Những “người nhái” dũng cảm, thiện chiến của Công an Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu hình ảnh người lính cứu hỏa luôn gắn với chiếc xe màu đỏ, thì với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên sông, tôi ấn tượng với chiếc thuyền máy, chiếc áo phao màu cam và những bộ đồ lặn. Không chỉ phải đấu tranh với “giặc lửa” ở một môi trường đặc biệt, họ còn là những “người nhái” dũng cảm, thiện chiến của Công an Thủ đô trên mặt trận cứu nạn, cứu hộ dưới nước, tìm kiếm thi thể, trục vớt tài sản trên sông.

Công việc gian khổ và vất vả

Được thành lập vào năm 2018, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) trên sông, CATP Hà Nội dù là lực lượng còn non trẻ, quân số ít, với hơn 20 cán bộ chiến sĩ, nhưng đã luôn nỗ lực làm tốt trọng trách chữa cháy và thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ ở dưới nước.

Có thể nói, đây là một trong những công việc gian khổ và vất vả nhất của lực lượng Công an Thủ đô. Mỗi bộ trang phục lặn và các thiết bị đi kèm có trọng lượng lên đến trên 20kg. Đây là trang bị đặc biệt giúp người chiến sĩ có thể duy trì thân nhiệt, bảo vệ cơ thể trong quá trình lặn sâu dưới nước, khi hầu hết sông hồ ở Hà Nội đều trong tình trạng ô nhiễm rất nặng. Những sông hồ nhìn bề mặt có vẻ trong xanh, nhưng xuống sâu đến 2m đã không còn có thể nhìn thấy gì. Do đó, khi lặn dưới nước, các chiến sĩ chủ yếu dùng tay và chân để cảm nhận và định hướng mọi hoạt động. Họ vẫn nói vui rằng, mình luôn phải làm việc bằng “linh cảm”.

Sự cố xảy ra dưới nước đều không được báo trước. Nếu không cẩn thận hoặc một chút sơ suất nhỏ cũng có thể khiến bản thân họ gặp nguy hiểm như nước siết, đá ngầm, tàu bè và dị vật đâm va... Cơ thể có thể bị sốc nhiệt, cảm lạnh do ngâm nước quá lâu hay mắc nhiều chứng bệnh về da, hô hấp, do phải tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm… Do vậy, sự bình tĩnh, lòng can đảm và sức khỏe là yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu đối với đội ngũ này.

Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CATP Hà Nội chia sẻ: “Gặp những trường hợp đó, tự mỗi chiến sĩ phải biết cách xử lý vì dưới sâu mặt nước, không ai thấy ai nên chỉ cần một người rối loạn là cả đội hình lặn sẽ loạn theo. Do đó, công việc luyện tập hàng ngày rất quan trọng, giúp mỗi người lính vừa nâng cao trình độ chuyên môn, phòng ngừa những nguy hiểm, vừa phối hợp hoạt động nhóm một cách hiệu quả khi không thể nhìn thấy mà vẫn tự giải quyết mọi rắc rối dưới nước”.

Lực lượng CS PCCC & CNCH trên sông lên đường làm nhiệm vụ

Lực lượng CS PCCC & CNCH trên sông lên đường làm nhiệm vụ

Những người chuyên lặn tìm thi thể bất đắc dĩ!

Bên cạnh công tác chữa cháy cho các tàu, thuyền trên sông thì nhiệm vụ chính của những cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông thực hiện đó là không ngại nguy hiểm, lao vào dòng nước dữ để cứu những người bị đuối nước, tìm kiếm các thi thể mất tích và trục vớt tài sản, tang vật vụ án...

Đã có 3 năm công tác tại Đội, Thượng úy Nguyễn Huy Hoàng vẫn nhớ như in lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ lặn tìm thi thể người tự tử ở sông Hồng. Với một người trẻ, còn chưa có kinh nghiệm như anh thì đây là nhiệm vụ đặc thù và tương đối áp lực. Áp lực này không chỉ từ nỗi đau xót của người nhà nạn nhân khiến bản thân anh phải cố gắng để tìm kiếm bằng được thi thể người thân của họ, mà còn là cả sự hồi hộp xen chút sợ hãi khi đối mặt với xác chết ở dưới nước.

