Những người “giữ lửa” cho tranh dân gian Hàng Trống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những người cao tuổi ở Hà Nội hầu như đều biết đến câu ca dao: “Dù ai buôn bán trăm nghề/Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”. Những bức tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng ngày xưa chắc hẳn sẽ đi vào quên lãng, hay chỉ còn tồn tại như một hiện vật trong bảo tàng, nếu không có sự quyết tâm của người nghệ nhân 70 tuổi Lê Đình Nghiên.
Các em nhỏ chăm chú ngồi xem nghệ nhân Lê Đình Nghiên thực hiện các tác phẩm tranh Hàng Trống

Các em nhỏ chăm chú ngồi xem nghệ nhân Lê Đình Nghiên thực hiện các tác phẩm tranh Hàng Trống

Những chuyện muôn năm cũ…

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của đất Kinh kỳ. Xưa miền Bắc có 3 dòng tranh dân gian tiêu biểu được sản xuất theo phương pháp thủ công gồm: tranh điệp Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh đỏ Kim Hoàng (Hà Tây) và tranh Hàng Trống (Hà Nội). Tranh Hàng Trống khác biệt bởi cách làm và chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo của vùng miền. Nó là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hàng ngày và thực sự phát triển cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Các nhà nghiên cứu đánh giá loại tranh này không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra. Ở thời kỳ hoàng kim, tranh Hàng Trống được bán ở khắp 36 phố phường: Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống... Có điều đến nay, người duy nhất còn nắm trọn vẹn những bí quyết của dòng tranh này là một cụ ông đã 70 tuổi - nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người giữ nghề cuối cùng của tranh Hàng Trống.

Tại căn nhà nhỏ trên phố Cửa Đông (Hà Nội), nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn hàng ngày lặng lẽ vẽ những bức tranh đặc biệt của mình. Ông bắt đầu vẽ từ năm 11 tuổi khi được cha là nghệ nhân Lê Đình Liệu dạy dỗ. “Lúc đầu tôi không hào hứng tham gia, khi lớn lên tôi chọn một công việc khác, lúc nào rảnh thì mới vẽ. Khi đó, bố tôi rất lo lắng vì không có người kế tục nghề của gia đình. Tuy nhiên, sau này vì niềm đam mê nên tôi vẫn đi theo con đường mà gia đình định hướng” - ông Nghiên cho biết.

Ông Nghiên vẫn nhớ như in cái thời cực thịnh của tranh Hàng Trống: “Thuở còn bé, tôi thấy các con phố quanh năm nhộn nhịp với tranh. Người từ khắp nơi đổ về mua tranh để thờ và chơi Tết. Cứ đến cuối năm, các chiếu tranh Hàng Trống bày bán la liệt ở hè phố tạo ra một nét riêng cho cái Tết của Hà Nội. Tranh dân gian Hàng Trống do các nghệ nhân làng Tự Pháp (tức khu vực phố Bảo Khánh - Hàng Trống ngày nay) thường ra ngồi vẽ tại đầu làng. Họ chỉ kê một chiếc hòm sắt, hoặc dùng tấm gỗ phẳng làm bàn là có thể cho ra những bức tranh đầy màu sắc. Tranh in và bồi màu xong được treo lên dây chờ bán, hoặc giao cho lái buôn mang đi khắp nơi”

Hà Nội xưa có câu: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” nhằm để chỉ 4 thú chơi mà xét về độ tao nhã luôn giữ vị trí số 1. Cuộc sống đổi thay, ngày nay chỉ đồ gỗ là còn tương đối được ưa chuộng, chữ và tranh dân gian thì phôi pha gần hết. Trong cơn lốc phát triển, số phận tranh Hàng Trống cũng như nhiều loại tranh dân gian khác gần như trở thành những hoài niệm xưa cũ. Loại tranh phong phú với hàng trăm mẫu mã, đắt tiền giờ đây bày chẳng còn nhiều người mua. Không còn sống được với nghề, nhiều nghệ nhân bỏ cuộc...

Một bản khắc gỗ cổ của bức tranh “Tố nữ”

Một bản khắc gỗ cổ của bức tranh “Tố nữ”

Tâm sự của người nghệ nhân già

Mặc dù hiện nay phải “độc hành” trên con đường gìn giữ dòng tranh quý này, nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn say sưa, tâm huyết. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông tỏ rõ sự tin tưởng và quyết tâm khôi phục lại những vốn nghề xưa cũ của đất Thăng Long, thứ nghề đã gắn liền với văn hóa, lịch sử của dân tộc. Ông bảo, nghệ thuật muốn tồn tại thì phải có đất sống. Muốn sống thì phải cộng sinh với cuộc đời. Có như vậy, tranh Hàng Trống mới hy vọng tồn tại.

