Những người không nên ăn lạc

ANTĐ - Lạc là loại hạt rất giàu axit béo không bão hòa đơn, vitamin E, mangan, giàu chất chống oxy hóa và khoáng chất… Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra lạc rất giàu axit béo Omega 3, giúp tóc phát triển khỏe mạnh, giảm tình trạng thưa tóc ở phụ nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tận dụng lợi thế này của lạc. 

Người bị bệnh gout 

Các chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân gây bệnh gout là do có sự rối loạn chuyển hóa axit uric, làm tăng lượng axit uric trong máu. Chế độ ăn uống nhiều chất béo sẽ làm giảm bài tiết axit uric khiến cho bệnh có xu hướng trầm trọng hơn. Trong khi đó, lạc là một trong những thực phẩm nhiều chất dầu béo và chất protein… vì thế, những người bị bệnh gout không nên ăn nhiều lạc. 

Bệnh nhân tiểu đường 

Người bị tiểu đường cần phải kiểm soát lượng năng lượng tiêu thụ hàng ngày. Chẳng hạn như việc sử dụng dầu ăn hàng ngày không được quá 3 muỗng cà phê (30g), trong khi đó 18 hạt lạc tương đương với một thìa dầu (10g) khoảng 90 kilocalories. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cũng nên tránh ăn nhiều lạc. 

Người đang giảm cân 

Lạc có lượng calo và hàm lượng chất béo cao, đặc biệt là lạc chiên qua dầu ăn thì hàm lượng calo còn tăng gấp đôi. Vì vậy, đối với những người có ý định muốn giảm cân thì nên tránh xa lạc. 

Những người không nên ăn lạc ảnh 1

Người bị cao huyết áp 

Chế độ ăn của người bị cao huyết áp cần tránh những thực phẩm giàu chất béo. Trong khi lạc có chứa một lượng lớn chất béo, những người bị cao huyết áp ăn lạc sẽ làm cho lượng mỡ trung bình trong máu tăng lên, lượng mỡ trong máu tăng sẽ kèm với hiện tượng xơ cứng động mạch, cao huyết áp, rất có hại cho cơ thể. 

Người hay bị nóng trong 

Lạc vị ngọt, dễ gây nóng ruột, vì thế những người bị viêm khoang miệng, viêm lưỡi, miệng lưỡi lở loét, chảy máu cam... do chứng nội nhiệt bốc hỏa (nóng trong) sau khi ăn lạc sẽ tăng hỏa khí, làm bệnh tăng nặng và khó thở hơn. 

Người vừa phẫu thuật túi mật 

Dịch mật có ý nghĩa rất quan trọng đối với hấp thụ và tiêu hóa chất béo. Sau khi ăn cơm, túi mật co bóp, dịch mật sẽ chảy vào đường ruột để tiêu hóa, hấp thụ thức ăn. Thực phẩm giàu chất béo và protein có kích thích mạnh nhất đối với túi mật, làm cho dịch mật bài tiết ra nhiều. Những người sau khi cắt bỏ túi mật thì không thể tích trữ dịch mật, gây ảnh hưởng đến tiêu hóa chất béo trong lạc và các đồ rán nướng chứa nhiều dầu mỡ khác. 

Người bị bệnh phù thũng 

Trong lạc có một loại chất làm đông máu trong thời gian ngắn. Nếu cơ thể bị tổn thương, mạch máu bị phù, ăn lạc có thể sẽ làm cho máu ứ đọng lại, không lưu thông, làm cho bệnh phù thũng nặng thêm. 

Phụ nữ mang thai 

Nhóm các nhà nghiên Canada thuộc Bệnh viện Sainte Justine cho biết, ăn lạc trong thời gian mang thai và cho con bú cũng không tốt cho sức khỏe của em bé. Anne Desroches, bác sĩ dị ứng, cùng các đồng sự đã tiến hành nghiên cứu trong vòng 7 năm nhằm tìm ra các yếu tố là nguyên nhân xuất hiện bệnh dị ứng. Kết quả cho thấy, việc ăn lạc trong quá trình mang thai làm sẽ làm nguy cơ mắc bệnh dị ứng của đứa trẻ sau này cao gấp 4 lần. Ngoài ra, việc sử dụng loại thực phẩm này khi cho con bú cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. 

Tuyệt đối không ăn lạc mốc bởi lạc mốc có chứa nhiều chất gây ung thư, gây ngộ độc nên khi sử dụng phải loại bỏ các hạt mốc, hỏng. Đặc biệt là lạc rang húng lìu, bởi khi rang cùng húng lìu, dù lạc bị mốc người ăn cũng rất khó xác định vì đã bị mùi lấn át, màu sắc pha lẫn. Trong nấm mốc thường chứa chất Aflatoxin B1, chất được xem là chất độc gây nên các bệnh ung thư gan, phổi cùng các biến chứng khác. Dù rang lạc nhiệt độ cao cũng không thể loại bỏ hết chất độc này. Vì thế, bạn cần loại bỏ các hạt lạc có các dấu hiệu bất thường như hạt bị đen phía trong, mùi hắc nồng...