo quần vẫn thấy lạnh mà trẻ con ở đó chỉ một manh áo mỏng, có khi còn cởi truồng. Những bậc cha mẹ thì quan niệm đơn giản lắm, đứa trẻ nào chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt thì sống, đứa trẻ nào không may bị bệnh mất đi thì họ cho rằng bị “con ma nó bắt đi”. Có em bé bị gãy tay, khi được các cán bộ y tế cơ sở nẹp băng cố định xương không may bị nhiễm trùng, chảy dịch cả tháng trời mà gia đình không biết để đưa đi viện. Lại có cụ bà đã hơn 90 tuổi, hai chân sưng phù rất to nhưng người nhà cũng không biết là cụ bị làm sao, không đưa đi khám mà cứ đóng cái cũi có bánh xe để cụ ngồi đó di chuyển. Rồi những lần khi đoàn bác sĩ đến bản, có gia đình đưa cả ông bà, bố mẹ, con cái, anh em đến khám bệnh vì từ trước đến nay họ chưa được bác sĩ khám bao giờ. Lại có những cán bộ y tế khi đoàn đến xúc động chia sẻ rằng dễ đến hàng chục năm nay họ không được cập nhật thông tin mới gì về y tế”.

Càng đi càng thấy nhiều mảnh đời bất hạnh, các thầy thuốc trong Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội nhận ra rằng dù những chuyến đi có nhiều hơn nữa, cũng chỉ như “muối bỏ bể”, bởi chúng ta còn quá nhiều nơi khó khăn về y tế như thế. Vì vậy những năm gần đây, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội đã hướng tới những hoạt động có chiều sâu hơn: “Chúng tôi có đi nhiều thế, đi nhiều nữa cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân, và cũng không có nguồn lực nào để có thể đi mãi được. Vì vậy, mỗi chuyến đi chúng tôi muốn gửi một thông điệp đến cấp ủy, chính quyền của các địa phương về việc chăm lo, quan tâm nhiều hơn nữa đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Đồng thời qua đó chúng tôi kết hợp các khảo sát về thực trạng y tế, nguồn lực, trang thiết bị, nhu cầu đào tạo cán bộ tại địa phương, từ đó có một bức tranh rộng hơn về y tế địa phương để có kế hoạch giúp đỡ họ bằng các cách khác nhau, thông qua các cuộc giao lưu, trao đổi giữa các thầy thuốc trong đoàn, giữa đoàn với các cán bộ y tế địa phương, qua các chương trình tập huấn y tế. Chúng tôi kỳ vọng những hoạt động như vậy sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở” - Ths Tuấn cho biết.

Mong xã hội có cái nhìn công bằng với ngành y

Với các cán bộ y tế, không chỉ phải chịu áp lực lớn với cường độ làm việc, với những nguy cơ tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng con người mà hiện nay họ còn chịu áp lực rất lớn từ những cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội. Nhưng với họ, khi đã chọn nghề thì dù ai nói ngược nói xuôi vẫn hết lòng hết sức vì nghề, “bởi đó cũng đã là sự dấn thân, hy sinh rồi”. 

Có thể nói bên cạnh giáo dục thì y tế là ngành có tác động gần như đến toàn bộ 96 triệu người dân, bởi vậy họ có những áp lực vô cùng ghê gớm. Ths Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ: “Khi bệnh nhân vào viện, họ đặt toàn bộ niềm tin vào bác sĩ, muốn bác sĩ toàn tâm toàn ý với mình. Nhưng bác sĩ, ví dụ có 10 bệnh nhân thì họ phải chia sự quan tâm của mình ra 10 phần, thế nên chuyện mệt mỏi là không thể tránh khỏi. Nếu một ngày nào đó người dân gặp 1 bác sĩ đang gặp chuyện không vui, không làm họ hài lòng, hay chẳng may có một tai biến y khoa nào đó thì vô hình trung sẽ bị quy chụp xuống cấp về y đức. Bác sĩ cũng là con người, cũng có sai sót, chúng tôi rất mong xã hội có sự thông cảm”.

Còn với TS Đỗ Mạnh Hùng, anh tâm sự: “Nếu ai đó muốn có một cái nhìn đúng về chúng tôi, hãy thử đặt mình vào một ca trực của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng ở Khoa Hồi sức cấp cứu của Viện Nhi để hình dung cường độ làm việc của họ. Vào thời điểm như tháng 3 năm ngoái, khi dịch sởi bùng phát, một buổi sáng, kỹ thuật viên phải lấy cả nghìn mẫu máu, đến nỗi họ không có cả thời gian để bưng bát cơm lên. Có những y tá, điều dưỡng đang có con nhỏ, họ vừa làm việc vừa rơi nước mắt. Trong khi người đến đây ai cũng có con nhỏ, ai cũng muốn nhanh, cũng muốn phải cười. Hãy tưởng tượng xem mỗi ngày một y tá phải tiếp hàng trăm bệnh nhân, thì họ có đủ sức để cười cả ngày không. Hãy có cái nhìn công bằng với chúng tôi”.