Tranh Hàng Trống được ưa thích bởi yếu tố văn hóa, triết lý được truyền tải trên những nét vẽ. Chúng mang hình thức tôn thờ tín ngưỡng, nội dung cầu phúc, cầu an. Đây cũng chính là lý do sau một thời gian mai một, hiện giới trẻ bắt đầu có xu hướng mua tranh Hàng Trống để trang trí trong các quán cà phê, nội thất gia đình... Đặc biệt là sự yêu thích và nhu cầu sưu tầm, khám phá văn hoá, tín ngưỡng của những du khách nước ngoài đang là tín hiệu vui cho việc khôi phục sức sống của một dòng tranh nổi tiếng đất Kinh kỳ.

Có được những kết quả đáng mừng ban đầu ấy một phần là nhờ công sức kiên trì, đằng đẵng bao năm của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Hàng ngày ông vẫn vẽ những bức tranh của riêng mình. Những lúc sức khỏe tốt, ông lại bê tranh đi khắp nơi để nói chuyện, để biểu diễn cho mọi người xem. Hiện người nước ngoài và khách trong nước tìm đến ông để mua tranh ngày một đông hơn. Điều này chứng tỏ người Việt Nam đang trở lại với những giá trị truyền thống.

Ông Nghiên bảo: “Còn sức khỏe thì tôi còn ngồi vẽ phục vụ những người yêu mến tranh dân gian Hàng Trống. Nhiều bạn trẻ quan tâm đến tranh dân gian nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng đều tìm đến nhà tôi ở phố Cửa Đông để xem và mua tranh. Việc duy trì và phát triển tranh Hàng Trống có khó khăn và thuận lợi. Cái khó nhất hiện nay là những bản tranh cũ nằm hầu hết trong các bảo tàng. Tôi muốn khôi phục và làm lại các mộc bản ấy, nhưng để tìm được một người thợ khắc giỏi rất khó. Vả lại, nếu có thợ khắc giỏi thì giá thành phục chế cũng rất cao nên không thể đáp ứng được”.

Trên con đường của mình, ông Nghiên còn trăn trở việc truyền nghề cho thế hệ sau. Vẽ một bức tranh Hàng Trống là cực kỳ công phu, mất nhiều công sức và thời gian, phải qua nhiều công đoạn, bởi vậy có thật yêu và đam mê mới làm được. Học lâu, khó truyền mà cũng… khó kiếm ăn. May thay, giờ đây người ta còn biết đến nghệ nhân trẻ Lê Hoàn cũng thành thạo vẽ tranh dân gian Hàng Trống. Đó là con trai của nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Tranh dân gian Hàng Trống “Tố nữ”

Tranh dân gian Hàng Trống “Tố nữ”

Chuyện nối nghiệp của Lê Hoàn cũng giống cha mình. Lớn lên bên cạnh bố, tuổi thơ của anh cũng gắn liền với bút lông, màu sắc, những bức tranh la liệt khắp nhà nhưng Hoàn không “ngấm” ngay. Dù cậu bé Hoàn học khá nhanh những ngón nghề từ cha, nhưng loại tranh cực kỳ tinh tế đòi hỏi người thợ phải còng lưng từ sáng đến tối mới xong một bức thì không phải điều thu hút những đứa trẻ mới lớn.

Đến khi thấy bố đã cao tuổi mà vẫn miệt mài làm việc ở Phòng Phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, Hoàn mới quyết định theo nghề. Anh vừa vẽ, vừa tìm hiểu thêm về nghệ thuật tranh dân gian nói chung, vừa tìm hiểu những nét văn hóa của tranh Hàng Trống nói riêng. Ông Nghiên thấy vậy cũng động viên con trai nối nghiệp, chỉ bảo con từng nét vẽ, gam màu và cách chấm sửa. Ông mong con giữ được thứ nghề một thời có tiếng của đất Thăng Long.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông tỏ rõ sự tin tưởng và quyết tâm khôi phục lại những vốn nghề xưa cũ của đất Thăng Long, thứ nghề đã gắn liền với văn hóa, lịch sử của dân tộc. Ông bảo, nghệ thuật muốn tồn tại thì phải có đất sống. Muốn sống thì phải cộng sinh với cuộc đời. Có như vậy, tranh Hàng Trống mới hy vọng tồn tại.