“Khi đang lặn tìm thi thể nạn nhân, tôi va phải một cái chân bàn mà người ta vứt xuống sông. Lúc đó thật sự tôi giật mình và theo phản xạ, ngay lập tức vùng bơi lên mặt nước để trấn tĩnh. Mặc dù mục đích là đi tìm thi thể nạn nhân, nhưng lúc đó còn run lắm, cứu người sống thì không nề hà gì nhưng vẫn chưa thể chuẩn bị tinh thân để đối mặt với người đã chết”-Thượng úy Nguyễn HuyHoàng tâm sự.

Anh buồn hơn là chỉ sau một thời gian ngắn, bản thân đã không còn có thể sợ như thế nữa vì trung bình tháng nào, đội cũng tiếp nhận từ 2 đến 4 vụ như vậy. Đỉnh điểm, có tháng còn tới gần chục vụ. Nạn nhân có thể là những người tìm đến sông nước tự tử, là người không may chết đuối hay là bị hại của một vụ án bị giấu xác phi tang… Đối mặt với người chết đã trở thành một cái gì đó rất quen thuộc trong nghề nghiệp của Thượng úy Nguyễn Huy Hoàng.

Dù vậy, các cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC & CNCH trên sông luôn vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Trên cả những áp lực, họ quyết tâm làm điều gì đó để chia sẻ nỗi đau mất mát với người nhà nạn nhân.

Phóng viên Truyền hình An ninh ATV tác nghiệp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH trên sông

Phóng viên Truyền hình An ninh ATV tác nghiệp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH trên sông

Hết lòng với nhiệm vụ

Gặp gỡ nhóm phóng viên truyền hình An ninh ATV sau một buổi tập luyện, các chiến sĩ Cảnh sát PCCC & CNCH trên sông cười vui vẻ vì đó là một ngày “thất nghiệp” của họ. Đối với những người lính làm nhiệm vụ đặc biệt này, một ngày không có cháy, không có các ca tử vong trên sông nước, đó là một ngày vui.

Thế nhưng, dù trong bữa cơm hay trong giấc ngủ hàng ngày thì tinh thần chiến đấu của họ vẫn luôn luôn thường trực. Chỉ cần tiếng kẻng báo động vang lên là tất cả nhanh chóng mặc trang phục lên đường làm nhiệm vụ, bất kể nắng mưa hay đêm khuya gió lạnh.

“Khi nghĩ đến những nạn nhân đang cần được giúp đỡ thì chúng tôi lại quên đi sự mệt mỏi, phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn trước mắt để đến hiện trường vụ cháy hoặc cứu nạn một cách nhanh chóng. Có thể cứu sống hoặc tìm được thi thể người bị nạn góp phần làm xoa dịu những đau thương, mất mát của người nhà nạn nhân, đó mới chính là động lực thôi thúc chúng tôi gắn bó và yêu nghề hơn”-Thượng úy Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.

Với tinh thần quyết tâm đó, những năm qua, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông đã khắc phục khó khăn, tham gia xử lý 136 vụ cứu nạn, cứu hộ dưới nước, giải cứu nhiều người bị nạn; đặc biệt, trực tiếp tham gia xử lý nhiều vụ việc phức tạp như tìm tang vật vụ án, tìm thi thể bị hại, góp phần hỗ trợ đắc lực các đơn vị nghiệp vụ khác của Công an thành phố trong việc khám phá thành công nhiều vụ án.

Trước những diễn biến phức tạp về cháy, nổ, tai nạn, sự cố dưới nước như hiện nay, đặt ra những thách thức mới cho đơn vị, nhưng đó cũng là cơ hội để các cán bộ, chiến sĩ thể hiện năng lực cũng như sức mạnh của mình trong công tác cứu nạn cứu hộ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do các sự cố cháy, nổ hoặc tai nạn gây ra.